Doanh nghiệp ngành thực phẩm trông chờ những tiến bộ của Nghị định số 15 tiếp tục được duy trì
Hội thảo nhằm tạo diễn đàn thảo luận về những thay đổi trong cách thức quản lý về an toàn thực phẩm; kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm, những vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện và các đề xuất, kiến nghị. Đồng thời, hội thảo cũng là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ những vướng mắc, khó khăn và đại biểu tham dự chia sẻ, thảo luận các đề xuất, kiến nghị về đổi mới quản lý an toàn thực phẩm.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Đổi mới cách thức quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và đối với sản phẩm, hàng hoá là trọng tâm ưu tiên cải cách của Chính phủ. Trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm, trước năm 2018 được thực hiện theo Luật An toàn thực phẩm (2010) và Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.
Quang cảnh Hội thảo.
Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định của Nghị định 38/2012/NĐ-CP có nhiều vướng mắc, làm tăng chi phí, thời gian và giảm cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Với Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm chủ yếu là tiền kiểm, nhưng quản lý hậu kiểm lại để bỏ ngỏ.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã kiến nghị từng bước tháo bỏ những bất cập trong quản lý về an toàn thực phẩm.
Trên cơ sở đó, ngày 2/2/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP. Nghị định số 15/2018/NĐ-CP được đánh giá là cải cách thể chế đột phá, thể hiện thay đổi căn bản trong tư duy về quản lý nhà nước, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày ban hành.
“Đến nay, Nghị định đã triển khai và đi vào cuộc sống được 5 năm. Đây là văn bản pháp lý có tác động lớn tới cộng đồng doanh nghiệp ngành thực phẩm và làm thay đổi cách thức quản lý của nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, do đó cần thiết phải thực hiện đánh giá tác động. Việc đánh giá tác động có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình xây dựng và tổ chức thực thi chính sách về quản lý an toàn thực phẩm cũng như chính sách về quản lý nhà nước trong lĩnh vực chuyên ngành khác”, TS. Đặng Đức Anh nhấn mạnh.
Đánh giá tác động của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về an toàn thực phẩm sau 5 năm triển khai thực hiện, bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM cho biết, trên cơ sở khảo sát doanh nghiệp qua phiếu hỏi và khảo sát thực tế tại các cơ quan hải quan; hiệp hội doanh nghiệp; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm cho thấy, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP được đánh giá là điển hình cải cách về phương thức quản lý nhà nước đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và hàng hóa. Các cơ quan thực thi và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những thay đổi của Nghị định và kỳ vọng điều này sẽ tạo tiền lệ tốt cho cải cách trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác.
Cùng với đó, những thay đổi nổi bật của Nghị định 15 là: Áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và mức độ rủi ro của hàng hóa; bổ sung các đối tượng được miễn kiểm tra; cải cách toàn diện quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu; phân cấp, khắc phục tình trạng quản lý chồng chéo, tầng nấc, trùng lặp; tạo sự linh hoạt, chủ động cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm…
Tại Hội thảo, đại diện một số tổ chức đánh giá sự phù hợp trình bày và nêu quan điểm về quản lý ATTP. Hội thảo cũng lắng nghe chia sẻ của đại diện một số hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp, đại diện doanh nghiệp và chuyên gia cũng trao đổi về kết quả và tác động khi thực hiện theo Nghị định số 15; những khó khăn, bất cập còn tồn tại của quy định pháp lý và thực thi đối với quản lý ATTP.
Nghị định số 15/2018/NĐ-CP được xem là thành tựu cải cách của môi trường kinh doanh ở nước ta; song Nghị định vẫn còn một số điểm cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Bởi vậy, tới đây khi thực hiện dự án Luật sửa đổi Luật an toàn thực phẩm, cộng đồng doanh nghiệp trông chờ những tiến bộ của Nghị định số 15 tiếp tục được duy trì. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức thì sự ổn định của chính sách và những thay đổi thể chế theo hướng thúc đẩy tự do và an toàn kinh doanh là điều cần thiết để củng cố niềm tin và tạo động lực kinh doanh cho doanh nghiệp.