Vietcombank dự kiến chia cổ tức 2022 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 38.79%
Hình minh họa.
Cụ thể, HĐQT Vietcombank thống nhất phương án tăng vốn thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, trích các quỹ năm 2022 để báo cáo xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Vietcombank cho biết năm 2022, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ kiểm toán của Ngân hàng đạt hơn 29,387 tỷ đồng. Sau khi trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (1,470 tỷ đồng), quỹ dự phòng tài chính (2,939 tỷ đồng) và quỹ khen thưởng, phúc lợi (3,291 tỷ đồng), Ngân hàng sẽ dùng hết 21,680 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế còn lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông.
Như vậy, với vốn điều lệ hiện tại của Vietcombank gần 55,891 tỷ đồng và giá trị chia cổ tức bằng cổ phiếu hơn 21,680 tỷ đồng, ước tính tỷ lệ thực hiện quyền chia cổ tức bằng cổ phiếu là 38.79%/vốn điều lệ, tương đương phát hành thêm 2.2 tỷ cp trả cổ tức (cổ đông sở hữu 1,000 cp sẽ nhận được gần 388 cp).
Sau khi hoàn tất chia cổ tức năm 2022, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng thêm 21,680 tỷ đồng, lên mức hơn 77,571 tỷ đồng.
Năm 2023, Vietcombank đã hoàn thành tăng vốn từ lợi nhuận 2020 và lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 18.1%, đưa vốn điều lệ lên gần 55,891 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông lớn của Vietcombank là ai?
Theo cập nhật mới nhất (tính đến ngày 31/12/2022), Vietcombank có 2 cổ đông lớn là NHNN (nắm 74.8% vốn) và Mizuho Bank (sở hữu 15%).
Với tỷ lệ sở hữu như trên, sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức để tăng vốn, tỷ lệ sở hữu của 2 cổ đông lớn vẫn giữ nguyên nhưng số cổ phần nắm giữ sẽ tăng thêm. Trong đó, NHNN sẽ nắm giữ hơn 5.8 tỷ cp VCB và Mizuho Bank nắm gần 1.2 tỷ cp VCB.
Theo dõi tiến trình tăng vốn pháp định của các tổ chức tín dụng hiện nay cho thấy, hệ số an toàn vốn (CAR - Capital Adequacy Ratio) ở nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước chi phối đang bị hụt hơi so với không ít ngân hàng 100% tư nhân và so với các ngân hàng nước ngoài thì còn thấp hơn nữa. Hệ số CAR là tỷ lệ vốn của ngân hàng so với tài sản có trọng số rủi ro và nợ ngắn hạn của ngân hàng, được thực hiện theo Thông tư số 41 năm 2016, tương đương chuẩn mực quốc tế Basel II, tối thiểu là 8%.
Với Vietcombank, hệ số CAR hiện tại là trên 9,95%. Mặc dù cao hơn gần 2% so với mức tối thiểu 8% nhưng thấp hơn một số ngân hàng cổ phần vốn tư nhân chi phối. Còn tính bình quân theo nhóm thì hệ số CAR nhóm ngân hàng Nhà nước chi phối vốn đang ở mức thấp nhất. Vietcombank đang đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 11% vào năm 2025. Thực ra, mục tiêu này cũng không quá cao xa vì chỉ thực hiện theo Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025". Tại đó, mục tiêu hệ số CAR đối với hệ thống ngân hàng đến 2023 tối thiểu là 10% - 11% và 2025 là 11% - 12%.
Một chuyên gia phân tích, khi hệ số CAR tăng thì trước hết, tăng khả năng chống chọi với rủi ro thị trường, đặc biệt là trước các cú sốc thẩm thấu từ thị trường tài chính quốc tế như thời gian vừa qua.
Thứ hai, khi tăng hệ số CAR thì mới có cơ sở tăng tổng tài sản, tăng cho vay, bởi lẽ, nguồn thu nhập ở các ngân hàng hiện nay vẫn tập trung chủ yếu ở tín dụng. Chưa kể, trong bối cảnh các kênh vốn thị trường trái phiếu doanh nghiệp đình trệ như hiện nay, gần như mọi nhu cầu vốn khu vực tư nhân đều tập trung vào hệ thống ngân hàng.
Thứ ba, Vietcombank cùng BIDV, VietinBank, Agribank được xác định là “cánh tay nối dài” trong thực thi chính sách tiền tệ, ổn định thị trường tài chính của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Rất nhiều ngân hàng cứ đầu giờ sáng là phải theo dõi bảng giao dịch lãi suất của các ngân hàng này, đặc biệt là Vietcombank để quyết định mức giá mua/bán vốn trên thị trường, không chỉ với VND mà cả với ngoại tệ.
Đây là những lý do để Nhà nước chấp nhận hụt thu ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng để tăng sức mạnh cho công cụ nối dài thực hiện các mục tiêu trọng yếu.
Có thể bạn quan tâm


MSB hợp tác cùng Backbase và SmartOSC triển khai ngân hàng tương tác tại Việt Nam
Fintech
Smart Banking 2024: Định hình tương lai số cho ngành ngân hàng
Fintech
Chất lượng tài sản của Eximbank
Fintech