Cơ sở dữ liệu chuyên ngành: Trọng tâm cho sự phát triển kinh tế xã hội
Thực hiện nghi thức kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai
Trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, CSDLCN đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa quy trình và tài nguyên. Việc áp dụng CSDLCN giúp cung cấp thông tin chính xác và minh bạch, tăng cường sự kết nối giữa các bộ, ban, ngành và địa phương, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng tài nguyên. Điều này góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho sự đổi mới, sáng tạo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành
Quyết định số 27-QĐ/TW, ngày 10-8-2021 của Ban Bí thư về việc ban hành Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan đảng giai đoạn 2021-2025 nêu rõ mục tiêu tổng quát: “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc và cải cách hành chính trong Đảng; tăng cường kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu, phát triển, nâng cấp các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng, hỗ trợ tích cực, hiệu quả cho công tác tham mưu, thông tin, phục vụ và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tại các cơ quan đảng, đồng thời, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan đảng phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia”.
Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Năm 2023 sẽ là năm về dữ liệu
Trong Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 02/2023 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã định hướng nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, Bộ TT&TT phải làm rõ nội hàm, phân công nhiệm vụ cho các đơn vị trong Bộ, cho các Bộ, ngành và địa phương. Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số (CĐS) sẽ ban hành kế hoạch năm 2023, trong đó có nội dung năm dữ liệu.
Bộ TT&TT cho biết, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) đã được xây dựng, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương. Đến nay, nền tảng NDXP đã kết nối với hệ thống của 90 cơ quan, đơn vị, trong đó có 85 LGSP của bộ, ngành, địa phương, 10 cơ sở dữ liệu và 8 hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ trung ương đến địa phương. Tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP trong năm 2022 là 876 triệu giao dịch, tăng 4,86 lần so với năm 2021. Trung bình 1 ngày có 2,4 triệu giao dịch.
Tầm quan trọng của cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong phát triển kinh tế xã hội
Tại Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam-châu Á 2023 với chủ đề "Khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) tổ chức trong tháng 5 vừa qua, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Vinasa chia sẻ, để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, Việt Nam cần một chiến lược tổng thể dữ liệu số quốc gia. Chiến lược là phương pháp luận và kế hoạch tạo, kết nối và dùng dữ liệu để đạt mục tiêu thúc đẩy kinh tế-xã hội.
Theo đó, CSDLCN đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội. Việc đưa ra quyết định thông minh, tối ưu hóa tài nguyên và phân tích xu hướng từ dữ liệu chuyên ngành sẽ giúp định hình chiến lược phát triển cho các lĩnh vực kinh tế xã hội. Không chỉ trong phạm vi quốc gia, nó còn đóng vai trò quan trọng trong quan hệ hợp tác quốc tế và phát triển bền vững. Việc chia sẻ thông tin chuyên ngành với các đối tác quốc tế giúp tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội toàn cầu.
Chủ tịch Vinasa Nguyễn Văn Khoa phát biểu khai mạc Diễn đàn cấp cao chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2023
Trong lĩnh vực công nghiệp và công nghệ, CSDLCN thúc đẩy quá trình đổi mới và phát triển. Chẳng hạn, các sở Khoa học và Công nghệ của các tỉnh đã xây dựng hệ thống quản lý nghiên cứu và phát triển dựa trên cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Điều này giúp tăng cường chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sáng tạo và đổi mới, từ đó nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển của địa phương.
Thời gian qua, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và doanh nghiệp giao dịch với hành chính công, đồng thời tăng cường sự truy cập thông tin và giảm thiểu thời gian xử lý hồ sơ. Bộ Nội vụ đã triển khai hệ thống quản lý hành chính công dựa trên cơ sở dữ liệu chuyên ngành, giúp giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng cường tính minh bạch và tiện lợi trong xử lý hồ sơ.
Với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, CSDLCN Y tế đã giúp cải thiện chất lượng các dịch vụ. Ngày 18/5/2023 vừa qua, tỉnh An Giang đã ra mắt Trung tâm Điều hành thông minh và cơ sở dữ liệu chuyên ngành y tế. Trung tâm được xây dựng với nhiều chức năng trên mọi lĩnh vực điều hành quản lý của ngành y tế, như: Cơ sở dữ liệu khám, chữa bệnh được tiếp nhận tự động qua API theo thời gian thực; số liệu theo Đề án 06/CP lĩnh vực y tế…; biểu đồ về số liệu sức khỏe sinh sản và công tác quản lý, điều hành của sở y tế…
Hệ thống quản lý thông tin bệnh nhân và lịch trình khám chữa bệnh dựa trên CSDLCN đã giúp nâng cao sự liên kết giữa các bệnh viện, phòng khám và người dùng, đồng thời cung cấp thông tin y tế chính xác và chi tiết cho các chuyên gia y tế. Điều này giúp cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe, đồng thời tối ưu hóa quy trình điều trị và theo dõi bệnh nhân.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, CSDLCN giúp nâng cao năng suất nông nghiệp, giảm thiểu rủi ro và lãng phí, đồng thời tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững. Còn với lĩnh vực quản lý đầu tư công, thông qua CSDLCN giúp tăng cường quản lý, thu hút đầu tư và phát triển khu công nghiệp, tạo ra cơ sở vững chắc cho sự phát triển công nghiệp, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho cộng đồng.
CSDLCN đã và đang đóng vai trò trọng tâm trong sự phát triển kinh tế xã hội. Từ các Bộ, ban, ngành cho đến địa phương, việc ứng dụng hiệu quả CSDLCN đã tạo nên nhiều thành tựu đáng kể, từ việc tăng cường quản lý hành chính công, đổi mới công nghiệp, cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe, thúc đẩy sự phát triển bền vững của nông nghiệp đến tối ưu hóa quản lý đầu tư công.
Tuy nhiên, để khai thác toàn bộ tiềm năng của CSDLCN, cần sự tập trung và đồng thuận từ tất cả các bên liên quan. Các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức cần hợp tác một cách chặt chẽ để chia sẻ thông tin, tạo ra cơ sở dữ liệu chuyên ngành toàn diện và liên kết. Đồng thời, đảm bảo rằng các cơ sở dữ liệu này được bảo mật và tuân thủ các quy định về quyền riêng tư và bảo vệ thông tin.
Ngoài ra, để ứng dụng và xây dựng CSDLCN hiệu quả, cần có sự đầu tư và chú trọng đến việc xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo bảo mật thông tin và đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế pháp lý rõ ràng và liên kết giữa các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để tạo sự thống nhất và khả năng chia sẻ thông tin. Điều này sẽ đảm bảo khả năng tận dụng hết tiềm năng của cơ sở dữ liệu này trong quá trình phát triển kinh tế xã hội.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí Điện tử và Ứng dụng số 06 tháng 06/2023).