Công nghiệp vi mạch Việt Nam kế hoạch 'dài hơi' để phát triển
Theo đó, công nghiệp vi mạch được coi là một trong những ngành công nghiệp quan trọng với doanh thu hàng trăm tỷ USD và đã trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 2021, ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu mang về doanh thu gần 600 tỷ USD và được dự báo sớm trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Công nghiệp vi mạch Việt Nam cần những bước tiến lớn để phục vụ cho quá trình số hoá.
Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ KH&CN, Nguyễn Hoàng Giangcho biết, tại Việt Nam, ngành công nghiệp điện tử, vi mạch những năm gần đây đã phát triển thành ngành công nghiệp quan trọng của quốc gia, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu. Hiện, Việt Nam đứng thứ 9 trên toàn cầu ở lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử. Trong tháng 8/2022, điện thoại và linh kiện điện tử có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 39,6 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước.
Về mặt cơ chế chính sách, thời gian gần đây, các hoạt động nghiên cứu, thiết kế, sản xuất vi mạch bán dẫn là một trong những hướng ưu tiên và được hưởng các ưu đãi cao trong hệ thống chính sách của Chính phủ Việt Nam.
Trong Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục công nghệ cao được ưu tiên phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển có “Công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, điện tử linh hoạt”.
Trong Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 01/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030, một trong những lĩnh vực được lựa chọn tập trung là ngành “công nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông, điện tử và công nghiệp hỗ trợ”. Như vậy có thể thấy rằng tiềm năng và dư địa để phát triển ngành công nghiệp vi mạch ở Việt Nam là vô cùng lớn.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cũng cho rằng, trước những khó khăn, thách thức đặt ra với cộng đồng vi mạch ở Việt Nam, những chính sách đúng đắn, sự tham gia của doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ là những động lực để đưa ngành công nghiệp vi mạch của Việt Nam phát triển, mang lại lợi ích cho người lao động và cho đất nước.
Để phát triển ngành công nghiệp vi mạch hiệu quả, Việt Nam cần làm rõ nhu cầu nghiên cứu, phát triển và nhu cầu về nhân lực liên quan đến lĩnh vực này của các doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước.
Cùng với đó là làm rõ khả năng đào tạo và triển khai nghiên cứu của các trường, viện để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường. Đồng thời, xác định và đề xuất một số định hướng nghiên cứu ứng dụng liên quan đến ngành công nghiệp vi mạch phù hợp với điều kiện Việt Nam, có thể xem xét đến tầm nhìn 10 đến 20 năm; kiến nghị nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách phục vụ việc thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp vi mạch tại Việt Nam.