Thách thức của báo chí trong bối cảnh hiện nay
Thách thức to lớn
Theo TS. Huỳnh Văn Thông - Khoa Báo chí và Truyền thông Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn - Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, sự phát triển vượt bậc của các phương tiện truyền thông mới đã đem đến những cơ hội tuyệt vời để mỗi cá nhân tham gia vào xã hội truyền thông với vai trò rất chủ động.
Người dùng thông tin đồng thời cũng trở thành người sản xuất, người phổ biến và người lan truyền thông tin. Với một chiếc điện thoại thông minh kết nối internet, mỗi cá nhân gần như được trang bị nguồn lực của một toà soạn báo chí, của một đài phát thanh, của một đài truyền hình, thậm chí còn hơn thế. Nhưng cũng chính sự thuận tiện đó tạo ra rắc rối lớn cho việc tổ chức và quản lý môi trường thông tin hiện nay mà tin giả (fake news) là một vấn nạn mà báo chí phải đối mặt.
Ảnh minh hoạ.
TS. Huỳnh Văn Thông cho rằng tin giả chủ yếu được tạo ra bởi những cá nhân không quan tâm đến việc thu thập và tường thuật chính xác thông tin cho mọi người, mà là tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc lưu hành trên mạng xã hội những thông tin sai lệch bắt chước phong cách của tin tức báo chí. Không loại trừ trường hợp toà soạn báo chí mắc lỗi nghiệp vụ và vô tình phát hành tin tức sai lệch, nhưng phát hành tin giả không phải là mục đích của báo chí, và thông thường báo chí phải nhận lãnh trách nhiệm cải chính nếu đăng tin sai lệch.
Cũng không loại trừ trường hợp, báo chí vì lao theo cuộc chạy đua về tốc độ đưa tin và cạnh tranh công chúng với truyền thông xã hội nên đã tự mình rời bỏ lập trường và tiêu chuẩn hành nghề báo chí chuyên nghiệp để tham gia vào “cuộc chơi” đưa tin tức thiếu trách nhiệm. Tình trạng này xét trên góc độ kinh tế báo chí, chẳng khác nào các doanh nghiệp sản xuất tự mình sản xuất “hàng dỏm”.
“Số lượng các bên liên quan đến tin tức và quá trình sản xuất, phân phối tin tức trên môi trường truyền thông số đã được thêm vào khá nhiều kể từ khi truyền thông xã hội phát triển, khiến cho tình hình trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Các phương tiện truyền thông mới càng phát triển, sức mạnh của truyền thông xã hội (social media) càng được khuếch đại, thậm chí tới mức gây mất kiểm soát môi trường thông tin. Một tin tức gốc phát hành có thể tạo ra hàng loạt phiên bản tốt xấu tiếp theo và ảnh hưởng đến cộng đồng người dùng rất khó lường” - TS. Huỳnh Văn Thông chia sẻ.
Trên thực tế, trong không ít trường hợp, báo chí tham gia vào việc vạch trần một tin giả nào đó cũng không chắc đã giúp công chúng điều chỉnh lại nhận thức của mình. Điều này khiến báo chí truyền thống vốn được xem là đại diện cho sự thật bỗng dưng bị “tước mất” vai trò xã hội, không đủ uy tín để xác nhận cái gì là sự thật hay không là sự thật.
Một thách thức nữa là sự rối loạn thông tin trong môi trương internet. Thực tế rối loạn thông tin trên môi trường thông tin internet hiện nay có thể được ví von với cái gọi là “chợ trời tin tức” - nơi mà “thượng càng hạ cám” các loại thông tin, tin tức đều có cơ hội “ra mắt”, “chào mời” và tiếp cận đến từng cá nhân độc giả một cách quá dễ dàng.
Điều này đã góp phần tạo thêm áp lực to lớn đối với cơ quan báo chí truyền thống trong cạnh tranh kinh tế báo chí từ quảng cáo cũng như việc “bán” thông tin. Công chúng liệu còn chấp nhận bỏ tiền ra để mua tin tức và trở thành “khách hàng” của báo chí trong bối cảnh mà họ có rất nhiều thông tin thay thế với mức chi phí rẻ hơn rất nhiều, và thông tin được họ cảm nhận là đa dạng hơn rất nhiều từ các nguồn tin truyền thông xã hội?
“Trên thực tế, tác động của sự rối loạn thông tin đến sự tồn vong của báo chí là vô cùng nghiêm trọng. Báo chí gần như mất trắng những mục doanh thu liên quan đến việc “bán” các loại nội dung tin tức đáng giá. Sức hút của báo chí giảm, công chúng giảm, và điều khó tránh khỏi là doanh thu từ quảng cáo sụt giảm mạnh” - TS. Huỳnh Văn Thông nhận định.
Bên cạnh đó, báo chí còn phải đối mặt với thách thức về năng lực cạnh tranh của báo chí trên thị trường tin tức. Theo TS. Huỳnh Văn Thông, các nhà nghiên cứu cho rằng “sự chú ý” của công chúng là điều vô cùng quy giá trong thị trường truyền thông hiện nay. Sự chú ý của công chúng trở thành “sản phẩm”, thành “món hàng” để các hãng công nghệ lớn đang điều hành nền tảng “bán” lại cho các nhà quảng cáo. Các hãng công nghệ càng có nhiều dữ liệu về công chúng, với những hỗ trợ phân tích mạnh mẽ của các thuật toán sắc bén, sẽ càng có thêm hấp lực để lôi kéo các nhà quảng cáo chuyển dòng tiền sang phía họ. Thị trường quảng cáo định hình lại theo hướng ngắc nghiệt đối với báo chí.
