Quản lý việc bán thuốc online sẽ thế nào trong thời gian tới?
Nhìn chung, việc bán thuốc trực tuyến là một lĩnh vực đang phát triển nhưng cũng đi kèm với nhiều rủi ro về an toàn sức khỏe. Để kiểm soát tốt, các quốc gia đều yêu cầu nhà thuốc trực tuyến phải có giấy phép và tuân thủ nghiêm ngặt quy định về việc bán thuốc kê đơn, đồng thời có các cơ chế xác minh và kiểm tra tính hợp pháp của nhà cung cấp. Ảnh: T.T.D.
Ông Nguyễn Hữu Trọng, Tổng Thư ký Hội Tin học y tế Việt Nam, cho biết các nước trên thế giới và trong khu vực đã triển khai bán thuốc online từ nhiều năm qua. Ví dụ những sàn thương mại điện tử hoặc những ứng dụng nổi tiếng thế giới như Amazon (toàn cầu), Uber (công ty vận tải bán cả thuốc) ở Mỹ, Trung Quốc có ứng dụng Wedoctor, Ấn Độ có 3 - 5 ứng dụng.
Tất cả những ứng dụng này đều ra mắt và triển khai vào cuộc sống từ những năm 2019 trước đại dịch COVID-19 vì nhu cầu mua thuốc online không phải chỉ phát sinh từ đại dịch.
Tại nhiều nước đặc biệt là Mỹ và châu Âu đang cho người bệnh tự đưa đơn thuốc của mình lên mạng để mua bán và chịu trách nhiệm về đơn mình đưa, không giám sát nguồn gốc đơn thuốc cho từng giao dịch. Chủ yếu trông vào sự chân thật, tôn trọng pháp luật và sự hiểu biết về sức khỏe của chính mình, của mỗi người bệnh.
Ở VN, bán thuốc online bắt đầu có từ những năm 2017 - 2018 và ngày càng phát triển mạnh. Có nhiều hình thức trá hình cho việc bán thuốc online để lách luật, để xóa dấu vết. Ví dụ như các chuỗi nhà thuốc đang cho mua thuốc, chọn thuốc trên website của chuỗi nhà thuốc đó.
"Nếu đơn thuốc là thuốc kê đơn sẽ gọi điện cho khách giao dịch trực tiếp và giao hàng. Một số ứng dụng di động khác... thì khi khách chọn thuốc sẽ giới thiệu khách với một nhà thuốc và nhà thuốc sẽ gọi điện thoại tư vấn rồi giao xe ôm giao hàng nếu khách muốn mua và nhiều hình thức khác.
Theo ước tính thị trường thuốc online VN tới năm 2024 đang đạt khoảng 5 - 8% thị phần bán thuốc và đang tăng trưởng không ngừng", ông Trọng dẫn chứng.
Ông Lê Việt Dũng, phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), thừa nhận kinh doanh thuốc khó nằm ngoài xu hướng mua bán online nên khi sửa đổi Luật Dược lần này, Bộ Y tế đã đề xuất các quy định liên quan phương thức kinh doanh online.
"Tuy nhiên, thuốc là hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng. Vì vậy việc mua bán online cần có hành lang pháp lý để tăng cường quản lý sao cho đảm bảo an toàn, hiệu quả cho người sử dụng", ông Dũng nói.
Quy định cụ thể, giám sát và xử phạt
Từ đề xuất nói trên, ông Lê Việt Dũng thông tin thêm đây là hình thức kinh doanh song song với bán hàng trực tiếp và buộc phải tuân thủ những quy định nhất định.
"Chẳng hạn phải đảm bảo thuốc có nguồn gốc xuất xứ, an toàn cho người dân và phải có nhân lực để hướng dẫn người dân sử dụng thuốc, có giấy phép hoạt động. Đồng thời dự thảo cũng giới hạn những loại thuốc kê đơn, thuốc hạn chế bán lẻ... không được phép kinh doanh online. Những nhà thuốc này chỉ được bán thuốc không kê đơn", ông Dũng nêu rõ.
