Thị trường chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương bật tăng khi phố Wall hồi phục
![]() |
Thị trường chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương bật tăng khi phố Wall hồi phục. Cổ phiếu của Nvidia , Meta , Amazon , Tesla và Microsoft đều đóng cửa ở mức cao hơn, thúc đẩy các chỉ số trung bình chính đạt mức tăng ngày thứ ba liên tiếp. Ảnh minh họa: Getty. |
Dư âm từ đà phục hồi mạnh mẽ của thị trường Mỹ trong phiên thứ Năm ngày 24/4, đã nhanh chóng lan tỏa sang các sàn giao dịch Châu Á, đó là lý do chính khiến cho Thị trường chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương bật tăng. Ba chỉ số chính tại phố Wall đều đóng cửa ở mức cao hơn, trong đó S&P 500 tăng hơn 2% lên 5.484 điểm, Nasdaq Composite vọt 2,74% lên 17.166 điểm – mức cao kỷ lục mới, nhờ lực đẩy từ các cổ phiếu công nghệ lớn như Nvidia, Meta, Amazon, Tesla và Microsoft.
Trong khi đó, chỉ số Dow Jones tuy bị kéo lùi bởi đà giảm của IBM nhưng vẫn tăng 1,23%, lên mốc 40.093 điểm, đánh dấu phiên tăng thứ ba liên tiếp của cả ba chỉ số.
Châu Á đón sóng lạc quan từ Mỹ: Nhật Bản, Hàn Quốc dẫn dắt
Tại Châu Á, thị trường Nhật Bản bật tăng mạnh mẽ, với chỉ số Nikkei 225 tăng tới 1,73%, Topix cộng thêm 1,43%. Động lực chính đến từ tuyên bố của Thủ tướng Shigeru Ishiba về một gói giải pháp khẩn cấp nhằm đối phó với các rủi ro từ chính sách thuế quan của Mỹ. Theo truyền thông Nhật Bản, gói kích thích này bao gồm hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, trợ cấp hóa đơn năng lượng và giảm giá nhiên liệu, những chính sách được kỳ vọng sẽ xoa dịu áp lực lạm phát và duy trì sức tiêu dùng trong nước.
Cùng lúc đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 1,03% và chỉ số Kosdaq tăng 0,6%, phản ánh tâm lý hưng phấn sau cuộc họp “rất thành công” giữa giới chức Mỹ và Hàn Quốc về hợp tác thương mại. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu đóng tàu Hàn Quốc bật tăng mạnh mẽ như HD Hyundai Heavy Industries tăng hơn 5%, Hanhwa Ocean tăng 6%, trong bối cảnh hai nước đạt được đồng thuận về việc thúc đẩy ngành công nghiệp đóng tàu thông qua các gói đầu tư song phương.
Trung Quốc - Hồng Kông thận trọng, nhưng vẫn hòa nhịp
Thị trường Hồng Kông và Trung Quốc đại lục cũng có phản ứng tích cực dù mức tăng khiêm tốn hơn. Hang Seng mở cửa tăng 0,75%, còn CSI 300, chỉ số tập hợp các cổ phiếu vốn hóa lớn tại Trung Quốc đại lục nhích nhẹ 0,3%. Các nhà đầu tư tại đây vẫn giữ tâm lý thận trọng do chưa có tín hiệu rõ ràng từ các vòng đàm phán Mỹ - Trung, nhưng việc Washington “hạ giọng” trong vấn đề thuế quan được xem là một tín hiệu mang tính hỗ trợ tâm lý ngắn hạn.
Tokyo bất ngờ với lạm phát tăng vọt, BOJ cân nhắc nâng lãi suất
Một điểm nóng đáng chú ý trong khu vực đến từ Nhật Bản, khi chỉ số CPI cốt lõi của Tokyo trong tháng 4 tăng vọt lên 3,4%, vượt mốc 3% lần đầu tiên kể từ năm 2023. Mức tăng này cao hơn đáng kể so với dự báo 3,2% và so với mức 2,4% của tháng trước, đặt Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào thế khó.
Thống đốc BOJ Kazuo Ueda phát tín hiệu sẽ tiếp tục lộ trình tăng lãi suất nếu lạm phát duy trì trên mục tiêu 2%. Điều này khiến giới phân tích đặc biệt chú ý đến cuộc họp chính sách tiền tệ vào cuối tháng 4 - đầu tháng 5, khi BOJ có thể hành động để duy trì tính ổn định của thị trường trái phiếu và đồng yên.
IMF hạ dự báo tăng trưởng Châu Á, cảnh báo rủi ro từ chính sách thương mại
Dù sắc xanh phủ sóng thị trường phiên cuối tuần, viễn cảnh trung hạn của khu vực vẫn tồn tại nhiều rủi ro. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương xuống còn 3,9% cho năm 2025, so với mức 4,6% đưa ra trước đó.
Ông Krishna Srinivasan, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của IMF, nhấn mạnh rằng bất ổn về chính sách thương mại, đặc biệt là từ phía Mỹ, đang trở thành rào cản lớn đối với các nền kinh tế mới nổi. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng các ngân hàng trung ương trong khu vực có thể nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm ứng phó với các cú sốc từ bên ngoài.
Góc nhìn chuyên gia: "Nhà đầu tư đang học cách sống chung với bất ổn"
Bình luận về diễn biến thị trường, ông Louis Navellier, Chủ tịch Navellier & Associates nhận định: “Các nhà đầu tư đang trở nên thoải mái hơn với sự bất ổn của thuế quan khi thu nhập doanh nghiệp cho thấy tín hiệu tích cực. Thị trường dường như đang định vị cho việc giảm thuế quan cao ngất ngưởng hiện tại của Trung Quốc trong ngắn hạn”.
Trong khi đó, chiến lược gia Sean Simonds từ UBS lại đưa ra cái nhìn thận trọng hơn, cho rằng thị trường Mỹ đang trượt dần về chế độ “suy thoái nhẹ” khi các cổ phiếu nhạy cảm với thuế quan sụt giảm mạnh, còn cổ phiếu tiêu dùng tùy ý bắt đầu thể hiện dấu hiệu yếu kém rõ rệt.
Trong ngắn hạn, sự kết hợp giữa kỳ vọng giảm thuế quan, chính sách hỗ trợ trong nước và kết quả kinh doanh tích cực từ các “ông lớn” công nghệ đang tạo nên lực đẩy cho thị trường chứng khoán toàn cầu. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần cảnh giác trước các rủi ro trung hạn, từ xu hướng tăng lãi suất tại Nhật, đà giảm tốc kinh tế Trung Quốc đến những bất ổn địa chính trị và thương mại kéo dài.
Có thể bạn quan tâm


Kinh tế Hàn Quốc Quý I/2025: GDP lần đầu giảm sau 4 năm
Kinh tế số
BIDV MetLife ra mắt sản phẩm mới ‘Quà tặng tương lai’
Thị trường
Thị trường Châu Á - Thái Bình Dương mở cửa trong trạng thái trầm lắng
Giao dịch số