Việt Nam xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu

Việt Nam xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu

Mới đây, theo đánh giá của Agility năm 2022, Việt Nam xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 14 - 16%, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm

Logistics Việt Nam, logistics

Ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể

Theo đánh giá của các chuyên gia, logistics là ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất tại Việt Nam, với tốc độ bình quân từ 14-16%/năm, quy mô 40-42 tỷ USD/năm.

Theo Báo cáo về chỉ số logistics thị trường mới nổi năm 2022 do nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility công bố, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.

Nhờ vào sự ổn định về chính trị, xã hội và vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng.

Thêm nữa, Việt Nam đã tận dụng những lợi thế từ đường bờ biển dài để có hệ thống cảng biển đạt công suất tối ưu với tốc độ tăng trưởng kinh tế lạc quan, sản xuất duy trì ổn định. Cùng với đó là sự bùng nổ của thương mại điện tử đang phát triển như vũ bão ở cả hai chiều xuất khẩu và tiêu dùng trong nước giúp Việt Nam nâng cao tính cạnh tranh trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa của thế giới, là mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành "ngôi sao logistics" của châu Á trong thời gian tới.

Bên cạnh lợi thế, những khó khăn và thách thức đồng thời hiện hữu như chi phí dịch vụ cao, áp lực lên cơ sở hạ tầng ngày một lớn. Theo các chuyên gia, ngành logistics vẫn rất cần phát triển kết nối hạ tầng, hợp tác công tư mở rộng thành các trung tâm logistics và chuỗi cung ứng toàn diện về lưu thông, chế biến, bảo quản, vận chuyển và phân phối.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, đóng góp không nhỏ đưa kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2022 đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021.

Đây là kết quả của những nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp dịch vụ logistics, của Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics nói riêng cũng như nỗ lực cải thiện từ bản thân doanh nghiệp.

Tuy vậy, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như: chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài chưa đáng kể…

Logistics Việt Nam, logistics

Hình minh họa.

Logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số

Trước đó tại Hội thảo ‘‘Chuyển đổi số để xây dựng ngành logistics hiện đại, bền vững’’, ông Phan Văn Chinh – Cục Trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết, chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước. Một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ là ‘‘Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số trong dịch vụ logistics’’. Là một trong những ngành then chốt, được ví như “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, logistics cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong khía cạnh “số hóa” để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác.

Vừa qua, trước áp lực của dịch bệnh Covid-19 cùng với sự bùng nổ của nền kinh tế số và thương mại điện tử, các doanh nghiệp logistics đã phần nào nhận thức được vấn đề đẩy nhanh chuyển đổi số và ứng dụng những thành tựu công nghệ vào hoạt động kinh doanh nhằm tăng cường hiệu quả kinh tế, cũng như tối ưu hóa trong các dây chuyền sản xuất, cung ứng sản phẩm.

Trong bối cảnh khôi phục và phát triển dịch vụ logistics sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hiện nay, một số doanh nghiệp lớn đã áp dụng thành công giải pháp công nghệ mang lại hiệu quả cho dịch vụ logistics, giảm đáng kể chi phí liên quan. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ, tạo động lực để triển khai quyết liệt hơn nữa chuyển đổi số trong ngành.

Ông Đinh Hoài Nam - Giám đốc phát triển Kinh doanh, Công ty SLP Việt Nam cho biết, trong thời đại công nghệ số, nhà kho hiện đại đang thay thế nhà kho truyền thống là điều tất yếu của sự phát triển ngành logistics , lý do cho sự thay đổi này là do nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đòi hỏi thời gian vận chuyển ngắn hơn và chất lượng dịch vụ tốt hơn. Nhà kho hiện đại được trang bị các công nghệ tiên tiến như hệ thống tự động hóa và giám sát toàn diện, giúp cải thiện tốc độ và hiệu quả của quá trình vận chuyển. Điều này là yếu tố quan trọng giúp ngành logistics phát triển và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.

Theo Ông Nguyễn Triều Quang, Giám đốc Khối Vận hành miền Bắc, Lazada Việt Nam; trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới phát triển bền vững, doanh nghiệp logistics cũng cần xây dựng hệ sinh thái bền vững và toàn diện để nắm lấy cơ hội của TMĐT, đồng thời nâng cao trải nghiệm giao nhận hàng hóa từ mọi điểm chạm; Ứng dụng công nghệ & chuẩn hóa quy trình để tối ưu hiệu suất vận hành; Phát triển logistics xanh bền vững.