Kinh nghiệm và thách thức trong việc xã hội hóa việc bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học
Toàn cảnh buổi hội thảo
Hội thảo do PGS.TS Phạm Quang Thao - Phó Chủ tịch LHHVN, TS. Lê Công Lương - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban KHCN và MT LHHVN và ông Trịnh Lê Nguyên – Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên đồng chủ trì. Tại buổi khai mạc, PGS.TS Phạm Quang Thao đã nhấn mạnh vai trò của LHHVN trong việc thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
Ngày 22/5 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học nhằm nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học. Hội thảo đã tạo cơ hội cho cộng đồng các tổ chức, nhà khoa học, nhà quản lý cùng thảo luận kinh nghiệm và thách thức, cũng như chia sẻ kinh nghiệm, nhằm thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, huy động nguồn lực hiệu quả để đóng góp vào mục tiêu quốc gia và toàn cầu về bảo tồn thiên nhiên, ứng phó biến đổi khí hậu, và phát triển bền vững.
PGS.TS Phạm Quang Thao - Phó Chủ tịch LHHVN
Theo ý kiến TS. Lê Công Lương - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban KHCN và MT LHHVN cho biết, nhiều năm qua LHHVN và các hội thành viên, các đơn vị KH&CN đã tổ chức truyền thông về vai trò của đa dạng sinh học và ý nghĩa của Ngày Đa dạng sinh học (22/5), Ngày Môi trường Thế giới (5/6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương thế giới (8/6), Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn cho cộng đồng, tập trung vào giới trẻ để nâng cao nhận thức. Bên cạnh đó, LHHVN cũng tiến hành các hoạt động tuyên truyền về Ngày Đa dạng sinh học thông qua các hình thức khác như viết bài đăng báo giấy, báo điện tử, treo áp phích, tranh cổ động, in tờ rơi, phát áo, mũ có hình ảnh, logo tuyên truyền.
Các hội thành viên, các đơn vị KH&CN đã đẩy mạnh việc phổ biến các kết quả thực hiện trong các hoạt động về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông qua hệ thống báo chí, xuất bản trong và ngoài hệ thống, các tổ chức thuộc LHHVN đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển bền vững cho cộng đồng dân cư.
Lê Công Lương - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban KHCN và MT
Trong hội thảo, các đại biểu đã trình bày về các chính sách và biện pháp xã hội hóa trong việc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Cụ thể, họ đã thảo luận về cách tăng cường tầm quan trọng của việc huy động nguồn lực và tài trợ để hỗ trợ các tổ chức và dự án bảo tồn.
Một số kinh nghiệm quốc tế, thách thức trong thời đại mới cũng đã được chia sẻ trong việc áp dụng các phương thức xã hội hóa và quản lý nguồn lực trong bảo tồn thiên nhiên. Những kinh nghiệm này có thể bao gồm sử dụng các cơ chế tài chính và kinh doanh sáng tạo, đối tác công tư (PPP), khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và công dân trong việc bảo vệ và phục hồi môi trường.
Đồng thời, các nhà nghiên cứu và chuyên gia đã trình bày về tầm quan trọng của việc xây dựng và thúc đẩy một hệ thống quản lý tài nguyên tổng thể và bền vững, nhằm đảm bảo rằng việc xã hội hóa nguồn lực đi đôi với việc bảo tồn môi trường và đa dạng sinh học.
Hội thảo đã tạo ra một diễn đàn quan trọng để các chuyên gia và nhà quản lý có thể trao đổi ý kiến, chia sẻ thông tin và học hỏi từ nhau về cách xã hội hóa nguồn lực có thể được triển khai và tăng cường trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.