Quy chuẩn mới về tương thích điện từ cho thiết bị vô tuyến mặt đất
Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) ban hành Thông tư số 13/2024/TT-BTTTT ngày 25/10/2024 quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tương thích điện từ đối với thiết bị vô tuyến di động mặt đất và trung kế vô tuyến mặt đất (QCVN 100:2024/BTTTT).
Các thiết bị điện tử tiêu dùng hiện nay phải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 100:2024/BTTTT
Quy chuẩn mới được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn ETSI EN 301 489-5 V2.2.1 của châu Âu, quy định chi tiết các tiêu chí chất lượng về tương thích điện từ (EMC) mà các thiết bị cần đáp ứng trước khi được lưu thông trên thị trường.
Tiêu chí Chất lượng trong QCVN 100:2024/BTTTT
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 100:2024/BTTTT đã đưa ra năm tiêu chí chất lượng chi tiết về tương thích điện từ cho các thiết bị vô tuyến mặt đất.
Thứ nhất, đối với hiện tượng liên tục áp dụng cho máy phát (CT): Đối với thiết bị phát sóng, khi tín hiệu đầu vào được điều chế bởi một tín hiệu âm tần với tần số 1 kHz, độ sâu điều chế không vượt quá 25% nhằm đảm bảo chất lượng thoại trên băng tần hẹp. Kết quả tín hiệu đầu ra được đo trong dải tần từ 3 kHz trở xuống, sử dụng bộ lọc giảm âm 3 dB để loại bỏ nhiễu. Đối với thiết bị băng hẹp, các sóng hài của tín hiệu được kiểm soát chặt chẽ, giữ mức ức chế lên đến 90% so với tín hiệu gốc. Với thiết bị băng rộng, các tín hiệu không cần thiết cũng bị loại bỏ.
Khi hoàn thành các phép đo, thiết bị thử nghiệm (EUT) phải hoạt động ổn định mà không bị ảnh hưởng đến dòng điện hoặc chức năng ban đầu. Đặc biệt, nếu EUT là thiết bị phát-thu, thì chức năng thu phát phải được duy trì xuyên suốt quá trình thử nghiệm.
Thứ hai, đối với máy phát, phải loại trừ hiện tượng đột biến áp dụng cho máy phát (TT): Thiết bị phát sóng cũng phải đáp ứng yêu cầu loại trừ các đột biến có thể xảy ra trong quá trình truyền thông. Khi kết thúc thử nghiệm, EUT vẫn phải hoạt động bình thường, không có dấu hiệu khác biệt nào so với trạng thái lưu trữ trước đó. Các chức năng điều khiển và khả năng lưu trữ của EUT phải không bị suy giảm trong suốt quá trình thử nghiệm, đảm bảo thiết bị đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật do nhà sản xuất công bố. Nếu EUT là thiết bị phát-thu, chức năng thu phát phải duy trì ổn định và không xảy ra hiện tượng ngắt kết nối khi kết thúc quá trình thử nghiệm.
Thứ ba, đối với thiết bị thoại, phải đối với hiện tượng liên tục áp dụng cho máy thu (CR): Với thiết bị thu, các hiện tượng méo tín hiệu âm thanh do quá trình thử nghiệm được kiểm tra trong dải tần từ 300 Hz đến 3 kHz. Bộ lọc giảm âm 3 dB cũng được sử dụng để đảm bảo tín hiệu đầu ra đạt chuẩn, loại bỏ những méo mó không mong muốn. Trong trường hợp sử dụng thiết bị băng hẹp, các sóng hài của tín hiệu cũng bị ức chế tương tự, giữ mức giảm tới 90% so với tín hiệu phát ra ban đầu.
Khi kết thúc đo kiểm, EUT phải duy trì hoạt động ổn định, dòng điện không thay đổi và các chức năng ban đầu không bị suy giảm. Với thiết bị thu phát, phần thu phải hoạt động trong điều kiện kiểm soát, không bị ảnh hưởng hoặc ngắt kết nối ngoài ý muốn trong suốt quá trình thử nghiệm.
Thứ tư, đối với thiết bị thoại, phải loại trừ hiện tượng đột biến áp dụng cho máy thu (TR): Các yêu cầu đối với máy thu cũng bao gồm việc loại bỏ hiện tượng đột biến trong quá trình sử dụng. Sau khi kết thúc quá trình thử nghiệm, EUT vẫn phải duy trì hoạt động bình thường, không có bất kỳ dấu hiệu ngắt kết nối hoặc suy giảm nào so với trạng thái trước khi thử nghiệm. Các chức năng điều khiển, khả năng lưu trữ và độ ổn định phải được đảm bảo, giữ đúng như công bố của nhà sản xuất. Đối với thiết bị thu phát, chức năng thu phải duy trì trạng thái ổn định, đảm bảo thông tin liên lạc không bị gián đoạn trong quá trình thử nghiệm.
