Tài chính số mang lại hiệu quả kinh tế cho toàn xã hội
Tại Quyết định số 1484/QĐ-BTC ngày 27/7/2022 về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo đó, mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng tài chính điện tử, tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở, hệ sinh thái tài chính số đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin toàn diện.
Tới năm 2030, phấn đấu thiết lập hệ thống tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh với 4 lĩnh vực trọng tâm chính quản lý thuế chặt chẽ, tránh trục lợi thuế và cung cấp tiện ích tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp; hải quan thông minh; kho bạc số 3 "không" (không khách hàng giao dịch, không tiền mặt, không giấy tờ); chuyển đổi số mạnh mẽ thị trường chứng khoán.
Ngành tài chính được xem như là trục "xương sống" của cả nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Đại Trí Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính), trong thời gian qua, ngành tài chính đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực. Qua đó, đạt nhiều kết quả tích cực, mang lại hiệu quả cho toàn xã hội góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục thuế, hải quan, giảm thiểu giấy tờ, thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế trung ương cho biết, Bộ Tài chính cũng là một trong những bộ ngành đầu tiên ban hành các văn bản định hướng nghiên cứu, thực hiện chuyển đổi số. Trong nhiều năm liên tiếp, Bộ Tài chính luôn dẫn đầu trong xếp hạng về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (chỉ số ICT Index).
Về xếp hạng theo chỉ số đánh giá chuyển đổi số DTI, năm 2021, Bộ Tài chính tiếp tục dẫn đầu trong số các bộ, ngành; các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc luôn tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số với các kết quả ấn tượng như ngành thuế đã hoàn thành triển khai hệ thống dịch vụ thuế điện tử, đã cung cấp 163 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong lĩnh vực thuế, tích hợp 156 dịch vụ lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Trong đó, dịch vụ thuế điện tử cho doanh nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định, thông suốt với trên 99% trong tổng số gần 850.000 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử. Tổng cục Hải quan đã hoàn thành triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt gần 90%.
Đến hết năm 2021, Kho bạc Nhà nước đã cơ bản hoàn thành xây dựng và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực quản lý; hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Kho bạc Nhà nước hoạt động ổn định, thông suốt, phục vụ 100% đơn vị thuộc đối tượng bắt buộc tham gia dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Kho bạc Nhà nước.
Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng đã thảo luận, đánh giá một số kết quả chuyển đổi số chính của ngành Tài chính, đồng thời làm rõ những tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị về chủ trương, chính sách, nghiệp vụ gắn với giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và hiện đại hóa toàn diện ngành tài chính.
Theo Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính là định hướng phát triển một cách tổng thể, toàn diện, tập trung nguồn lực, có giải pháp, cách làm đột phá, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Bộ Tài chính điện tử và hình thành Bộ Tài chính số trong thời gian tới; nghiên cứu triển khai các giải pháp nhằm xây dựng hệ sinh thái tài chính số.
Số hoá ngành tài chính sẽ là giải pháp tổng thể để đảm bảo sự phát triển của cả nền kinh tế và xã hội trong "Một Việt Nam số".
Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu về chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính – ngân sách nhà nước, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Bộ Tài chính cần đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số trong tổ chức, vận hành, quản lý và thực hiện các nhiệm vụ trên môi trường số để cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của Chính phủ.
Từ đó, góp phần giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, mang lại sự hài lòng của người dân, giúp người dân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động của Bộ Tài chính để cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng, niềm tin và đồng thuận xã hội.