Thập kỷ rối ren của Eximbank 9 lần thay chủ tịch
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã chứng khoán: EIB) được thành lập vào ngày 24/5/1989 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/1990. Eximbank lúc đó là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên của Việt Nam.
Đây cũng là cái tên gắn với các tranh chấp thượng tầng suốt một thập kỷ trở lại đây. Những chia rẽ sâu sắc giữa các nhóm cổ đông khiến ngân hàng nhiều lần không thể tổ chức thành công đại hội để bầu Hội đồng quản trị (HĐQT).
Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) trở thành cổ đông chiến lược của Eximbank từ 2007, sau khi rót 225 triệu USD mua 15% cổ phần ngân hàng. Đây là thương vụ "mua rẻ" của SMBC khi chỉ phải mua mỗi cổ phiếu Eximbank trị giá 20.150 đồng, bằng 30% thị giá tại thời điểm đó.
Tập đoàn tài chính hàng đầu Nhật Bản từng cho rằng đây là "một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam". Thực tế, Eximbank cũng góp mặt trong câu lạc bộ lợi nhuận nghìn tỷ đồng của hệ thống ngân hàng khi năm 2011 lợi nhuận lên tới hơn 4.000 tỷ đồng.
Sau khi SMBC trở thành "người nhà" của Eximbank, cổ phiếu "vua" rơi vào cảnh lao đao. Dù vậy, ngân hàng đến từ Nhật Bản vẫn được "an ủi" bằng tỷ lệ cổ tức lớn mà Eximbank dành cho cổ đông.
Trong năm đầu tiên, Eximbank trả cổ tức lên đến 82,55%, trong đó 12% bằng tiền mặt và 70,55% bằng cổ phiếu. Như vậy, SMBC được nhận gần 230 tỷ đồng tiền mặt và hơn 133 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 3.600 tỷ đồng.
4 năm sau đó, dù không duy trì tỷ lệ cao như 2008 nhưng Eximbank vẫn giữ được cổ tức ở mức tương đối, lần lượt là 12% (2009), 13,5% (2010), 19,3% (2011) và 13,5% (2012).
2013 là năm bản lề khi tỷ lệ chia cổ tức tại Eximbank lao dốc, chỉ còn 4%. Nhưng tới đây, rối ren mới thực sự bắt đầu khi lợi nhuận của ngân hàng cũng bắt đầu tụt dốc theo. Năm 2015, tình hình kinh doanh càng thêm sa sút.
10 năm: 9 lần thay chủ tịch
Biến động bắt đầu khi cựu Chủ tịch HĐQT Lê Hùng Dũng rút lui. Ông Dũng thay mặt HĐQT xin lỗi cổ đông vì kết quả kinh doanh không như kỳ vọng. Bản thân ông xin thôi nhiệm và không tiếp tục ứng cử nhiệm kỳ mới.
Ông Dũng rút lui, nhóm cổ đông nào cũng muốn "có chân" trong HĐQT và Ban kiểm soát nên nhà băng phải trì hoãn ĐHĐCĐ nhiều lần.
Sau 2 lần tổ chức không thành, đến giữa tháng 12/2015, Eximbank "chốt" được nhân sự tại đại hội cổ đông bất thường. Ông Lê Minh Quốc được bầu làm Chủ tịch HĐQT.
Đến đầu tháng 4/2016, một số lãnh đạo cấp cao tại Eximbank bất ngờ từ nhiệm khiến "cuộc chiến vương quyền" lại tiếp diễn. Vì các nhóm cổ đông chính không tìm được tiếng nói chung nên ĐHĐCĐ thường niên 2016 bị hủy nhiều lần, đồng thời là yêu cầu thay thế HĐQT đương nhiệm.
Sau 2 năm 2017 và năm 2018 ổn định, đến đầu năm 2019, mâu thuẫn nội bộ trong Eximbank lại bùng nổ. Khi ấy, bà Lương Thị Cẩm Tú, vốn là cựu Tổng giám đốc Nam A Bank, được bầu làm Chủ tịch HĐQT mới của ngân hàng, nhiệm kỳ 2015-2020.
Quyết định chưa ráo mực đã vấp phải những tranh cãi do ông Lê Minh Quốc - người bị bãi nhiệm Chủ tịch HĐQT - cho rằng cuộc họp trên được tiến hành trái quy định.
Sau đó, Eximbank đã phát đi thông cáo phủ nhận cáo buộc của ông Lê Minh Quốc và khẳng định, việc HĐQT Eximbank tổ chức phiên họp ngày 22/3 để bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú là theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp và theo điều lệ Eximbank.
