Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài
Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ thường xuyên
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo ra những tác động tích cực trong dài hạn thông qua việc tạo ra nhiều việc làm mới. Tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và khả năng siêu kết nối trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 làm tăng năng suất lao động, giảm giá thành đối với những công việc hiện tại hoặc tạo ra nhu cầu về những công việc hoàn toàn mới. Nó cũng thúc đẩy và tạo cơ hội thay đổi chất lượng nguồn nhân lực. Sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cùng với thời kỳ hội nhập sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới với những yêu cầu cao hơn đối với người lao động về trình độ, về kỹ năng...
Việc nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện chính sách phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và là một tất yếu khách quan. Do đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 để thực hiện hiệu quả vấn đề này.
Nghị quyết nêu quan điểm thực hiện phát triển thị trường lao động toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại, hiệu quả phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương làm cơ sở, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; trong đó triển khai các giải pháp đột phá về phát triển nguồn nhân lực, đầu tư mạnh mẽ vào con người, trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, chủ động thích ứng với xu hướng già hóa dân số và sẵn sàng cho Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Mục tiêu chính là tập trung vào thị trường lao động phát triển linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong đó, các yếu tố của thị trường lao động được phát triển đồng bộ và hiện đại; chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động được nâng cao. Thị trường lao động đóng vai trò chủ động trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, đảm bảo kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025, Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 25%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%; Đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động; Chỉ số Lao động có kiến thức chuyên môn trong Chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu; Duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%; Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 45%, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 85%.
Tạo động lực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Từ đó, Nghị quyết đã đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Một là, hoàn thiện chiến lược tổng thể về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc xây dựng chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một chủ trương lớn, một nhiệm vụ quan trọng và phức tạp, do đó đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng và thận trọng. Thực hiện tốt giải pháp này sẽ góp phần khắc phục thực trạng thiếu hụt về số lượng, hạn chế về chất lượng, sự bất hợp lý trong cơ cấu nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay.
Hai là, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong những năm qua, nhiều cơ chế, chính sách mới đã được ban hành có tác động tích cực đến việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các chính sách đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nên hiệu quả mang lại chưa cao. Do đó, để tiếp tục phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có hiệu quả đòi hỏi cần phải thường xuyên điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc phát triển nguồn nhân lực ở nước ta trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Ba là, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Thiết kế lại chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao các kỹ năng mềm cho sinh viên. Cải cách hệ thống giáo dục, đào tạo, ưu tiên cho các ngành khoa học kỹ thuật, đào tạo hướng nghiệp gắn với việc làm và theo nhu cầu của xã hội. Việc đào tạo cũng cần tiếp cận theo hướng đa ngành thay vì chuyên ngành như trước đây, đồng thời tăng cường sự phản biện của người học. Bên cạnh đó, cần trang bị các kỹ năng mềm cho sinh viên ngay từ trong nhà trường, bằng cách đưa kỹ năng mềm vào trong chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra cho sinh viên.
Bốn là, không ngừng cải thiện và nâng cao thể lực cho người lao động. Bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn thì nâng cao thể lực cho người lao động là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng cho việc phát triển trí lực, tâm lực của nguồn nhân lực. Đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược và lâu dài.
Năm là, đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu thị trường nhân lực. Cần nghiên cứu đánh giá thực trạng cơ cấu nhân lực hiện có cũng như dự báo về nhu cầu nhân lực ở các ngành, lĩnh vực khác nhau nhằm chủ động tránh tình trạng thừa và thiếu nhân lực. Tăng cường công tác dự báo nhu cầu thị trường nhân lực trong tương lai gần và xa hơn.
Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ 4. Cuộc Cách mạng này có thể khiến cho sự bất bình đẳng và phân hóa giàu nghèo tăng lên, khi máy móc và trí tuệ nhân tạo thay thế cho sức người và tạo áp lực lớn lên thị trường lao động. Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì Việt Nam cần phải thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp nêu trên.