Giải bài toán kinh tế báo chí, để báo chí phát triển
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phan Xuân Thủy cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí là hết sức cần thiết nhằm hoàn thiện quy định pháp luật để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về báo chí; khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về báo chí hiện hành.
Theo ông Phan Xuân Thủy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí nhằm điều chỉnh, quản lý hoạt động báo chí phù hợp trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí phát triển trong kỷ nguyên số.
Chống “báo hóa” tạp chí...
Phát biểu tại hội thảo, ông Lưu Đình Phúc - Cục Trưởng Báo chí cho biết Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 22/9/2024 của Chính phủ thông qua 4 chính sách Đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi). Đó là: Tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí (gồm 7 vấn đề); Nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí (gồm 5 vấn đề); Thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí (gồm 4 vấn đề) và Điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng.
![]() |
Ông Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương. Ảnh: BTC |
Theo ông Lưu Đình Phúc, Dự thảo luật lần này cũng sửa đổi và bổ sung hệ thống khái niệm, nhằm phân biệt rõ ràng giữa các loại hình báo chí, khắc phục tình trạng "báo hoá" tạp chí - một trong những vấn đề nổi cộm thời gian qua. Cụ thể, loại hình báo chí được chia thành báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình và kênh nội dung của cơ quan báo chí trên không gian mạng. Báo in gồm báo và tạp chí; báo điện tử gồm Báo điện tử và Tạp chí điện tử.
Bổ sung khái niệm Tạp chí để phân biệt rõ báo, tạp chí, chống “báo hóa” tạp chí. Cụ thể: Tạp chí là sản phẩm báo chí đăng tải tin, bài có tính chất chuyên biệt, chuyên ngành, trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ theo tôn chỉ, mục đích quy định trong giấy phép; chỉ cập nhật tin tức, sự kiện về hoạt động của cơ quan chủ quản, bao gồm tạp chí in và tạp chí điện tử.
Không quy định trang thông tin điện tử tổng hợp là sản phẩm thông tin có tính chất báo chí. Sản phẩm thông tin có tính chất báo chí chỉ còn Đặc san, Bản tin.
![]() |
Ông Lưu Đình Phúc, Cục Trưởng Báo chí trình bày tham luận "Một số vấn đề đáng chú ý trong Luật Báo chí (sửa đổi)". |
Một điểm mới đáng chú ý là việc bổ sung mô hình Tổ hợp báo chí truyền thông chủ lực đa phương tiện. Theo đó, các tổ hợp báo chí được phép có nhiều cơ quan trực thuộc, hoạt động theo cơ chế tài chính như doanh nghiệp, được thành lập hoặc góp vốn tại doanh nghiệp.
Dự thảo cũng đưa ra các nguyên tắc chặt chẽ trong hoạt động báo chí trên không gian mạng. “Các kênh nội dung của báo chí trên mạng xã hội, ứng dụng Internet bắt buộc phải đăng ký, kết nối hệ thống với cơ quan quản lý. Nội dung phát hành phải tuân thủ pháp luật báo chí, an ninh mạng và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Không giải quyết được bài toán kinh tế báo chí, báo chí không thể phát triển
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng góp ý 3 nội dung Dự thảo Luật. Thứ nhất, về hành lang pháp lý và cơ quan chủ quản báo chí, cần nghiên cứu lại mô hình cơ quan chủ quản báo chí sao cho phù hợp. Trong luật nên có quy định rõ, cơ quan chủ quản là ai, trách nhiệm đến đâu… để báo chí phát triển độc lập và chuyên nghiệp hơn.
![]() |
Hội thảo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, giao cho Cục Báo chí phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức. |
Thứ hai, cần xem xét lại về tôn chỉ, mục đích. Ông Phùng Công Xưởng nêu ví dụ, vừa qua kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), tất cả báo chí đều phản ánh sự kiện đó và đây là trách nhiệm của cơ quan báo chí chứ không căn cứ vào tôn chỉ mục đích của báo chí.
Thứ ba về kinh tế báo chí và nguồn thu. Báo chí hoạt động hiện nay được định nghĩa là cơ quan sự nghiệp có thu, nhưng đang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Nếu không giải quyết được bài toán kinh tế báo chí, báo chí không thể phát triển.
Theo ông Phùng Công Sưởng, báo chí có 4 nguồn thu chính: Bán nội dung (gần như không còn hoặc rất ít); Ngân sách Nhà nước (rất hạn chế, chỉ một số cơ quan lớn được cấp); Truyền thông - quảng cáo (đang bị sụt giảm mạnh); Tài trợ, viện trợ từ tổ chức, cá nhân (rất hiếm và không ổn định).
![]() |
Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Le Group. |
Góp ý vào Dự thảo, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Le Group cho rằng Dự thảo đưa ra điều kiện cho các cơ quan báo chí phát triển mô hình tổ hợp truyền thông, thì nên cho họ quyền phát hệ sinh thái đó theo nhu cầu của mình. Cần có quy định, cơ sở để các cơ quan báo chí sau này phát triển tự do kinh doanh, tự do liên kết.
“Vì vậy, tôi xin đề xuất đưa vào Dự thảo Luật làm sao mở điều kiện cho các cơ quan báo chí chủ động phát triển hệ sinh thái báo chí, khai thác các nguồn lực dữ liệu riêng, tạo ra nguồn lực phát triển riêng”, ông Vinh nói.
![]() |
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam - VTV . |
Đánh giá Dự thảo luật, ông Nguyễn Thanh Lâm, Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam - VTV cho rằng, Dự thảo luật rất rõ ràng, có sự chuyển tiếp quản lý giữa 2 Bộ, đồng thời có những điều khoản đã thể chế hóa những văn bản dưới luật trước đây, mở điều kiện cho các cơ quan báo chí hoạt động trên các hạ tầng không gian.
Ông Lâm cho rằng hoạt động báo chí trên không gian mạng được dự thảo thiết kế một chương rất là rõ, song cần làm rõ thêm về mô hình kinh doanh của báo chí. Thứ hai, nên làm rõ việc Nhà nước đầu tư và mua dịch vụ công nghệ thông tin trên nền tảng số. Thứ ba, mô hình sự nghiệp công lập đối với cơ quan báo chí.
Có thể bạn quan tâm


Thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên nền tảng số quốc gia
Đổi mới sáng tạo
KHCN, ĐMST và CĐS sẽ là trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Belarus
Chuyển động số
Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 32 sản phẩm khoa học công nghệ tiêu biểu
Đổi mới sáng tạo