Tác động của số người dùng các ứng dụng di động trong phát triển kinh tế - xã hội
Thứ trưởng Phạm Đức Long và ông Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội trao giải Vàng cho đại diện Công ty Rynan năm 2022 - Ảnh: Nhật Sinh
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt khoảng 14,96%, tăng trưởng 21% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này cho thấy rằng việc ứng dụng các công cụ và nền tảng số đã đóng góp tích cực vào sự nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả kinh tế của đất nước.
Các ứng dụng số "Make in Viet Nam" đã tăng cả về số lượng và chất lượng. Điển hình là Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đã triển khai CĐS cảng biển và kết nối các cảng biển nhằm tăng cường năng lực và rút ngắn thời gian phục vụ, bước đầu khai thác được 18/145 cảng biển trên phạm vi toàn quốc. Thành tựu này cho thấy các nền tảng số "Make in Việt Nam" có thể hiệu quả và đáng tin cậy, với chi phí chỉ bằng khoảng 10 - 20% so với giải pháp của nước ngoài.
Trong lĩnh vực viễn thông và di động, trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng người dùng hàng tháng của các ứng dụng di động Việt Nam đã vượt mốc 500 triệu, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân, mỗi người dùng dành khoảng 64 giờ/tháng để sử dụng các ứng dụng di động của Việt Nam. Sự gia tăng này chứng tỏ sự phổ biến và tích cực của việc ứng dụng công nghệ số trong cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam.
Cùng với đó, trong 6 tháng các đơn vị, doanh nghiệp, nhà mạng đã cung cấp ra thị trường khoảng 60 nền tảng/ứng dụng di động phục vụ người dân, trong đó, đối với các nền tảng có lượng người dùng đông nhất đạt gần 75 triệu người dùng bình quân hằng tháng; 19 ứng dụng di động có trên 5 triệu người dùng sử dụng bình quân hằng tháng; 41 ứng dụng có từ 1 - 5 triệu người dùng.
Ứng dụng định danh điện tử (VNeID) ước sơ bộ có 8,5 triệu người dùng sử dụng bình quân mỗi tháng
Các nền tảng dịch vụ đang nổi bật trong xu hướng số là nhóm thanh toán số và giải trí số. Cụ thể, có 14 nền tảng phục vụ thanh toán số và 14 nền tảng giải trí đã thu hút lượng người dùng đáng kể. Ngoài ra, 7 nền tảng dịch vụ mua sắm cũng đóng góp phần quan trọng vào việc thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân.
Đáng chú ý là 2 nền tảng dịch vụ công của cơ quan chính phủ: ứng dụng định danh điện tử (VNeID) và ứng dụng nền tảng thiết bị di động của Bảo hiểm xã hội (VssID). Ước sơ bộ VNeID có 8,5 triệu và VssID có 7,5 triệu người dùng sử dụng bình quân mỗi tháng. So với cùng kỳ năm 2022, hai ứng dụng này thu hút số lượng người dùng đáng kể, đóng góp vào sự tiện ích và tăng cường tính minh bạch trong việc cung cấp các dịch vụ công.
Ứng dụng nền tảng thiết bị di động VssID của Bảo hiểm xã hội có 7,5 triệu người dùng sử dụng bình quân hằng tháng
Bên cạnh đó, các nền tảng mạng xã hội Zalo và Cốc Cốc cũng thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dùng. Lượng thời gian người dùng với tổng cộng gần 02 triệu giờ trong 05 tháng, chứng tỏ tiềm năng của nền tảng công nghệ số tại Việt Nam.
Nhìn chung, thành tựu vượt qua mốc 500 triệu người dùng các ứng dụng di động Việt Nam hàng tháng là một tín hiệu tích cực trong công cuộc chuyển đổi số của Việt Nam. Việc ứng dụng các công cụ và nền tảng số mang thương hiệu "Make in Viet Nam" đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với những thành công này, mong rằng mục tiêu Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số của Việt Nam sẽ sớm trở thành hiện thực, góp phần vào sự ổn định và bền vững của đất nước.