Dưới góc nhìn kinh tế, nội dung báo chí không phải là “hàng hóa” duy nhất của các “doanh nghiệp” báo chí. Lượng công chúng và sự tập trung chú ý của họ là “món hàng” có thể tạo ra một biên độ rộng hơn cho hoạt động kinh doanh và tìm kiếm lợi nhuận của các “doanh nghiệp” báo chí. Các hãng công nghệ đang sở hữu và điều hành các nền tảng kết nối với số đông công chúng trên thực tế đã giành được vị trí “thống trị” trong việc phân phối nội dung thông tin bằng cách thu hút sự chú ý của người dùng. Do đó, họ “bán” công chúng như một “món hàng” trên thị trường. Điều này gây ra những tác động mạnh làm lung lay mô hình kinh doanh dựa trên doanh thu quảng cáo của các cơ quan báo chí.
Giải pháp thích ứng
Báo chí trên thực tế đang phải trải qua một giai đoạn “lột xác” để kịp chuyển đổi trước thời cuộc. Báo chí cần phải suy nghĩ để tìm phương kế mới trong cách sản xuất và phân phối nội dung, cũng như mối quan giữa nội dung với công chúng. Điều này đòi hỏi những sự chuyển đổi can đảm mà hệ thống quản lý của nhà nước cũng như bản thân các doanh nghiệp báo chí cần thực hiện.
Theo TS. Huỳnh Văn Thông, các cơ quan báo chí nên bắt đầu suy nghĩ đến vấn đề làm sao để công chúng khi bỏ tiền ra mua báo sẽ không nghĩ rằng mình “dại” vì chọn cách tiếp cận thông tin “ngược đời” trong bối cảnh mà thông tin, tin tức đầy rẫy môi trường internet. Điều này đòi hỏi thực tế cơ quan báo chí phải cải tiến triệt để, hết sức mạnh mẽ về nội dung. “Các tòa soạn báo in nên mạnh dạn quên đi tiền bán báo, thậm chí nên sẵn sàng cho kịch bản không in báo nữa. Đương nhiên, kịch bản không in báo nữa phải được chuẩn bị trong một tầm nhìn đầy đủ về chuyển đổi số của doanh nghiệp báo chí - mà linh hồn của cuộc chuyển đổi số này không phải là tập trung vào khâu tác nghiệp tòa soạn, mà là tập trung vào mối quan hệ nội dung - công chúng trên môi trường số. Cơ cấu “phí tường” (paywal) của báo mạng cũng phải được cân nhắc để sử dụng nhiều hơn các hình thức mềm (soft paywall) hoặc linh hoạt (freemium paywall, dynamic paywall). Truyền hình cũng cần cách tiếp cận tương tự” - TS. Huỳnh Văn Thông chia sẻ.
TS. Huỳnh Văn Thông đồng thời cho rằng, cách làm việc của cơ quan báo chí với các nhà quảng cáo cũng phải thay đổi. Các cơ quan báo chí cần nghiên cứu phát triển các công cụ tương tác trực tuyến. Thông qua công cụ đó, kiểm soát được và cho phép nhà quảng cáo chủ động khai thác các cơ hội quảng cáo trên kênh báo chí của mình.
Chẳng hạn, doanh nghiệp bất kỳ có thể đăng ký tài khoản khai thác quảng cáo trên hệ thống ERP của cơ quan báo chí; được cung cấp theo thời gian thực các bộ dữ liệu thống kê liên quan đến tệp công chúng liên quan và được “chớp thời cơ” đẩy quảng cáo lên kênh của cơ quan báo chí đó theo nguyên tắc cạnh tranh. Kịch bản đó sẽ hấp dẫn các doanh nghiệp nhiều hơn, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều quan trọng nhất, là chiến lược sống còn đối với các cơ quan báo chí trong thị trường hiện tại là tìm cách lấy lại quyền kiểm soát và quyền tự chủ đối với nội dung và độc giả của mình.
Mặt khác, các cơ quan quản lý nên theo đuổi vấn đề quản lý môi trường thông tin thông qua việc xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm thiết kế lại một thị trường hạn chế với ít đối thủ cạnh tranh, có thể phân định các phân khúc hợp lý. Hay nói cách khác, các cơ quan quản lý chúng ta cần nghĩ đến việc tổ chức một thị trường có tính tập trung hơn, phù hợp với mệnh đề “kinh tế thị trường có định hướng”. “Đó là lý do tại sao nhiều quốc gia chỉ có một vài tờ báo quốc gia và khu vực, một vài kênh phát thanh và truyền hình. Đó cũng là lý do mà các tỉnh thành ở Việt Nam nên nghĩ đến kịch bản sáp nhập các cơ quan báo in, đài phát thanh và đài truyền hình thành một thể chế truyền thông duy nhất ở địa phương. Qua đó, giảm tình trạng phân mảnh thị trường truyền thông ngay tại địa phương đó” - TS. Huỳnh Văn Thông nhận định.
Trên thực tế, chủ trương sát nhập các cơ quan báo chí của Ban tuyên giáo Trung ương đã và đang được đẩy mạnh thực hiện là một bước tiến tích cực nhằm ổn định môi trường thông tin. Qua đó, tăng cường năng lực cho các cơ quan báo chí, cả về góc độ đẩy mạnh hoạt động kinh tế báo chí lẫn hoạt động cung cấp nội dung thông tin. Ngoài ra, việc tăng cường áp đặt thêm các khuôn khổ kiểm soát quốc gia đối với các nền tảng công nghệ truyền thông xuyên biên giới như Facebook, Google… là việc rất đáng để đặt vào tầm chiến lược quốc gia. Từ đó, tạo ra một thị trường cạnh tranh công bằng hơn giữa báo chí với các nền tảng truyền thông xã hội.