Đến tháng 5/2019, ông Lê Minh Quốc lại xin rút yêu cầu khởi kiện và có đơn từ nhiệm khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT. Sau đó, ông Cao Xuân Ninh lên thay. Trước khi tham gia vào HĐQT Eximbank, ông Cao Xuân Ninh là Trưởng Văn phòng đại diện Ngân hàng Nhà nước tại TPHCM và có nhiều năm công tác tại Vietcombank.
Phiên họp thường niên cùng năm của Eximbank đã "dậy sóng" bởi tranh luận gay gắt giữa các nhóm cổ đông xoay quanh tính hợp pháp của nghị quyết bầu Chủ tịch HĐQT. Ông Ninh khẳng định chức danh Chủ tịch HĐQT của mình tại ngân hàng này hợp pháp, trong khi SMBC cho rằng mâu thuẫn nhân sự cấp cao cho thấy cổ đông không tin tưởng vào ông Ninh nên đề nghị bầu lại.
Và chỉ một năm sau, tháng 6/2020, Eximbank lại công bố vị tân Chủ tịch là ông Yasuhiro Saitoh, người trước đó giữ chức Phó chủ tịch ngân hàng. Đây cũng là lần đầu tiên Eximbank có chủ tịch HĐQT là người nước ngoài. Ông này từng là đại diện cổ đông chiến lược SMBC nắm 15% vốn ngân hàng.
Đến ngày 13/4/2021, sóng gió lại nổi trước thềm đại hội cổ đông thường niên 2020 lần 3 của EximBank khi HĐQT ngân hàng liên tục có những nghị quyết xoay vòng khó hiểu với 3 lần đổi "ghế nóng", từ ông Yasuhiro Saitoh sang ông Nguyễn Quang Thông và quay trở lại Yasuhiro Saitoh. Đây là "vòng xoáy" chủ tịch, kỷ lục thay ghế nóng của một ngân hàng.
Tháng 7/2021, ĐHĐCĐ bất thường của Eximbank đã trình miễn nhiệm hàng loạt nhân sự. Kiến nghị của nhóm cổ đông gồm Công ty cổ phần Rồng Ngọc, Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ Helios, Công ty cổ phần Thắng Phương, bà Thái Thị Mỹ Sang và bà Lưu Như Trân. Số lượng cổ phần của nhóm cổ đông này thời điểm đó chiếm 10,36% tổng số cổ phần phổ thông có quyền biểu quyết tại Eximbank trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng.
Cũng tại đây, bà Lương Thị Cẩm Tú tái đắc cử vị trí Chủ tịch Eximbank. Trong danh sách thành viên HĐQT, có 2 thành viên đáng chú ý là ông Đào Phong Trúc Đại và bà Lê Hồng Anh liên quan đến Tập đoàn Thành Công, doanh nghiệp kinh doanh đa ngành trong các lĩnh vực công nghiệp ô tô, bất động sản, thương mại.
Ông Đào Phong Trúc Đại (ngoài cùng bên trái), một trong 2 nhân sự đại diện nhóm Thành Công trong HĐQT Eximbank được bầu vào tháng 2 năm nay (Ảnh: VĐ).
Những tưởng tình hình tại Eximbank tạm ổn khi đã bầu được Chủ tịch và HĐQT nhiệm kỳ mới, thế nhưng theo sau đó là hàng loạt động thái rút vốn của các nhóm cổ đông.
Giữa tháng 9/2022, Eximbank cho biết ông Võ Quang Hiển không còn là thành viên HĐQT của Eximbank do ông Hiển không còn làm người đại diện theo ủy quyền của cổ đông SMBC. Đến tháng 1/2023, SMBC thông báo đã chính thức không còn là cổ đông lớn tại ngân hàng. Thực tế, sau nhiều năm chưa thể thu xếp ở dàn thượng tầng Eximbank, SMBC đã rút đại diện khỏi nhà băng từ cuối 2019. Tháng 2/2022, Eximbank chính thức dừng hợp tác liên minh chiến lược với SMBC theo đề nghị của quỹ ngoại này.
Đến tháng 10/2022, nhóm cổ đông liên quan đến Thành Công lần lượt thoái vốn tại Eximbank với các nhóm gồm Hợp tác xã cổ phần Thành Công, Công ty cổ phần Phúc Thịnh, bà Nguyễn Thị Hồng Ngọc.
Tháng 4/2023, trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2023, Eximbank nhận được đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Hiếu và ông Nguyễn Thanh Hùng đều với lý do cá nhân. Hai ông là thành viên HĐQT ngân hàng.