Thứ năm, Đối với thiết bị, phải đối với hiện tượng phủ đầy trên dải tần số độc lập: Trong trường hợp thiết bị được thiết kế có khả năng phủ sóng trên dải tần số độc lập, nhà sản xuất phải chứng minh khả năng bảo vệ tín hiệu của thiết bị theo tiêu chuẩn. Cụ thể, các yêu cầu chất lượng được kiểm nghiệm trong điều kiện thử nghiệm thực tế và phải đáp ứng được các tiêu chí quy định tại mục 2.3.1 và 2.3.2 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 100:2024/BTTTT. Thiết bị phải có khả năng giảm thiểu hoặc loại bỏ hiện tượng cộng hưởng, đảm bảo chất lượng phủ sóng theo đúng tiêu chuẩn.
Các tiêu chí chất lượng này bao gồm việc kiểm soát tần số phủ sóng cũng như đảm bảo mức độ bảo vệ cao nhất trước các hiện tượng nhiễu động, nhằm duy trì chất lượng sóng và tín hiệu truyền tải.
Theo Quy chuẩn mới, tất cả thiết bị vô tuyến thuộc phạm vi điều chỉnh bắt buộc phải tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật được nêu trong quy chuẩn. Các đơn vị sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện công bố hợp quy theo đúng quy định hiện hành.
Ba phương thức đánh giá công bố hợp quy
Thực hiện theo một trong ba phương thức được quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN và các sửa đổi, bổ sung, thay thế Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN sau đây
- Phương thức 1: Thử nghiệm mẫu điển hình.
- Phương thức 5: Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất.
- Phương thức 7: Thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa.
Các tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn một trong ba phương thức này để thực hiện đánh giá công bố hợp quy cho sản phẩm của mình.
Quy chuẩn mới nhằm tăng cường trách nhiệm của các bên liên quan, đảm bảo chất lượng thiết bị vô tuyến trước khi đưa ra thị trường, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và môi trường vô tuyến điện tại Việt Nam.
Để đánh giá chất lượng EMC, các thiết bị sẽ phải trải qua hàng loạt phép thử nghiêm ngặt như đo tỷ lệ lỗi bit (BER), tỷ lệ lỗi tin nhắn (MER) và các phép đo trong miền tần số và thời gian. Việc thử nghiệm được thực hiện bằng các thiết bị chuyên dụng theo điều kiện quy định tại QCVN 18:2022/BTTTT.
Quy chuẩn mới yêu cầu các công ty sản xuất thiết bị phải có biện pháp kiểm soát chất lượng chặt chẽ. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường giám sát thị trường để đảm bảo các thiết bị tuân thủ quy định.
Phòng Thử nghiệm EMC tại Trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực 2, Cục Tần số Vô tuyến điện. Ảnh: Trung tâm Kỹ thuật Cục tần số
Việc áp dụng QCVN 100:2024/BTTTT nhằm đảm bảo các thiết bị vô tuyến di động mặt đất và trạm vô tuyến mặt đất hoạt động ổn định, hiệu quả và không gây nhiễu cho các thiết bị khác trong môi trường xung quanh.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 100:2024/BTTTT chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Theo đó, tất cả thiết bị vô tuyến di động mặt đất và trung kế vô tuyến mặt đất, dù nhập khẩu hay sản xuất trong nước, đều phải đáp ứng các yêu cầu về tương thích điện từ (EMC) trước khi được lưu thông trên thị trường. Quy chuẩn mới áp dụng cho cả thiết bị sử dụng công nghệ số và tương tự, bao gồm thiết bị vô tuyến di động mặt đất, thiết bị trung kế vô tuyến mặt đất và các thiết bị phụ trợ kết hợp. Tuy nhiên, các chỉ tiêu kỹ thuật liên quan đến cổng ăng-ten và phát xạ từ cổng vỏ của thiết bị sẽ được quy định riêng trong các quy chuẩn sản phẩm khác.
Trước thời điểm này, từ 1/1/2025 đến 30/6/2025, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có thể lựa chọn áp dụng một trong hai tiêu chuẩn: QCVN 100:2015/BTTTT hoặc QCVN 100:2024/BTTTT để phục vụ công bố hợp quy.
Quy chuẩn này được ưu tiên áp dụng trong trường hợp có sự khác biệt với QCVN 18:2022/BTTTT về các điều kiện đặc biệt, định nghĩa hay chữ viết tắt.
Đáng chú ý, quy định mới có hiệu lực với tất cả tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có hoạt động sản xuất, kinh doanh và khai thác các thiết bị thuộc phạm vi điều chỉnh trên lãnh thổ Việt Nam. Danh mục chi tiết các thiết bị và mã số HS được quy định cụ thể trong các phụ lục của quy chuẩn.
Quy chuẩn này được đánh giá là bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng và tính tương thích của thiết bị vô tuyến, đồng thời tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết bị vô tuyến mặt đất tại Việt Nam.