An ninh mạng bảo vệ quá trình hiện đại hóa lưới điện
Lời tòa soạn: Quá trình chuyển đổi số và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, vấn đề an ninh mạng cho lưới điện quốc gia trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu. Tạp chí Điện tử và Ứng dụng trân trọng giới thiệu bài viết của chuyên gia Matthew Borst đến từ Keysight Technologies. Bài viết mang đến cái nhìn toàn diện về vai trò then chốt của an ninh mạng trong quá trình hiện đại hóa lưới điện, từ phân tích lịch sử phát triển, các biện pháp bảo vệ hiện đại đến những thách thức và cơ hội trong tương lai. Đây không chỉ là thông tin hữu ích cho các chuyên gia kỹ thuật, nhà quản lý trong ngành điện mà còn là kiến thức cần thiết cho mọi doanh nghiệp và cá nhân quan tâm đến an ninh năng lượng quốc gia. |
![]() |
Các hệ thống kỹ thuật số, đặc biệt là các hệ thống trọng yếu như lưới điện, cần có các biện pháp an ninh mạng nghiêm ngặt để bảo vệ chống xâm nhập không mong muốn và đảm bảo vận hành liên tục. Tích hợp an ninh mạng là điều kiện thiết yếu để hiện đại hóa lưới điện, vì quá trình này sẽ định hình lại cách chúng ta sản xuất, phân phối và tiêu thụ điện năng.
Mục tiêu của hiện đại hóa lưới điện là chuyển đổi hạ tầng năng lượng điện hiện tại để đáp ứng nhu cầu của thế kỷ 21 và xa hơn nữa. Sự thay đổi này trong thị trường lưới điện và năng lượng là quá trình phức tạp và thường xuyên. Các công ty điện lực, công nghệ, các nhà hoạch định chính sách và người tiêu dùng cần hợp tác để vượt qua những thách thức và nắm bắt các cơ hội của hiện đại hóa lưới điện. Yếu tố then chốt của quá trình chuyển đổi này là việc tích hợp vào lưới điện nhiều loại hình công nghệ, bao gồm an ninh mạng.
Lịch sử an ninh mạng trong lưới điện
Triển khai an ninh mạng vào lưới điện là một hoạt động tương đối mới, là hệ quả của quá trình số hóa và kết nối ngày càng cao của cơ sở hạ tầng năng lượng trọng yếu. Thời gian đầu, lưới điện chỉ là các hệ thống tương tự (analog), sử dụng các biện pháp an ninh truyền thống, chẳng hạn như hàng rào và nhân viên bảo vệ, để bảo vệ hạ tầng chống lại các mối đe dọa vật lý.
Sự ra đời của các hệ thống Kiểm soát giám sát và Thu thập dữ liệu (SCADA) trong những năm 1970 và 1980 đánh dấu một thay đổi đáng kể trong ứng dụng công nghệ số điều khiển lưới điện.
Các cuộc tấn công mạng đầu tiên bắt đầu xuất hiện vào cuối thế kỷ 20, nhưng khi đó chúng chủ yếu là các sự cố riêng lẻ, có tác động tương đối hạn chế đến cơ sở hạ tầng trọng yếu hoặc lưới điện. Thế kỷ 21 đã chứng kiến nhiều cuộc tấn công mạng lớn vào lưới điện, bao gồm Stuxnet Worm vào năm 2010, các cuộc tấn công lưới điện của Ukraine vào năm 2015-2016 và các cuộc tấn công RedEcho vào lưới điện của Ấn Độ vào năm 2020.
Sự gia tăng mạnh mẽ của các cuộc tấn công mạng có chủ đích này cho thấy khả năng xảy ra hậu quả nghiêm trọng nếu lưới điện bị xâm phạm. Trong bối cảnh các mối đe dọa tiếp tục thay đổi, cần nỗ lực liên tục để đảm bảo khả năng phục hồi và an ninh bảo mật cho loại hình hạ tầng trọng yếu này trong tương lai.
