AI có thể khiến bất bình đẳng tại nơi làm việc trầm trọng hơn
![]() |
Chuyên gia AI Pedro Uria-Recio cho biết sự phát triển của AI có thể gây ra cả hiệu ứng “hoàn hảo” và “phản hoàn hảo” trong tương lai. Hình ảnh: Getty. |
Tại hội nghị GITEX Châu Á 2025, chuyên gia Pedro Uria-Recio, Giám đốc dữ liệu và AI của Tập đoàn CIMB, chia sẻ với CNBC Make It rằng cuộc cách mạng AI đang đặt ra thách thức lớn đối với sự ổn định của lực lượng lao động toàn cầu. Theo Uria-Recio, AI không chỉ có khả năng thay thế hàng loạt việc làm mà còn có thể "làm trầm trọng thêm bất bình đẳng", đặc biệt trong những ngành nghề dễ bị tự động hóa.
“Có một làn sóng thay đổi lớn, và thật không may, một số người có thể bị bỏ lại phía sau,” Giám đốc dữ liệu và AI của Tập đoàn CIMB cảnh báo. |
Trước thực tế đó, Uria-Recio nhấn mạnh: các doanh nghiệp không thể chỉ nghĩ đến lợi nhuận mà cần ưu tiên đào tạo lại, nâng cao kỹ năng cho người lao động, đồng thời tạo thêm việc làm mới - điều ông gọi là “trách nhiệm xã hội trong kỷ nguyên AI”.
"Không thể ngăn sóng thần, nhưng có thể học cách sống chung"
Tuy nhiên, không phải lãnh đạo nào cũng đồng tình với việc bảo vệ việc làm bằng mọi giá. Ông Tomasz Kurczyk, Giám đốc Công nghệ thông tin tại Prudential Singapore, cho rằng cách tiếp cận nên chuyển từ “bảo vệ” sang “thích nghi”.
“Ngăn AI giống như cố gắng chặn một cơn sóng thần. Chúng ta biết rằng bảo vệ không nhất thiết sẽ hiệu quả,” ông nói. “Điều cần làm là nghĩ xem chúng ta có thể thích nghi với thực tế mới như thế nào.”
Kurczyk ví sự trỗi dậy của AI hôm nay với sự xuất hiện của Internet cách đây ba thập kỷ - một bước ngoặt đã thay đổi toàn bộ mô hình làm việc và xã hội. Do đó, ông tin rằng thay vì đối đầu với sự thay đổi, các tổ chức cần trang bị cho con người tư duy “AI trước” nhưng không loại bỏ yếu tố con người.
Lợi nhuận hay con người - bài toán nan giải trong phòng họp
Sự bùng nổ AI cũng đặt ra câu hỏi lớn: làm thế nào để cân bằng giữa hiệu quả và đạo đức?
Theo Chỉ số Xu hướng Microsoft 2025, 82% nhà lãnh đạo tin rằng họ sẽ sớm sử dụng công cụ AI để mở rộng năng lực của lực lượng lao động. 78% cho biết họ đã tính đến việc tuyển thêm nhân sự chuyên môn về AI. Tuy nhiên, cùng lúc đó, 47% lãnh đạo đặt ưu tiên vào nâng cao kỹ năng cho người lao động hiện hữu, trong khi 33% đang cân nhắc cắt giảm biên chế.
Điều này phản ánh một thực tế đầy mâu thuẫn: AI giúp nâng cao năng suất nhưng cũng khiến việc làm truyền thống bị đe dọa, đặt con người vào thế bị động trước một cuộc chuyển dịch công nghệ khổng lồ.
Kurczyk cảnh báo thêm rằng chính AI, nếu không được kiểm soát đúng cách có thể tái tạo và tăng tốc những thiên kiến xã hội có sẵn. “Dữ liệu mà AI sử dụng được tạo ra bởi con người, và vì vậy, nó cũng thừa hưởng các thiên kiến của chúng ta,” ông nói. Nếu không cẩn trọng, AI không chỉ sao chép mà còn “phóng đại” những bất công tồn tại, đặc biệt trong tuyển dụng, thăng tiến và phân phối tài nguyên.
Hợp tác liên ngành để giữ con người trong vòng lặp
Bất chấp những lo ngại, các chuyên gia đều lạc quan rằng AI nếu được triển khai một cách toàn diện và có chiến lược có thể trở thành động lực mới cho công bằng xã hội và sáng tạo.
Kurczyk cho biết ông tin rằng AI sẽ sớm trở nên phổ biến như điện và mở ra hàng triệu cơ hội cho các lĩnh vực thủ công, sáng tạo, và dịch vụ những lĩnh vực vốn gắn liền với con người. Tuy nhiên, để làm được điều đó, các chính phủ, trường đại học và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ để đảm bảo chuyển đổi số không trở thành cuộc sàng lọc khắc nghiệt.
“Bất bình đẳng có thể bùng phát trong giai đoạn đầu của chuyển đổi, thời điểm mà cú sốc công nghệ diễn ra mạnh nhất,” ông nói. “Không một công ty hay tổ chức đơn lẻ nào có thể tự mình xử lý điều này.”
Có thể bạn quan tâm


Techcombank cảnh báo chiêu trò lừa đảo thẻ ngân hàng ngày càng tinh vi
Bảo mật
30% mã nguồn Microsoft do AI tạo ra: Lập trình viên sẽ bị thay thế?
AI
Nhà mạng SK Telecom bị mã độc tấn công
Công nghệ số