Lạm phát vẫn được kiểm soát tốt theo mục tiêu
Áp lực lạm phát đang ở mức vừa phải
Phó Giám đốc Học viện Tài chính - PGS.TS. Nguyễn Mạnh Thiều cho biết, GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của cùng kỳ năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023; đây là mức tăng cao hơn của bình quân các năm 2015, 2016, 2018, 2019, 2021, 2022, 2023 và gần cao bằng mức tăng CPI bình quân của năm 2017, 2020.
Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung khá nhiều. Theo PGS.TS. Nguyễn Mạnh Thiều, có đươc kết quả như vậy trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục gặp nhiều rủi ro, bất ổn, tác động tiêu cực đến tăng trưởng bền vững, là nhờ sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
PGS, TS Nguyễn Mạnh Thiều, Phó Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu khai mạc hội thảo.
TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho biết, theo tốc độ tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2024, cho thấy áp lực lạm phát đang ở mức vừa phải. So với cuối năm 2023, CPI mới chỉ tăng 1,40%, tương đương trung bình khoảng 0,23%/tháng. Xét riêng trong quý II/2024, CPI chỉ tăng trung bình 0,1%/tháng. Đây là mức tăng vừa phải trong 5 năm gần đây.
Từ thực tế này, TS. Độ cho rằng, áp lực lạm phát trong năm 2024 không quá lớn. Hơn thế, việc tăng lương cơ sở từ ngày 1/7 cũng chỉ diễn ra chủ yếu trong khu vực công, có quy mô không lớn trong nền kinh tế (chưa đến 8%), nên các tác động từ việc tăng lương tới lạm phát thời gian tới sẽ không nhiều. “Về tổng thể, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ quy mô lớn, lạm phát trung bình cả năm 2024 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4%” – TS. Độ nhận định.
Cùng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Bá Minh – Học viện Tài chính cho rằng, 6 tháng cuối năm 2024, lạm phát sẽ có xu hướng giảm dần do lạm phát toàn cầu có dấu hiệu hạ nhiệt; đồng thời Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng nỗ lực hạ nhiệt mặt bằng lãi suất. Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Bá Minh, áp lực lạm phát trong năm 2024 có thể đến từ việc Nhà nước điều chỉnh lương cơ bản, tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện theo lộ trình. Tuy nhiên, nếu việc điều chỉnh giá được thực hiện trong nửa cuối năm 2024 với mức điều chỉnh không quá lớn, CPI bình quân năm 2024 so với năm 2023 nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức 4,2 - 4,5% dưới chỉ tiêu Quốc hội đề ra hoàn toàn khả thi.
Trong khi đó, theo đại diện Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, việc điều chỉnh tăng lương cơ sở tác động đến CPI đã được Ban Chỉ đạo điều hành giá chú trọng, việc thực hiện điều hành giá sẽ được thực hiện trên cơ sở tuân thủ kịch bản nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. “Lạm phát vẫn được kiểm soát tốt theo mục tiêu. Chính phủ và các Bộ, ngành đã quản lý, điều hành giá đúng hướng trên cơ sở kinh nghiệm kiểm soát lạm phát qua các năm. Cùng với đó, sự nỗ lực vào cuộc của Chính phủ, doanh nghiệp, người dân khiến nguồn cung nhiều hàng hóa thiết yếu được đảm bảo, giúp ổn định mặt bằng giá” - đại diện Cục Quản lý giá chia sẻ.
Giám sát chặt chẽ biến động thị trường
Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính dự báo, áp lực lạm phát trong nửa cuối năm 2024 rõ nét và mạnh hơn so với nửa đầu năm. Điều này là do thực hiện lộ trình giá thị trường, tính đúng tính đủ chi phí trong giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá. Giá mặt hàng năng lượng biến động khó lường, chính sách cải cách tiền lương từ 1/7 cũng làm tăng áp lực lạm phát.Để khắc phục điều này, theo Cục Quản lý giá, cần giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường, các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời. Giám sát chặt chẽ những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá; điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra. Phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đại diện Cục Quản lý giá cũng đồng thời kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá. Bên cạnh đó, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường.
Hội thảo khoa học với chủ đề "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024".
Về vấn đề này, PGS,TS. Vũ Duy Nguyên - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính đưa ra 2 lịch bản dự báo, lạm vẫn được kiểm soát ở mức dưới 4%.
- Kịch bản 1, CPI bình quân ở mức 3,95% (+0,25%) với giả định mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 6 - 6,5% và không có sự biến động bất thường về địa chính trị và giá dầu trên thế giới.
- Kịch bản 2, CPI bình quân ở khoảng 3,95% (-0,25%) với giả định mục tiêu tăng trưởng GDP không đạt 6% và không có sự biến động bất thường về địa chính trị và giá dầu trên thế giới.
Dù vậy, theo PGS,TS. Vũ Duy Nguyên, cần tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ lỏng, Ngân hàng Nhà nước duy trì lãi suất thấp và mở rộng tín dụng có kiểm soát. Kiểm soát chặt chẽ, giải ngân tín dụng đúng mục đích và hiệu quả khi sử dụng vốn vào sản xuất, tiêu dùng. Qua đó, nhằm đảm bảo sản lượng tổng cung, hiệu quả kinh doanh và gia tăng tổng cầu qua tiêu dùng cá nhân.
Bình ổn thị trường vàng, thị trường ngoại hối và giá trị đồng tiền trong bối cảnh Chính phủ sử dụng chính sách tiền tệ nới lỏng, đi ngược với xu hướng chính sách các nước trên thế giới. Đồng thời, chuẩn bị trước kịch bản ứng phó hiệu quả khả năng ngân hàng trung ương các nước lớn có chính sách hạ lãi suất. Thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý.
Nhiều ý kiến khác cũng có chung nhận định, cần điều hành thận trọng, có lộ trình phù hợp điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ Nhà nước quản lý (đặc biệt là giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục), tránh hiện tượng cộng hưởng giá. Cùng với đó, các Bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực của mình điều phối không để tăng giá, đáp ứng nhu cầu hàng hóa, đặc biệt là các hàng hóa thiết yếu, tác động lớn đến CPI. Đảm bảo cung ứng, lưu thông phân phối đầy đủ, kịp thời không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, làm tăng giá đột biến.