Các biện pháp an ninh mạng bảo vệ lưới điện
Quá trình hiện đại hóa lưới điện đã tạo ra một hệ sinh thái năng lượng siêu kết nối, trong đó các bên liên quan và các công nghệ mới được tích hợp vào lưới điện. Nhiều biện pháp an ninh mạng đang được triển khai để giảm thiểu rủi ro của mạng lưới phức tạp này, bao gồm:
Các biện pháp công nghệ
Công nghệ phân đoạn mạng chia lưới thành các phân đoạn nhỏ, hạn chế mã độc lây lan và các cuộc tấn công mạng.
Hệ thống phát hiện xâm nhập (IDS) giám sát lưu lượng mạng để phát hiện hoạt động đáng ngờ và cảnh báo điều hành viên về các mối đe dọa tiềm ẩn.
Tường lửa đóng vai trò tuyến phòng thủ nằm giữa mạng nội bộ của lưới điện và internet bên ngoài, sàng lọc lưu lượng đến và đi.
Mã hóa dữ liệu truyền tải trên lưới điện, bao gồm dữ liệu trên máy chủ nội bộ và đám mây, có thể bảo vệ dữ liệu chống truy cập trái phép.
Quản lý bản vá đảm bảo cập nhật thường xuyên các bản vá an ninh bảo mật để xử lý các điểm yếu an ninh bảo mật.
Xác thực đa yếu tố (MFA) yêu cầu nhiều hình thức nhận dạng để tăng cường kiểm soát truy cập.
An ninh bảo mật vận hành
Đào tạo nâng cao nhận thức về an ninh bảo mật cho nhân sự vận hành lưới điện về các mối đe dọa an ninh mạng và thực hành tốt nhất giúp ngăn ngừa lỗi do con người.
Phát triển và thường xuyên kiểm thử các kế hoạch ứng phó sự cố, đảm bảo ứng phó nhanh chóng và hiệu quả trước các cuộc tấn công mạng.
Kiểm tra và đánh giá an ninh bảo mật định kỳ để xác định lỗ hổng an ninh bảo mật và điểm yếu trong lưới điện.
Đảm bảo an ninh bảo mật cho các thành phần của lưới điện trong chuỗi cung ứng nhằm giúp ngăn chặn việc đưa phần cứng hoặc phần mềm độc hại vào hệ thống.
Khung pháp lý
Các tổ chức như Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (NIST) và Mạng lưới các nhà khai thác hệ thống truyền dẫn châu Âu (ENTSO-E) cung cấp các tiêu chuẩn và hướng dẫn về an ninh mạng cho ngành điện. Các tổ chức này giúp phát triển các hướng dẫn và tiêu chuẩn áp dụng toàn ngành.
Các doanh nghiệp vận hành lưới điện phải tuân thủ các quy định quản lý nhà nước yêu cầu họ thực hiện các biện pháp an ninh mạng cụ thể để đảm bảo an ninh bảo mật hệ thống.
Cộng tác và hợp tác quốc tế cũng giúp giải quyết các mối đe dọa an ninh mạng xuyên biên giới.
Công nghệ mới nổi
Các công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) có thể nhanh chóng phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa hiệu quả hơn so với các hệ thống hiện tại.
Công nghệ Blockchain là biện pháp an toàn giúp ghi chép và xác minh dữ liệu trong quá trình truyền tải trên mạng.
Ngành điện có thể sử dụng kết hợp các biện pháp này để tăng cường đáng kể an ninh mạng cho các lưới điện kết nối hiện đại - bảo vệ cơ sở hạ tầng trọng yếu, đảm bảo sản xuất và phân phối điện ổn định.
![]() |
Matthew Borst là Giám đốc thương hiệu, bộ phận Giải pháp ô tô tại Keysight Technologies. |
Những lợi ích và thách thức của an ninh mạng đối với hiện đại hóa lưới điện
Đối với các công ty điện lực, một hệ thống có khả năng phục hồi tốt hơn sẽ giúp nâng cao khả năng chống chịu và phục hồi của lưới điện khi bị gián đoạn.
