Những bước đi cần thiết trong quá trình chuyển đổi số báo chí Việt Nam

Những bước đi cần thiết trong quá trình chuyển đổi số báo chí Việt Nam

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt tháng 6/2020, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí cũng được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong lĩnh vực báo chí, chuyển đổi số là một bước ngoặt, tạo cơ hội thay đổi toàn diện về chất của tờ báo và tiếp nhận của công chúng, nhưng đồng thời cũng đem đến cho báo chí nhiều thách thức, khó khăn, buộc phải có giải pháp cần thiết đối với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và cơ quan báo chí.

Chuyển đổi số báo chí, tap chi dien tu va ung dung

Chuyển đổi số đang tác động vào tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội, tạo nên đột phá to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và đời sống con người, trong đó có phát triển báo chí truyền thông. Trong lĩnh vực báo chí, chuyển đổi số không đơn giản chỉ là quá trình số hóa và nâng cấp mức độ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động truyền thông, mà là một bước ngoặt tạo nên sự thay đổi toàn diện hoạt động của cơ quan báo chí, từ mô hình toà soạn, tổ chức bộ máy, tác nghiệp của nhà báo, hướng phát triển nội dung đến tiếp thị công chúng đến hoạt động quản lý nhà nước về báo chí…

Tại Việt Nam, chuyển đổi số báo chí nằm trong lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, đây là một hành trình không đơn giản, vấp phải nhiều rào cản, thách thức. Việc nhận diện các rào cản, thách thức là rất cần thiết đối với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và cơ quan báo chí.

Chuyển đổi số báo chí, tap chi dien tu va ung dung

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm đánh giá chỉ trong hai năm qua, nhận thức về CĐS báo chí đã có bước phát triển vượt bậc

Theo đó, chuyển đổi số báo chí cần tập trung vào bám sát quy hoạch báo chí 2019 và Quyết định 348/QĐ-TTg ngày 6/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Các cơ quan báo chí hoạt động vận hành theo mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học và công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số, cơ quan báo chí đưa nội dung trên các nền tảng số và ứng dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tập trung, ứng dụng trí thông minh nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Do đó, cần quan tâm triển khai một số vấn đề sau:

Một là, hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về chuyển đổi số đối với cơ quan báo chí và các cơ quan quản lý nhà nước như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan có liên quan theo hướng hiện đại, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện rà soát, xây dựng, đề xuất sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật về báo chí truyền thông và các văn bản có liên quan nhằm thúc đẩy, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của các cơ quan báo chí vừa tổng thể vừa toàn diện vừa chi tiết để tạo nền tảng và hành lang pháp lý thông thoáng cho sự phát triển của các cơ quan báo chí.

Hai là, tổ chức tòa soạn theo hướng hội tụ công nghệ và nội dung. Hội tụ công nghệ và nội dung hướng tới việc tập trung cách thức quản lý, cách thức tổ chức sản xuất các sản phẩm báo chí truyền thông và sự kết hợp các phương tiện truyền thông nhằm cung cấp một nền tảng thống nhất tại cơ quan báo chí truyền thông từ chức năng, phương thức phát hành, quyền sở hữu, hình thái tổ chức…, từ đó xây dựng các tuyến bài đáp ứng các nhu cầu, đúng thời điểm của công chúng đồng thời bảo vệ hoạt động của cơ quan báo chí trên môi trường số.

Ba là, phát triển các sản phẩm báo chí đa nền tảng, đa dịch vụ và đa phương tiện. Trên cơ sở phát triển các sản phẩm báo chí bằng nhiều phương tiện như viết, nghe, nhìn, trực tuyến và có thể trải nghiệm qua nhiều hình thức trình diễn như nội dung, hình ảnh, video, đồ họa, âm thanh trên một sản phẩm báo chí, đồng thời, phát triển các dòng sản phẩm báo chí truyền thông dựa trên nền tảng số, công cụ số để hình thành báo chí số; ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn để sản xuất nội dung phù hợp với nhiều nền tảng khác nhau nhằm tiếp cận hiệu quả với công chúng.

Bốn là, phát triển nội dung số, trong đó ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm báo chí số, thay đổi cách thức tổ chức sản xuất nội dung số và nâng cao chất lượng trải nghiệm của công chúng trên môi trường số mọi lúc mọi nơi. Đồng thời cần tiếp cận và triển khai hình thức cá nhân hóa và tùy biến các sản phẩm báo chí truyền thông. Khi báo chí truyền thông dựa trên internet và công nghệ số, việc thông tin tự tìm đến với công chúng làm cho vấn đề cá nhân hóa và tùy biến để đáp ứng nhu cầu của từng công chúng.

Năm là, phát triển kinh tế báo chí truyền thông theo hướng tự chủ của các cơ quan báo chí. Hoạt động kinh tế báo chí truyền thông cần đảm bảo phù hợp với pháp luật và tôn chỉ, mục đích cũng như đảm bảo nhiệm vụ chính trị. Cần có các giải pháp đồng bộ khi các sản phẩm báo chí được tham gia thị trường như một loại hàng hóa đặc biệt, đồng thời có hành lang pháp lý để hoạt động quảng cáo của cơ quan báo chí đi vào thực chất, hiệu quả. 

Sáu là, chú trọng phát triển nguồn nhân lực báo chí truyền thông. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành báo chí tập trung cập nhật kiến thức, kỹ năng tác nghiệp trong môi trường báo chí số trong các chương trình đào tạo cho sinh viên hệ đại học và các hệ sau đại học. Cần xây dựng kế hoạch, chiến lược đào tạo và đào tạo lại đối với nhà báo theo nhiều hình thức khác nhau theo hướng tăng cường về mục tiêu, nội dung, bám sát sự phát triển và xu thế của báo chí hiện đại, nâng cao tính chủ động và kỹ năng của nhà báo.

Bảy là, cần sớm hình thành nền tảng báo chí số quốc gia. Trong đó, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng báo chí số quốc gia, chia sẻ và triển khai các dịch vụ trên môi trường mạng cho phép các cơ quan báo chí cùng tham gia, giao dịch, cung cấp dịch vụ theo hướng đơn giản, thuận tiện, theo yêu cầu của các cơ quan báo chí, từ đó hình thành hệ sinh tái nền tảng số cho hệ thống các cơ quan báo chí Việt Nam nhằm cho phép kết nối các cơ quan báo chí để có thể phát triển và chia sẻ dữ liệu rộng khắp trên cơ sở tận dụng nguồn lực, dữ liệu của các cơ quan báo chí.

Tám là, thực hiện hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. Các cơ quan báo chí truyền thông cần tăng cường hợp tác với các cơ quan báo chí trong và ngoài nước nhằm hướng tới việc chia sẻ tri thức, trao đổi kinh nghiệm và giao lưu để phát triển hoạt động báo chí phù hợp với tôn chỉ, mục đích, nhân văn, hiện đại vừa tiếp cận với cái mới vừa đảm bảo an toàn, an ninh và chủ quyền quốc gia.

Có thể khẳng định, chuyển đổi số đang dẫn dắt báo chí khai phá tiềm năng truyền thông lớn mạnh, nhờ vào các nền tảng công nghệ tân tiến, năng lực vô hạn của con người. Theo đó, với quyết tâm của các cơ quan quản lý cùng sự chủ động chuẩn bị của các cơ quan báo chí, việc chuyển đổi số báo chí sẽ thành công và đem lại nhiều lợi ích to lớn. Đây cũng chính là bước đi cần thiết để phát triển một nền báo chí Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí Điện tử và Ứng dụng số 06 tháng 12/2023).