Các bài báo khoa học giả đang trở thành mối đe dọa toàn cầu
Các bài báo khoa học giả đang phổ biến trên toàn cầu.
Khi nhà tâm lý học thần kinh Bernhard Sabel đưa công cụ phát hiện đạo văn vào các bài báo khoa học đã xuất bản, ông "sốc" trước những gì phát hiện được. Sau khi sàng lọc khoảng 5.000 bài báo, ông ước tính có tới 34% bài báo khoa học thần kinh được xuất bản vào năm 2020 có khả năng là bịa đặt hoặc đạo văn. Ở lĩnh vực y học, con số này là 24%. Cả hai tỉ lệ trên lớn hơn rất nhiều so với mức 2% mà nhóm các nhà xuất bản ước tính vào năm 2022.
Ông Sabel, giảng dạy tại Đại học Otto von Guericke Magdeburg (Đức) và là tổng biên tập Tạp chí Restorative Neurology and Neuroscience, cho biết: “Khi cho ra kết quả, thoạt tiên chúng tôi thật sự bị sốc. Như thể ai đó nói với bạn rằng 30% những gì bạn đang ăn là độc hại”.
Những phát hiện của ông nhấn mạnh điều mà nhiều người nghi ngờ: Các tạp chí khoa học tràn ngập các bản thảo khoa học gian lận. Một số nhà nghiên cứu muốn hoàn thiện hồ sơ khoa học đã sẵn sàng trả tiền cho các nhóm bí mật giúp họ có được bài nghiên cứu, hầu hết là bài viết gian lận.
Ông Dorothy Bishop, một nhà tâm lý học của Đại học Oxford (Anh), người nghiên cứu về các hoạt động xuất bản gian lận, cho biết: “Các nhóm bí mật kinh doanh bài báo khoa học 'dỏm' đã kiếm bộn tiền, bằng cách tấn công một cách cơ bản vào hệ thống khoa học toàn cầu".
Một thông báo ngày 2-5 từ Nhà xuất bản Hindawi đã nhấn hồi chuông báo động: Họ đã phải đóng cửa bốn tạp chí mà họ phát hiện là “bị xâm phạm nặng nề” từ các bài báo gian lận.
Hiện nay, các công cụ dò tìm nội dung đạo văn đã giúp phát hiện phần nào các bài báo khoa học "dỏm" do các nhóm kinh doanh bí mật sản xuất. Các nhóm này đã "xào nấu" những bản thảo chứa dữ liệu và hình ảnh ăn cắp ý tưởng hoặc bịa đặt, một phần hoặc toàn bộ.
Một số bài báo khoa học còn được các nhà phê bình không tên tuổi xác nhận ý tưởng nghiên cứu.
Những bản thảo như vậy có nguy cơ làm hỏng tài liệu khoa học, gây hiểu lầm cho người đọc và có khả năng làm sai lệch các đánh giá khoa học có hệ thống.
Sự ra đời gần đây của các công cụ trí tuệ nhân tạo như ChatGPT càng làm tăng thêm mối lo ngại.
"Trung tâm liêm chính" chống bài báo khoa học giả Hiệp hội Quốc tế các nhà xuất bản khoa học, kỹ thuật và y tế (STM), đại diện cho 120 nhà xuất bản, đang dẫn đầu một nỗ lực có tên là "Trung tâm liêm chính" (Integrity Hub) để phát triển các công cụ phát hiện gian lận.
STM không tiết lộ nhiều về các phương pháp phát hiện các bài báo khoa học gian lận, để tránh các nhóm kinh doanh bí mật biết được và tìm cách "lách".
Ông Joris van Rossum, giám đốc sản phẩm của Trung tâm liêm chính, cho biết: “Một dấu hiệu đáng mừng là nhiều bài báo đã bị rút lại".
20 nhà xuất bản - bao gồm những nhà xuất bản lớn như Elsevier, Springer Nature và Wiley - đang giúp phát triển các công cụ của Integrity Hub và 10 nhà xuất bản dự kiến sẽ sử dụng công cụ này để dò tìm bài nghiên cứu gian lận.