Trung Quốc truy tìm nguyên nhân các bài báo khoa học bị rút lại hàng loạt
Hình minh họa.
Theo tạp chí Nature, Chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh yêu cầu các trường đại học trên toàn quốc phải cung cấp danh sách đầy đủ của tất cả các bài báo khoa học bị rút lại từ các tạp chí tiếng Anh và tiếng Trung trong vòng 3 năm qua, trước ngày 15-2.
Động thái này đến sau khi Hindawi, một tạp chí có trụ sở tại London, Anh, trực thuộc Nhà xuất bản Wiley, rút lại một số lượng lớn bài nghiên cứu của các tác giả Trung Quốc. Thông báo từ Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh rằng việc Hindawi và các nhà xuất bản khác rút lại nhiều bài báo của tác giả Trung Quốc "đã gây tổn hại đến uy tín học thuật và môi trường học thuật của đất nước."
Do đó, họ đề xuất làm rõ lý do tại sao các bài báo đã bị rút và điều tra các trường hợp vi phạm.
Một phân tích của tạp chí Nature cho thấy trong năm 2023, Hindawi đã thông báo rút lại hơn 9.600 bài báo khoa học, với đại đa số có đồng tác giả ở Trung Quốc. Khi kết hợp với các nhà xuất bản khác, tổng số bài báo khoa học bị rút lại trong năm 2023 lên đến gần 14.000, với khoảng 3/4 liên quan đến các tác giả Trung Quốc.
Xiaotian Chen, một nhà nghiên cứu về thông tin và thư viện tại Đại học Bradley ở Peoria, Illinois, Mỹ, người đã nghiên cứu về việc rút lại bài báo khoa học ở Trung Quốc, lên tiếng: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến một quốc gia tiến hành điều tra rút lại bài báo nghiên cứu như vậy."
Chen cũng cho biết rằng các cuộc điều tra trước đó thường được thực hiện theo từng trường hợp cụ thể, nhưng lần này tất cả các tổ chức phải tiến hành điều tra đồng thời. Các nhà nghiên cứu có bài báo bị rút lại sẽ phải giải thích liệu việc rút lại là do hành vi sai trái, chẳng hạn như chỉnh sửa hình ảnh hoặc lỗi trung thực.
Hiện chưa rõ biện pháp trừng phạt là gì, nhưng vào năm 2021, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc đã công bố kết quả điều tra về một loạt bài bị rút lại. Các hình phạt bao gồm cắt giảm lương, rút tiền thưởng, giáng chức và đình chỉ có thời hạn việc xin trợ cấp và khen thưởng nghiên cứu.