Phát triển hạ tầng mạng gặp khó khi các OTT giàu lên, nhà mạng nghèo đi
Theo Bộ trưởng, các công ty OTT này thu được rất nhiều tiền nhưng nhà mạng đảm bảo hạ tầng mạng thì lại không thu được bao nhiêu. Vậy làm cách nào để phát triển hạ tầng mạng khi các OTT ngày một giàu lên, còn các nhà mạng đang nghèo đi? Những thay đổi lớn và rất nhanh ở trên đòi hỏi cấp thiết phải có thể chế mới, nhất là các quy định cho phép sự linh hoạt của Chính phủ, bộ, ngành.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.
Bộ trưởng lý giải, trước đây, cung cấp dịch vụ viễn thông phải có hạ tầng viễn thông. Quản lý doanh nghiệp hạ tầng mạng là quản lý luôn được dịch vụ viễn thông. Nhưng ngày nay, trên nền Internet có thể cung cấp được các dịch vụ viễn thông cơ bản. Trước đây 90% dung lượng mạng lưới do nhà mạng đầu tư để cung cấp các dịch vụ viễn thông và nhà mạng thu tiền từ các dịch vụ viễn thông này để trang trải đầu tư. Nhưng ngày nay, 90% dung lượng mạng lưới của nhà mạng để phục vụ các dịch vụ của các công ty OTT, tức là các công ty cung cấp dịch vụ chạy trên mạng viễn thông.
Về quản lý dịch vụ viễn thông nhưng chạy trên nền Internet, Bộ trưởng lý giải, với dịch vụ viễn thông chạy trên mạng viễn thông thì quản lý rất chặt chẽ, nhưng cũng là dịch vụ viễn thông mà chạy trên nền Internet thì lại không quản, dẫn đến khó khăn về quản lý.
“Vậy, chúng ta có quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản mà họ cung cấp hay không. Đây chính là vấn đề quản lý dịch vụ OTT viễn thông”, Bộ trưởng đặt vấn đề.
Bộ trưởng đã dùng ví dụ rõ ràng hơn để minh họa khó khăn này, khi các cơ quan điều tra yêu cầu, thông tin chi tiết về các cuộc gọi và tin nhắn không được lưu trữ. Điều này cũng dẫn đến việc quản lý không công bằng giữa doanh nghiệp viễn thông và doanh nghiệp OTT, cũng như giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp xuyên biên giới.
“Cùng là cung cấp dịch vụ nhưng một bên thì quản, một bên thì không quản. Hiện nay đang có tình trạng bảo hộ ngược, doanh nghiệp trong nước thì quản chặt, doanh nghiệp nước ngoài thì thả lỏng. Quan điểm sửa luật lần này là nếu cùng loại hình dịch vụ thì quản lý giống nhau giữa trong nước và ngoài nước. Để thúc đẩy phát triển các dịch vụ OTT, ban soạn thảo cũng cố gắng đưa ra phương án quản lý vừa phải chứ không quản lý quá chặt”, Bộ trưởng khẳng định.
Tình trạng 'bảo hộ ngược' sẽ được giải quyết công bằng hơn
Cũng tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long nhấn mạnh: “Đối với các dịch vụ được cung cấp giống nhau cho người sử dụng Việt Nam thì phải được đối xử như nhau, có nghĩa là trong nước như thế nào thì quốc tế cũng như thế”.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long.
“Ở đây chỉ có một nguyên tắc quản lý, 2 dịch vụ giống nhau, bất kể công nghệ nào, hạ tầng nào thì cũng phải được quản lý giống nhau. Không thể nào một dịch vụ được cung cấp trên công nghệ này, hạ tầng này thì được quản lý, còn một dịch vụ cũng như thế mà được cung cấp bằng công nghệ khác, dịch vụ khác lại không được quản lý. Đấy là vấn đề chúng tôi đề xuất đưa vào quản lý dịch vụ OTT”, Thứ trưởng chia sẻ thêm.
Do vậy, doanh nghiệp trong nước được yêu cầu phải có đăng ký, phải có cấp phép thì các doanh nghiệp xuyên biên giới cung cấp dịch vụ vào Việt Nam cũng phải cấp phép, vì bản chất dịch vụ giống nhau thì không thể nào ứng xử khác nhau, nếu không chúng ta sẽ trở thành bảo hộ ngược.
Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh, các nguyên tắc quản lý của OTT và cloud là đối với các dịch vụ được cung cấp giống nhau cho người sử dụng Việt Nam thì phải được đối xử như nhau, có nghĩa là trong nước như thế nào thì quốc tế cũng như thế.
Do vậy, trong nước được yêu cầu phải có đăng ký, phải có cấp phép thì các doanh nghiệp xuyên biên giới cung cấp vào cũng phải cấp phép.
Dự thảo Luật viễn thông (sửa đổi) được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan quan chủ trì soạn thảo chú ý một số vấn đề sau:
- Về quy định cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội lưu ý nếu quy định nội dung này phải bảo đảm minh bạch. Đồng thời nếu như không có quy định rõ ràng về phương án kỹ thuật cần thiết để đảm bảo an ninh thông tin thì rất dễ tùy tiện, tránh tình trạng giải thích tùy tiện, làm tăng chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp Việt Nam, gián tiếp cũng làm tăng chi phí đối với các doanh nghiệp nước ngoài.
- Về các hoạt động mà bên cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu để luật hóa những quy định có trong Thông tư 38/2016/TT-TTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông liên quan đến nội dung này để đảm bảo minh bạch, ổn định.
- Đề nghị nghiên cứu thêm về quy định trường hợp có thu cước hoặc không thu cước sử dụng internet nhưng có số lượng người sử dụng hoặc phát sinh lưu lượng tại thị trường Việt Nam vượt mức ngưỡng theo quy định thì phải thông qua thỏa thuận thương mại và doanh nghiệp viễn thông Việt Nam hoặc đặt Văn phòng tại đại diện tại Việt Nam; hay quy định là việc cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu dịch vụ điện toán đám mây qua biên giới đến người sử dụng dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam phải thông qua thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp viễn thông Việt Nam hoặc đặt Văn phòng đại diện tại Việt Nam.