Ông Nguyễn Hữu Trọng nhấn mạnh việc luật hóa và quản lý bán thuốc online cần triển khai ngay để cơ quan quản lý nhà nước quản được một cách thực sự các hoạt động này tránh tình trạng mua bán chui lủi, cơ quan chức năng không biết hoặc vô cùng khó bắt, khó phát hiện.
Khi có luật, Bộ Y tế phối hợp Bộ Công Thương để kiểm tra giám sát và công nhận công bố các ứng dụng, các sàn thương mại điện tử đáp ứng được quy định quản lý.
"Nhiều dược sĩ cho rằng muốn quản lý bán thuốc trên mạng tốt, đầu tiên phải cho nhà thuốc đăng ký bán thuốc trên mạng, từ đó cơ quan chức năng quản lý các nhà thuốc này. Ngoài ra, việc bán thuốc online cần đi theo một lộ trình, bắt đầu từ một nhóm thuốc nào đó để quản lý cho tốt, sau đó dần mở rộng sang những nhóm thuốc tiếp theo", ông Trọng kiến nghị.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga (Bộ Quốc phòng), cũng cho rằng đầu tiên phải quản lý được các cơ sở kinh doanh thuốc trên các sàn thương mại điện tử. Việc này cần có sự kết hợp của Cục Quản lý dược, Bộ Công Thương... kế đến phải đảm bảo được chất lượng thuốc, vận chuyển thuốc từ người bán đến tay người mua.
"Đặc biệt cần nâng cao nhận thức của người dân khi sử dụng thuốc. Dù là mua trực tiếp hay mua thuốc online, người dân cần hiểu loại thuốc đó có phải thuốc kê đơn hay không. Cần đòi hỏi việc giao hàng phải đảm bảo, lựa chọn các cơ sở uy tín để mua hàng", ông Hoàng khuyến cáo.
Đặt đề bài đến đâu sẽ có cách làm đến đó
Chia sẻ về việc quản lý bán thuốc online, bà Trần Thị Huyền, Trưởng Phòng pháp chế FPT Retail cho biết:
"Chúng tôi rất mong các cơ quan quản lý công bố quy định rõ ràng về điều kiện, để các cơ sở cung ứng thuốc nếu đạt được sẽ được mở rộng phạm vi cung ứng qua ứng dụng điện tử", bà Huyền nói.
Bà cũng đề nghị các cơ quan quản lý công bố công khai, minh bạch danh sách các đơn vị cung ứng đủ điều kiện lên các cổng thông tin của ngành y tế để người dân có thể dễ dàng tiếp cận và lựa chọn các địa chỉ mua thuốc uy tín, tin cậy, tiện lợi.
Trước nhiều ý kiến cho rằng việc bán thuốc kê đơn ở các nhà thuốc hiện nay còn chưa thực hiện kiểm soát được, nếu thuốc được bán online sẽ càng khó kiểm soát hơn, bà Huyền cho rằng thực tế, việc bán thuốc qua môi trường điện tử nếu đáp ứng đầy đủ các giải pháp trên còn an toàn và hiệu quả hơn hoạt động mua thuốc tại nhà thuốc hiện nay.
"Thực tế hiện nay nhiều người bệnh không thể ra nhà thuốc trực tiếp mua mà nhờ người nhà mang toa đi mua. Nếu thực hiện qua môi trường điện tử sẽ minh bạch và dễ dàng kiểm soát cho các cơ quan chức năng hơn rất nhiều như nội dung tư vấn có thể được ghi âm, vận chuyển thuốc có thể theo dõi hành trình chi tiết, việc giao nhận thuốc với người bệnh có đối chiếu qua hình ảnh, ký tá xác nhận về số lượng, chất lượng và lưu giữ bằng chứng trên môi trường điện tử phục vụ truy xuất vài tháng sau đó vẫn khả thi.
Đặc biệt nếu trong tình huống có sự cố ngoài ý muốn thì việc truy xuất đường đi của hàng hóa sẽ đơn giản và chính xác hơn rất nhiều", bà Huyền nói.