An ninh mạng có thể tối ưu hóa vận hành lưới điện bằng cách bảo vệ cơ sở hạ tầng trọng yếu và hỗ trợ trao đổi dữ liệu hiệu quả trên toàn mạng. Một môi trường an toàn cũng khuyến khích đổi mới sáng tạo và áp dụng các công nghệ mới, chẳng hạn như các giải pháp lưới điện thông minh và các công nghệ bền vững khác.
Đối với người dùng, các biện pháp an ninh mạng mạnh có thể giúp ngăn chặn tấn công mạng gây gián đoạn, đảm bảo nguồn điện ổn định và đáng tin cậy. Bảo vệ dữ liệu nhạy cảm của lưới điện, chẳng hạn thông tin khách hàng và dữ liệu vận hành, là điều kiện cần thiết để duy trì lòng tin và sự tuân thủ trong lưới điện hiện đại hóa.
Ngoài ra, cần triển khai tiến bộ công nghệ để giải quyết một số thách thức khác. Lưới điện hiện đại ngày càng trở nên phức tạp, với các hệ thống kết nối và nhiều lỗ hổng an ninh bảo mật. Sự phức tạp này khiến cho việc đảm bảo an ninh mạng toàn diện trên toàn bộ lưới điện gặp nhiều khó khăn. Các mối đe dọa không gian mạng cũng thường xuyên thay đổi, gây khó khăn cho việc xử lý sớm các cuộc tấn công và điểm yếu an ninh bảo mật mới.
Việc triển khai và duy trì các biện pháp an ninh mạng mạnh có thể đắt đỏ, đòi hỏi đầu tư lớn vào công nghệ, nhân sự và quy trình. Thách thức về chi phí này trở nên nghiêm trọng hơn khi không có đủ chuyên gia an ninh mạng có đủ chuyên môn cần thiết để bảo vệ cơ sở hạ tầng trọng yếu này.
Giải quyết những thách thức này là điều kiện thiết yếu để đảm bảo an ninh và khả năng phục hồi của lưới điện trong tương lai. Mặc dù có nhiều thách thức, nhưng hiện đại hóa lưới điện là điều kiện trọng yếu để đảm bảo nguồn cung năng lượng an toàn và bền vững cho tương lai.
Con đường phía trước
Quá trình chuyển đổi này trong thị trường lưới điện và năng lượng là quá trình phức tạp và thường xuyên. Triển khai an ninh bảo mật trên toàn hệ thống, phát triển công nghệ đổi mới sáng tạo và hợp tác giữa các bên liên quan trên thị trường là các biện pháp giúp phát huy toàn bộ tiềm năng an ninh mạng cho hiện địa hóa lưới điện. Nhờ đó thế giới có thể xây dựng một lưới điện có khả năng chống chịu, hiệu quả và đáng tin cậy hơn cho tương lai.
Matthew Borst là Giám đốc thương hiệu, bộ phận Giải pháp ô tô tại Keysight Technologies. Ông tham gia quá trình xây dựng và thực hiện chiến lược về tư duy dẫn đầu của Keysight trên thị trường ô tô liên quan các công nghệ mới nổi như pin và bộ sạc EV, giả lập nguồn điện, radar, lidar, C-V2X, v.v. Trong quá trình công tác, Matthew đã tham gia phát triển ô tô và công nghệ hàng đầu tại SAE, IEEE, AVL và Polaris. Ông có các bài báo đăng trên các tạp chí Automotive Engineering và Truck & Off-Highway Engineering. Matthew có bằng Cử nhân Khoa học về Kỹ thuật Ô tô tại Đại học Bang Minnesota, Mankato. |
Có thể bạn quan tâm


Keysight cách mạng hóa quá trình đo kiểm thu phát quang cho các trung tâm dữ liệu AI
AI
Ấn Độ còn cách bao xa để có thể tạo ra 'DeepSeek"' của riêng mình?
Công nghệ số
Intel ‘phổ cập hóa’ AI đến với cộng đồng
AI