Phố Wall chững lại sau chuỗi tăng mạnh nhất 20 năm
![]() |
Hy vọng ngày càng tăng về một thỏa thuận thương mại của Hoa Kỳ với các đối tác thương mại lớn đã thúc đẩy tâm lý và cổ phiếu trong những ngày gần đây. |
Thị trường tạm hãm đà hưng phấn
Tối Chủ Nhật (giờ Mỹ), hợp đồng tương lai của chỉ số S&P 500 giảm 0,4%, còn các hợp đồng tương lai của Dow Jones và Nasdaq-100 cùng mất 0,3%. Diễn biến này xảy ra ngay sau khi thị trường vừa khép lại một tuần giao dịch đầy lạc quan.
Hôm thứ Sáu 2/5, chỉ số S&P 500 tăng gần 1,5%, đánh dấu phiên tăng điểm thứ 9 liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 11/2004. Nasdaq Composite, nơi tập trung nhiều cổ phiếu công nghệ cũng tăng 1,5%, trong khi Dow Jones cộng thêm gần 1,4%. Tính đến nay, S&P 500 đã lấy lại toàn bộ phần điểm số bị mất từ đầu tháng 4, thời điểm Tổng thống Donald Trump tuyên bố các mức thuế trả đũa.
Theo giới quan sát, tâm lý lạc quan của nhà đầu tư gần đây được thúc đẩy bởi kỳ vọng về một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn. Trung Quốc được cho là đang cân nhắc khả năng nối lại đàm phán với Washington, theo các nguồn tin từ Wall Street Journal. Dù vậy, hiện chưa có cam kết cụ thể nào được công bố.
“Tôi cho rằng đợt tăng giá vừa qua phản ánh nhiều hơn sự hưng phấn tâm lý hơn là những thay đổi nền tảng bền vững,” ông Ryan Dykmans, Giám đốc đầu tư tại Dunham & Associates Investment Counsel, nhận định.
Tâm điểm sắp tới: Fed và lợi nhuận doanh nghiệp
Tuần này, thị trường sẽ hướng sự chú ý đến cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bắt đầu từ thứ Ba. Mặc dù khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong kỳ họp này gần như bằng không (chỉ 3,2% theo công cụ FedWatch của CME), nhưng nhà đầu tư sẽ dõi theo từng phát ngôn của Chủ tịch Jerome Powell để tìm manh mối về triển vọng kinh tế giữa lúc chiến tranh thương mại tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bên cạnh đó, mùa công bố báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp tiếp tục diễn ra. Trong phiên đầu tuần, các tên tuổi như On Semiconductor, Tyson Foods và tập đoàn bảo hiểm Loews sẽ ra báo cáo tài chính trước giờ mở cửa thị trường.
Giá dầu "trượt dốc" sau quyết định từ OPEC+
Trong khi thị trường chứng khoán tạm ngừng “phi mã”, thị trường năng lượng lại chứng kiến một cú sụt mạnh. Dầu thô Mỹ (WTI) giảm hơn 4% sau khi OPEC+, liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh tuyên bố sẽ tăng sản lượng trong tháng 6.
Cụ thể, WTI giảm 2,49 USD, tương đương 4,27%, xuống còn 55,80 USD/thùng ngay sau khi phiên giao dịch đêm Chủ Nhật mở cửa. Dầu Brent tiêu chuẩn toàn cầu cũng giảm 2,39 USD (3,9%), xuống 58,90 USD/thùng. Giá dầu hiện đã mất hơn 20% kể từ đầu năm.
Quyết định tăng thêm 411.000 thùng/ngày trong tháng 6, được các nhà sản xuất lớn dẫn đầu bởi Saudi Arabia thông qua, tiếp nối động thái bất ngờ hồi tháng 5 khi OPEC+ cũng mở van cung với cùng mức sản lượng.
OPEC+ không chỉ là một cái tên, mà là biểu tượng quyền lực âm thầm của thị trường năng lượng toàn cầu. Nếu giá dầu thế giới là nhịp tim của nền kinh tế, thì OPEC+ chính là bàn tay đang bóp nhịp tim ấy, lúc siết lại, lúc thả lỏng, đủ để làm chao đảo cả những thị trường tài chính lớn nhất. Ban đầu chỉ có OPEC, tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ gồm những quốc gia như Ả Rập Xê Út, Iraq, Iran hay Venezuela. Nhưng sau nhiều biến động, đặc biệt là cú sốc giá dầu năm 2014 khiến nhiều nước lao đao, OPEC nhận ra: một mình họ không còn đủ sức kiểm soát sân chơi. Đó là lúc Nga, một gã khổng lồ ngoài cuộc bước vào, cùng với vài quốc gia sản xuất dầu lớn khác, tạo thành nhóm OPEC+. Từ năm 2016, liên minh này chính thức hoạt động như một “tổ hợp quyền lực” mới trong ngành dầu mỏ. Điều khiến OPEC+ trở nên khác biệt không chỉ nằm ở sản lượng dầu mà họ nắm giữ chiếm tới gần 50% sản lượng toàn cầu mà còn ở sự đồng thuận chính trị hiếm thấy giữa các quốc gia vốn không mấy “hòa thuận” trong nhiều mặt khác. Ả Rập Xê Út và Nga. hai đầu tàu thường xuyên họp kín để đưa ra những quyết sách có thể làm giá dầu tăng vọt hoặc lao dốc chỉ sau một đêm. Mỗi lần OPEC+ họp là thị trường lại “nín thở”. Khi họ quyết định cắt giảm sản lượng, giá dầu lập tức nhảy vọt, kéo theo cổ phiếu ngành năng lượng, lạm phát và cả chính sách tiền tệ toàn cầu. Ngược lại, khi nhóm này tăng sản lượng như gần đây giá dầu sụt mạnh, ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu ngân sách của các nước xuất khẩu và chi phí vận hành của hàng triệu doanh nghiệp. OPEC+ không phải là một tổ chức chính thức với bộ máy pháp lý rõ ràng. Nhưng quyền lực của họ thì rất thật và thường xuyên vượt xa cả các quy định của thị trường tự do. Sự tồn tại của OPEC+ cho thấy: trong thế giới tưởng như vận hành bằng cung cầu và cạnh tranh, vẫn có những “bàn tay vô hình” phối hợp rất chặt để giữ quyền chi phối nguồn sống của cả nền kinh tế thế giới. |
Có thể bạn quan tâm


Tập đoàn Thái Tuấn tiếp tục xin gia hạn thanh toán trái phiếu
Giao dịch số
Alphabet tăng tốc ngoạn mục: Lợi nhuận bứt phá, cổ phiếu lập đỉnh sau giờ giao dịch
Kinh tế số
Thị trường chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương bật tăng khi phố Wall hồi phục
Kinh tế số