Hướng tới phát triển giao dịch điện tử toàn diện
TS. Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam, nêu ý kiến phản biện, góp ý Dự thảo 6 Luật Giao dịch điện tử. Ảnh: Lê Hồng
TS. Trần Đức Lai thẳng thắn nhìn nhận: "Luật Giao dịch điện tử được ban hành năm 2005, sau 17 năm triển khai thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập cả về tính quy phạm pháp luật cũng như việc triển khai đưa Luật vào cuộc sống, do vậy việc sửa đổi, bổ sung Luật này là rất cần thiết".
Ông dẫn chứng, thời gian qua nhiều chủ trương chính sách mới của Đảng, hệ thống pháp luật mới của Nhà nước đã được ban hành như: Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết 52 NQ-TW về cuộc cách mạng 4.0; Các Luật An toàn thông tin, An ninh mạng, Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia: xây dựng Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số…
Trong khi đó, Lĩnh vực khoa học công nghệ về Điện tử - Viễn thông - Công nghệ thông tin đã có sự phát triển vượt bậc, tác động mạnh mẽ tới các hoạt động về giao dịch, kinh doanh, quản lý trên môi trường điện tử, đặc biệt chữ ký số chống giả mạo cao hơn chữ ký tay, nhận dạng khuôn mặt bằng máy có độ chính xác cao hơn mắt thường, các cơ sở dữ liệu số đã trở thành cốt lõi, các nền tảng số trở nên phổ biến hơn và đặc biệt hiện nay các nền tảng số phục vụ kinh doanh, giao dịch điện tử đã được phát triển khá mạnh mẽ và được sử dụng khá rộng rãi, song chưa có luật nào quy định tính pháp lý một cách đầy đủ và đồng bộ.
Các nhà khoa học, chuyên gia tham gia Hội thảo. Ảnh: Lê Hồng
Các vấn đề cụ thể, được Chủ tịch REV đưa ra Hội thảo, để góp ý, hoàn thiện Dự thảo 6 Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Theo đó, Ông nhấn mạnh: "Nhiều nội dung trong Luật Giao dịch điện tử năm 2005 chưa phù hợp với thực tế hiện nay cả về phạm vi điều chỉnh (Dẫn Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Phạm vi điều chỉnh đã đưa ra các loại trừ khá lớn như: Chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng nhà, văn bản thừa kế, khai sinh, khai tử...) và trong các điều khoản đã được quy định tại Luật 2005 tính pháp lý chưa cao".
Về Phạm vi điều chỉnh, TS. Trần Đức Lai ủng hộ quan điểm của Ban soạn thảo là áp dụng cho tất cả các hoạt động của đời sống xã hội, không loại trừ các lĩnh vực như đất đai, thừa kế, ly hôn, kết hôn… như Luật 2005 đã quy định.
Ông đề nghị Ban soạn thảo xem xét tên gọi của Luật (sửa đổi), Ông gợi ý tên gọi nên là “Luật Giao dịch điện tử ( sửa đổi)” hoặc “Luật Giao dịch điện tử 2023” để sau này khi đưa Luật vào cuộc sống, người dân khi tra cứu tránh nhầm lẫn với luật 2005, hoặc trong quá trình giao thời Luật 2005 vẫn áp dụng (như đã nêu trong Điều khoản chuyển tiếp).
Về Đối tượng áp dụng Dự thảo luật cần rõ hơn nữa; Luật có quy định đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài không; tổ chức, cá nhân từ bên ngoài thực hiện giao dịch điển tử với trong nước có phải theo luật này không? Ông khẳng định rằng Đối tượng áp dụng nên áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan tới hoạt động giao dịch điện tử tại Việt Nam.
Chủ tịch REV nhận định đây là Luật khá mới và rất chuyên ngành đối với toàn xã hội, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung vào Điều Giải thích từ ngữ một số thuật ngữ tương đối mới, lạ được sử dụng trong Luật, đồng thời đề nghị xem xét đưa các nội dung có tính chất định nghĩa trong các điều lên phần giải thích từ ngữ, trong các điều chỉ nêu các hành vi có quy quy phạm pháp luật, cụ thể như: Hạ tầng công nghệ, Chữ ký điện tử dùng riêng, chữ ký điện tử nước ngoài, chữ ký số công cộng, chữ ký số chuyên dùng, tài khoản định danh điện tử, tài khoản giao dịch điện tử, dịch vụ tin cậy…
Ông cũng đưa ra các vấn đề Dự thảo chưa đề cập hoặc có nêu nhưng không rõ như: các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của cơ sở dữ liệu, các vấn đề liên thông dữ liệu…; trách nhiện của các doanh nghiệp trong xây dựng, quản lý, cung cấp cơ sở hạ tầng phục vụ giao dịch điện tử… Nên xem xét để có một số điều nêu nguyên tắc để thuận lợi cho hướng dẫn của Chính phủ sau này. Đề nghị Ban soạn thảo rà soát bổ sung giao cho cơ quan ban nghành xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật... liên quan tới các hoạt động giao dịch điện tử.
Ngoài ra, cần làm rõ "Tổ chức chứng thực điện tử quốc gia" được đề cập tại Điều 32.4.
Trong khuôn khổ Hội thảo, Các đại biểu nhất trí cho rằng, về tổng thể, dự án Luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tương đối thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành và đặc biệt khá tương thích với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, dự án Luật tác động rất nhiều đến người dân và doanh nghiệp, vì vậy cần làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh, về đối tượng áp dụng. Đặc biệt, tại điều 43 về kết nối, chia sẻ dữ liệu, các đại biểu cho rằng, quy định còn chung chung mà chưa có sự rõ ràng, cụ thể trong áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ chế kết nối chia sẻ dữ liệu của các nền tảng số; sự thừa nhận lẫn nhau để thực hiện giao dịch điện tử...
Chia sẻ tại Hội thảo, Ông Phan Xuân Dũng Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam bày tỏ hoan nghênh các ý kiến đóng góp thẳng thắn, khách quan và cho biết, Liên hiệp Hội Việt Nam sẽ tổng hợp để gửi tới Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp tới.