Ông Hùng được đề cử bởi nhóm cổ đông gồm Công ty cổ phần Thắng Phương, Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Helios, bà Lê Thị Mai Loan và ông Nguyễn Hồ Nam. Ông Nguyễn Hồ Nam là Chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital còn bà Lê Thị Mai Loan từng là nhân sự chủ chốt của doanh nghiệp này.
Tối ngày 28/6/2023, thông tin miễn nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú thay thế bằng bà Đỗ Hà Phương bất ngờ được Eximbank công bố.
Nhưng chỉ 2 ngày sau, đại diện một nhóm cổ đông gửi tới HĐQT đề nghị rút đề cử, miễn nhiệm bà Đỗ Hà Phương. Trước đó, bà Phương do nhóm cổ đông này đề cử tham gia HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025.
Nữ cựu chủ tịch 8x Đỗ Hà Phương (Ảnh: Eximbank).
Đến tháng 4/2024, Eximbank lại một lần nữa thay chủ tịch là ông Nguyễn Cảnh Anh. Ông được bầu vào HĐQT nhà băng này trong phiên họp bất thường cuối năm 2023. Trước khi tham gia Eximbank, ông Cảnh Anh có nhiều năm làm việc tại các tập đoàn, định chế tài chính lớn như Techcombank, Viettel, Vingroup và gần nhất là EVN Finance.
Biến động Eximbank chưa kết thúc?
Thị trường mới đây lan truyền văn bản "kiến nghị và phản ánh khẩn cấp về rủi ro nghiêm trọng dẫn đến mất an toàn hoạt động và nguy cơ sụp đổ hệ thống Eximbank". Một số phiên giao dịch sau đó ghi nhận hiện tượng nhà đầu tư xả hàng lượng lớn cổ phiếu EIB trên sàn chứng khoán.
Eximbank sau đó khẳng định tài liệu này không xuất phát từ ngân hàng và chưa được xác thực. Tuy nhiên, ngân hàng không có bất kỳ câu khẳng định nào về việc các thông tin đang lan truyền là sai sự thật.
Dự kiến cuối tháng 11, nhà băng này sẽ tổ chức cuộc họp cổ đông bất thường, nhằm thông qua việc thay đổi trụ sở chính. Đây là lần đầu ngân hàng này họp cổ đông bất thường tại Hà Nội, thay vì tại TPHCM như trước đây.
Eximbank đã ra đời và phát triển hơn 30 năm tại TPHCM. Phân bổ chi nhánh và phần đông nhân sự ngân hàng cũng sống và làm việc ở phía Nam. Theo báo cáo thường niên ngân hàng công bố, đến hết năm ngoái, ngân hàng có 16 chi nhánh ở TPHCM nhưng chỉ có 6 chi nhánh tại Hà Nội.
Tuy nhiên, khi nhìn vào cơ cấu cổ đông lớn của Eximbank sau thời gian biến động, sẽ thấy 2 đông lớn của Eximbank đang đặt trụ sở ở phía Bắc.
Cụ thể, theo danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ mới nhất, Tập đoàn Gelex là cổ đông lớn nhất của Eximbank với 174,7 triệu cổ phiếu, tương đương sở hữu 10% vốn. Gelex lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách cổ đông của Eximbank từ tháng 7 năm nay. Sau đó, doanh nghiệp này tăng tỷ lệ sở hữu, từ mức 4,9% lên 10%. Tập đoàn có trụ sở chính tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuấn Gelex là một trong số những cổ đông lớn nhất của Gelex. Ông từng nắm lượng lớn cổ phần tại Công ty cổ phần chứng khoán VIX song thoái toàn bộ vào năm 2022. Theo công bố của Eximbank, Chứng khoán VIX đang sở hữu hơn 62,3 triệu cổ phiếu, tương đương 3,58% vốn ngân hàng.
Mới nhất, phía Gelex cho biết doanh nghiệp không đề cử bất kỳ đại diện vốn nào tham gia HĐQT hay Ban điều hành Eximbank.
Vietcombank là cổ đông lớn thứ 2 của Eximbank với tỷ lệ sở hữu 4,51%. Ngân hàng có trụ sở tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thực tế, Vietcombank đã sở hữu lượng lớn cổ phiếu của Eximbank hơn chục năm nay. Trước năm 2012, Vietcombank đã nắm hơn 8,19% vốn Eximbank, nhưng sau đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống 4,5% theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước.
Hai cá nhân khác là bà Lương Thị Cẩm Tú (Phó chủ tịch Eximbank) và bà Lê Thị Mai Loan giữ lần lượt 1,12% và 1,03% vốn ngân hàng.
Theo Dân Trí