Hướng đi mới cho ngành Bưu chính trong thời đại chuyển đổi số
Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương phát biểu tại hội thảo.
Tại Hội thảo quản lý bưu chính APPU diễn ra trong 2 ngày 10 và 11/12/2024 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cho biết, trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, ngành Bưu chính toàn cầu đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức mới. Báo cáo của Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) cho thấy, từ năm 2013 đến 2022, sản lượng thư nội địa toàn cầu giảm 30%, trong khi sản lượng bưu kiện tăng 176% nhờ sự phát triển của thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, dịch vụ bưu chính phổ cập cũng đang suy giảm. Những xu hướng này đòi hỏi ngành Bưu chính không chỉ thay đổi mà còn phải mở rộng hệ sinh thái và không gian hoạt động để trở thành hạ tầng thiết yếu quốc gia, đóng vai trò quan trọng trong kinh tế số, thương mại điện tử và Chính phủ số. Ngành Bưu chính cần tích cực thúc đẩy Chính phủ số, trở thành đối tác đáng tin cậy của các cơ quan chính phủ nhằm phục vụ người dân hiệu quả hơn.
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cũng cho rằng, bưu chính cần tham gia sâu vào phát triển xã hội số, đảm bảo dòng chảy vật chất được duy trì bên cạnh dòng chảy dữ liệu, đáp ứng các nhu cầu của xã hội hiện đại. Để đạt được điều này, các doanh nghiệp bưu chính và cơ quan xây dựng chính sách cần phối hợp chặt chẽ nhằm nâng cấp môi trường pháp lý, khuyến khích đổi mới và thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực bưu chính.
Hội thảo APPU về “Chính sách và quản lý bưu chính” là dịp quan trọng để các quốc gia thành viên trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn và bài học tốt nhất từ quá trình cải cách chính sách. Qua đó, mỗi quốc gia có thể điều chỉnh, áp dụng phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện phát triển bền vững ngành Bưu chính trong thời đại mới. Hội thảo cũng là nền tảng để thảo luận các chiến lược nâng cao hiệu quả và chất lượng của doanh nghiệp bưu chính, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số trong toàn khu vực.
Hội thảo APPU: Chung tay cải cách bưu chính khu vực
TS. Vinaya Prakash Singh, Tổng Thư ký APPU phát biểu cho biết, Hội thảo về cải cách quy định bưu chính, với sự tham gia của các đại biểu từ 20 quốc gia thành viên APPU, là sự kiện quan trọng, nơi các nhà lãnh đạo, cơ quan quản lý và chuyên gia ngành Bưu chính cùng thảo luận về các thách thức, cơ hội và con đường thúc đẩy cải cách quy định.
TS. Vinaya Prakash Singh nhấn mạnh, với sự hỗ trợ của Bộ TT&TT, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) và Cục Bưu chính Nhà nước Trung Quốc, hội thảo được kỳ vọng sẽ tạo ra một nền tảng chia sẻ thông tin và lưu trữ các thông lệ tốt nhất, nhằm xây dựng khung chính sách phù hợp với sự phát triển của ngành Bưu chính trong khu vực.
Sự đa dạng về quy định giữa các quốc gia và các giai đoạn cải cách khác nhau sẽ được phân tích sâu sắc qua các phiên họp, thảo luận nhóm và họp bàn tròn. Đây cũng là bước khởi đầu cho tầm nhìn dài hạn thiết lập cơ chế thường trực trong khuôn khổ APPU, nhằm đưa công tác cải cách bưu chính lên tầm cao mới, đảm bảo hệ thống này tiếp tục phát triển và đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại.
Đại biểu các nước cũng đã trao đổi và thảo luận về chiến lược cho sự phát triển bền vững của ngành Bưu chính trong tương lai và một số nội dung, như: Thiết lập quy định bưu chính xuyên biên giới cho thương mại điện tử; phát triển khung chính sách về bảo vệ dữ liệu bưu chính và quyền riêng tư; thúc đẩy tính bền vững môi trường trong dịch vụ bưu chính.
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại sự kiện.
Trong hai ngày 10-11/12, Hội thảo quản lý bưu chính APPU tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến cải cách thể chế bưu chính tại nhiều quốc gia và khu vực. Các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển chính sách bưu chính, tiêu biểu như Trung Quốc trình bày về các quy định cấp phép trong lĩnh vực bưu chính; Ấn Độ nhấn mạnh vai trò của các quy định tài chính trong bưu chính; Indonesia phân tích tác động của chính sách hải quan đến ngành Bưu chính. Việt Nam cũng góp mặt với tham luận về các giải pháp phát triển bền vững trong chuyển phát.
Những yếu tố quan trọng trong quy định bưu chính, bao gồm cải cách thể chế để dịch vụ bưu chính phổ cập (USO) đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, đồng thời đảm bảo cân bằng giữa khả năng tiếp cận và tính bền vững tài chính. Các nội dung khác như cấp phép, tự do hóa thị trường để thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng; kinh nghiệm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bưu chính quốc gia trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển; chuyển đổi số và tuân thủ EDI trong dịch vụ bưu chính; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; cũng như các giải pháp tăng trưởng thương mại điện tử sẽ được đề cập.