Châu Âu cần có tầm nhìn dài hạn về năng lượng để vượt qua thách thức
Theo đó, trước khi xung đột Ukraine nổ ra, Nga là nước cung cấp 45% khí đốt nhập khẩu của EU và 40% khí đốt tiêu thụ tại khối này mỗi năm. Vấn đề về an ninh năng lượng châu Âu phát sinh khi nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn, khiến lượng khí đốt dự trữ của các năm 2021 và 2022 thấp hơn dự kiến.
Hiện tỷ lệ khí đốt nhập khẩu từ Nga vào EU giảm xuống chỉ còn khoảng 10%. Những yếu tố này đã gây xáo trộn đáng kể thị trường năng lượng EU trong năm ngoái, đẩy giá lên cao và đặt ra câu hỏi về cách EU vượt qua mùa Đông giá lạnh.
Nguồn cung năng lượng cho thị trường châu Âu vẫn đang là bài toán nan giải với các nhà quản lý ở "Lục địa già".
Còn Ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng Kadri Simson đánh giá EU đang bước qua mùa Đông đầu tiên thiếu nguồn cung năng lượng của Nga mà không có quá nhiều gián đoạn như lo ngại trước đó, tuy nhiên lưu ý vẫn còn rất nhiều việc cần làm để đảm bảo an ninh năng lượng trong tương lai.
Theo bà Kadri Simson, EU đã “an toàn” qua những tháng lạnh nhất và sắp bước qua mùa Đông (thường kéo dài từ 1/10-31/3) mà không phải chịu những gián đoạn quá nghiêm trọng.
Lượng khí đốt dự trữ vẫn còn lại hơn 50%, gần gấp đôi mức ghi nhận cùng kỳ năm ngoái. Việc tìm kiếm các nguồn cung thay thế là một trong những cách EU đã xoay xở để ứng phó với tình trạng khan hiếm khí đốt trong năm qua, trong đó khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ sang đã tăng gấp đôi.
Bên cạnh đó, năng lượng tái tạo cũng được coi là chìa khóa mở cánh cửa giải phóng EU khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt Nga, với các cơ sở sản xuất gần 50 gigawatt công suất mới, chủ yếu là từ năng lượng mặt trời và gió, đã được lắp đặt trong năm 2022. Một biện pháp khác giúp châu Âu an toàn trong mùa Đông là giảm tiêu thụ khí đốt.
Năm 2022, trước nguy cơ đối mặt với mùa Đông khắc nghiệt và nguồn cung khan hiếm, các nước EU đã nhất trí tự nguyện giảm 15% mức tiêu thụ khí đốt. Bà Simson cho biết các nước EU đã thực hiện vượt chỉ tiêu khi giảm được khoảng 19% nhu cầu.
Theo bà Simson, dù xét trên nhiều tiêu chuẩn, EU hiện đã giảm phụ thuộc vào Nga và an ninh năng lượng đã mạnh hơn so với 1 năm trước nhưng khó khăn vẫn chưa qua, “chúng ta mới chỉ chiến thắng trận đầu và vẫn còn một quá trình đấu tranh dài phía trước”.
Ủy viên năng lượng châu Âu cảnh báo các nước EU không nên chủ quan, cần tăng năng lượng tái tạo và tích cực hợp tác với các đối tác quốc tế để đảm bảo nguồn cung khí đốt trong năm 2023.
Năng lượng tái tạo được xem như nguồn cung vô tận với châu Âu.
Bộ trưởng Năng lượng Thụy Điển Ebba Busch cũng thừa nhận dù EU đã đạt bước tiến lớn trong đảm bảo nguồn cung năng lượng kể từ khi xung đột nổ ra, nhưng rõ ràng là khó khăn vẫn chưa qua và mùa Đông tới sẽ mang theo những thách thức mới. Do đó, EU cần đảm bảo nguồn cung càng sớm càng tốt.
Bà Simson nêu rõ để củng cố an ninh năng lượng, EU cần nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung, khai thác thêm năng lượng tái tạo, giảm nhu cầu sử dụng và đảm bảo có đủ khí đốt để vượt qua mùa Đông năm sau.
Ủy viên châu Âu cũng nhấn mạnh tới các biện pháp giảm nhu cầu và coi đây là chìa khóa đảm bảo EU chuẩn bị tốt cho mùa Đông tới cũng như đạt mục tiêu công suất dự trữ 90% vào đầu tháng 11/2023. Các thị trường LNG sẽ vẫn “rất cạnh tranh” khi nguồn cung từ Nga tiếp tục gián đoạn trong khi thị trường Trung Quốc khôi phục trở lại sau đại dịch COVID-19.
Trong khi tìm cách đảm bảo nguồn cung năng lượng, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đang hướng đến những cải cách thị trường điện của EU nhằm tránh để hóa đơn điện bị neo theo giá nhiên liệu hóa thạch.
Bà Simson thừa nhận thị trường điện EU đã không có khả năng bảo vệ khách hàng trước ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng trên thị trường khí đốt, dẫn tới tình trạng giá điện tăng mạnh trong 2 năm qua.
Tuy nhiên, vấn đề cải cách thị trường điện ở cấp độ nào hay thậm chí là có cần cải cách hay không lại đang gây chia rẽ sâu sắc trong EU. Các nước ủng hộ cải cách như Pháp và Tây Ban Nha cho rằng biện pháp này giúp giảm giá điện, đảm bảo các khoản đầu tư cho năng lượng phát thải thấp như năng lượng tái tạo năng lượng hạt nhân.
Trong đó, 11 nước thành viên EU, trong đó có Pháp, Hà Lan, Phần Lan…đã cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, ủng hộ triển khai các dự án mới song song với các nhà máy hiện có. Trước hội nghị, Pháp từng đề đạt ý tưởng về một liên minh hạt nhân trong EU.
Ngược lại, các nước phản đối như Đức gọi việc cải cách thị trường sâu rộng có thể gây khủng hoảng, đồng thời khẳng định thị trường điện hiện nay đang hoạt động tốt.
Cải cách sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư, gây rủi ro tới các khoản đầu tư hàng trăm tỷ euro cho các dự án năng lượng tái tạo mà EU đang rất cần để thoát phụ thuộc khí đốt Nga và đạt các mục tiêu khí hậu.
Đức cùng một số quốc gia khác cũng phản đối ý tưởng cải cách thị trường điện dựa vào năng lượng hạt nhân vì cho rằng không thể giúp EU đạt được tiến độ cần thiết trong hành động vì khí hậu hay đảm bảo an ninh năng lượng khi mất tới 15 năm để xây dựng các nhà máy hạt nhân mới.
Báo cáo được tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở ở Brussels (Bỉ) công bố tháng 2 vừa qua cho thấy các nước EU đã chi gần 800 tỷ euro (854 tỷ USD) để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp chi trả hóa đơn năng lượng tăng vọt.
Bruegel đánh giá chính phủ các nước EU hiện tập trung vào các biện pháp hỗ trợ không có mục tiêu cụ thể, chẳng hạn như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với xăng dầu hoặc áp mức trần giá điện bán lẻ.
Thực tế là thời tiết tương đối ôn hòa trong mùa Đông này đã góp phần giúp các nước tránh được cuộc khủng hoảng năng lượng, song việc chưa thể tự chủ về năng lượng sẽ tiếp tục tạo ra thách thức đáng kể đối với EU trong tương lai