Cần giải bài toán khó "kinh tế báo chí" đối với các tạp chí khoa học
PGS. TS. Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Trong hệ thống các cơ quan báo chí hiện nay ở Việt Nam, ngoài các cơ quan báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các tỉnh, thành phố được cấp kinh phí hoạt động (hoàn toàn hoặc một phần), có hơn 70 cơ quan báo chí thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam, phần lớn đang thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính.
Theo PGS. TS. Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp Hội Việt Nam có một hệ thống báo chí lớn, có tiềm năng phát triển mạnh các hoạt động thông tin, phổ biến kiến thức, tư vấn phản biện và giám định xã hội. Các tạp chí khoa học của Liên hiệp Hội Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Trong thời gian gần đây, báo chí trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam đã không ngừng cải thiện nội dung và phương pháp làm báo, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin ngày càng cao của các nhà khoa học, trí thức và độc giả trong cả nước. Tuy nhiên, đặt ra trước các cơ quan báo chí trong giai đoạn hiện nay là một yêu cầu nhiệm vụ rất lớn, trong đó có vấn đề kinh tế báo chí.
Ông Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị
Phát triển kinh tế báo chí trong xu hướng chuyển đổi số
Trong bối cảnh chuyển đổi số của ngành báo chí, ông Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam đã chia sẻ rằng: "Trong xu hướng chuyển đổi số, các cơ quan báo chí cần thực hiện nhiệm vụ chính trị và cũng cần làm tốt để bắt kịp xu hướng và phát triển của kỷ nguyên công nghệ số. Sự thành công trong việc chuyển đổi số của các cơ quan báo chí đòi hỏi công nghệ và giải pháp hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và sự liên kết giữa các cơ quan báo chí. Do đó, kinh tế báo chí trong xu hướng chuyển đổi số đã tiến gần đến khái niệm "kinh tế báo chí số".
Để phát triển kinh tế báo chí trong môi trường cạnh tranh hiện nay, ông Nguyễn Thành Lợi cho rằng, báo chí cần thay đổi tư duy và đề cao công nghệ làm báo hiện đại. Các cơ quan báo chí trên thế giới đã đưa ra triết lý làm báo mới: Nội dung và công nghệ phải đi đôi. Quan điểm "Công nghệ là Nữ hoàng" hoặc "Công chúng là số 1" đang thống trị thị trường báo chí toàn cầu, và Việt Nam không nằm ngoài trào lưu này.
Ngoài ra, các cơ quan báo chí truyền thông cần xây dựng bộ phận và đội ngũ chuyên nghiệp trong lĩnh vực truyền thông và quảng cáo. Cần tăng cường tổ chức sự kiện và tham gia các hoạt động từ thiện, vì cộng đồng. Những hoạt động trách nhiệm xã hội này sẽ tăng cường uy tín và thương hiệu của các cơ quan báo chí, đó là một trong bốn trụ cột trong chiến lược phát triển dài hạn của các cơ quan báo chí trong tương lai.
Theo bà Trần Thị Giang - Phó Tổng Biên tập kiêm Thư ký Tòa soạn Tạp chí Tự động hóa ngày nay, báo chí thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam cần coi trọng công tác đổi mới nội dung và phát hành, đồng thời phải có chiến lược phát triển nguồn thu cho cơ quan báo chí và tạo cơ chế chính sách hợp lý để huy động nguồn lực tập thể. Cần tăng tính chủ động, sáng tạo và năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ và nhân viên trong lĩnh vực truyền thông. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế quản lý và sử dụng tài chính phù hợp với đặc thù của hoạt động báo chí.
Ông Đào Quang Bính - Tổng Thư ký Tòa soạn Thời báo Kinh tế Việt Nam
Ông Đào Quang Bính - Tổng Thư ký Tòa soạn Thời báo Kinh tế Việt Nam cũng chia sẻ rằng khi nền kinh tế thị trường phát triển mạnh, nhu cầu quảng bá sản phẩm cũng tăng lên. Với tính thị trường kép từ hai nguồn thu chính là từ độc giả và từ nhà sản xuất-nhà quảng cáo, nguồn thu của báo chí ngày càng đa dạng, tạo điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ của báo chí. Hai yếu tố quan trọng quyết định kinh tế báo chí và kinh tế truyền thông là sản phẩm báo chí truyền thông và dịch vụ quảng cáo trên các phương tiện truyền thông. Kinh tế báo chí đã trở thành động lực thúc đẩy phát triển của báo chí.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận về chuyển đổi số đa nền tảng và các công cụ để phát triển kinh tế báo chí, cũng như nâng cao khả năng tự chủ tài chính của các cơ quan báo chí. Các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp để các cơ quan báo chí thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam có thể vượt qua khó khăn, bao gồm: đồng bộ hóa công tác đổi mới nội dung và phát hành, xây dựng cơ chế quản lý và sử dụng tài chính phù hợp với đặc thù của hoạt động báo chí, và tăng cường kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và xuất bản.