Chất lượng tài sản của Eximbank
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, Mã chứng khoán: EIB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với nhiều biến động tài chính.
Mục tiêu lợi nhuận năm còn xa dù lãi lớn
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III của Eximbank cho thấy ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng đột biến, đạt gần 904 tỷ đồng, tương ứng 194,4%, tức gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận ngân hàng đạt hơn 2.377 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, năm nay, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận năm là 5.180 tỷ đồng nên sau 3 quý, Eximbank mới thực hiện được 45,9% kế hoạch lợi nhuận đặt ra.
Trong quý III vừa rồi, động lực tăng trưởng của ngân hàng đến từ các mảng kinh doanh chính như tín dụng, kinh doanh ngoại hối...
Cụ thể, thu nhập lãi thuần đóng góp đáng kể vào lợi nhuận ngân hàng với hơn 1.535 tỷ đồng, tăng 76,8% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt gần 282 tỷ đồng, tăng 265,3% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác tăng 181,5%, mang về cho ngân hàng 89,2 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, mảng dịch vụ giảm nhẹ, từ 115,6 tỷ đồng trong quý III/2023 xuống còn 102,9 tỷ đồng trong quý này, giảm tương ứng 11%.
Đến cuối quý III, lãi từ hoạt động chứng khoán đầu tư tăng từ 6.983 tỷ đồng hồi đầu năm lên 21.801 tỷ đồng. Chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán đạt 11.148 tỷ đồng, chiếm một nửa; chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn (không bao gồm trái phiếu đặc biệt VAMC) ghi nhận 10.653 tỷ đồng, tăng 211,2% so với hồi đầu năm. Tuy nhiên, hoạt động chứng khoán đầu tư về cơ bản không mấy khởi sắc khi ghi nhận khoản lỗ 40,2 tỷ đồng trong quý vừa qua, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn có lãi tới 141 tỷ đồng.
Tổng thu nhập hoạt động (TOI) của ngân hàng đạt 1.970 tỷ đồng, tăng 59,5% so với cùng kỳ. Sau khi trừ đi chi phí hoạt động, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 1.105 tỷ đồng, tăng 131,8%.
Các chỉ tiêu tài chính của Eximbank (Ảnh chụp màn hình).
Nợ có khả năng mất vốn tăng nhanh
Tổng tài sản tính đến cuối quý III của ngân hàng đạt 223.683 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Huy động vốn từ tổ chức kinh tế và cư dân đạt 167.603 tỷ đồng, tăng 7%.
Dư nợ cho vay của ngân hàng đạt 159.483 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Trong đó, chiếm chủ yếu là cho vay tổ chức, cá nhân trong nước song ngân hàng không có thuyết minh chi tiết về khoản này.
Tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước chỉ còn 2.546 tỷ đồng, giảm 37% so với đầu năm. Tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác cũng giảm 25% còn 32.300 tỷ đồng. Tiền vay Ngân hàng Nhà nước của Eximbank tăng đột biến lên 1.533 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ tiêu này là chưa đến 20 tỷ đồng.
Về chất lượng tài sản, số dư nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) của Eximbank vào cuối quý III ở mức 4.318 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cuối năm trước, đưa tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ 2,65% lên 2,71%.
Trong đó, số dư nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 51% so với cùng kỳ năm trước từ 1.868 tỷ đồng lên 2.825 tỷ đồng.
Dự phòng rủi ro khách hàng cũng tăng lên đáng kể, từ mức 1.535 tỷ đồng đầu năm lên 1.724 tỷ đồng tại cuối tháng 9, tương đương mức tăng 12,3%. Ngoài ra, do chất lượng nợ vay đi xuống, Eximbank đã phải gia tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lên 704 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các khoản lãi, phí phải thu tăng 32%, từ 805 tỷ đồng lên 1.064 tỷ đồng. Đây là khoản tiền chưa nhận về mà dự kiến thu trong tương lai từ các tài sản sinh lời, trong đó bao gồm các sản phẩm cho vay, nhưng vẫn được các ngân hàng hạch toán để tạo nên lợi nhuận.
Về nguyên tắc kế toán, ngân hàng chỉ được dự thu với khoản lãi sinh ra từ các khoản nợ đủ tiêu chuẩn (nợ nhóm 1), vốn là các khoản nợ lành mạnh, được đánh giá có khả năng thu hồi nợ tốt.
Năm nay, nhà băng này đặt mục tiêu hết năm tổng tài sản tăng lên 223.500 tỷ đồng; huy động vốn thêm 10,5%, đạt 175.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng dự kiến tăng trưởng hơn 14%, khoảng 161.000 tỷ đồng, trong khi mục tiêu tỷ lệ nợ xấu giảm về 1,8%.
Đến cuối tháng 9, Eximbank có 6.380 nhân viên, tăng thêm 146 người so với đầu năm. Chi phí cho nhân viên tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, lên 496 tỷ đồng trong quý III.
Eximbank có dần phục hồi sau chục năm tụt lại phía sau?
Lợi nhuận của Eximbank "lao dốc" từ năm 2013 và trong gần chục năm sau đó, khi các ngân hàng cùng quy mô bứt phá thì lợi nhuận của Eximbank quanh quẩn mức 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Bảng xếp hạng top ngân hàng nhiều năm cũng không có tên Eximbank.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh bắt đầu khởi sắc trong năm 2022 với khoản lãi hơn 3.700 tỷ đồng, bước đầu khẳng định cho lời hứa đưa Eximbank trở lại quỹ đạo sau nhiều năm tụt hậu quá sâu của bà Lương Thị Cẩm Tú, cựu Chủ tịch Eximbank giai đoạn đó.
Sau nhiều năm lục đục ở dàn nhân sự cấp thượng tầng, 2022 là năm đầu tiên nhà băng này tổ chức đại hội cổ đông thành công và dàn xếp được bộ máy hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới.
Song đến năm 2023, một lần nữa thượng tầng biến chuyển, khi bà Đỗ Hà Phương làm Chủ tịch Eximbank thay bà Tú, lợi nhuận Eximbank lại giảm hơn 1.000 tỷ đồng.
Gần nhất, đến tháng 4 năm nay, chủ tịch mới của nhà băng này là ông Nguyễn Cảnh Anh. Trước khi tham gia Eximbank, ông Cảnh Anh có nhiều năm làm việc tại các tập đoàn, định chế tài chính lớn như Techcombank, Viettel, Vingroup và gần nhất là EVN Finance.
Trong bối cảnh ngành ngân hàng có nhiều thay đổi, như mặt bằng lãi suất đi lên, tín dụng bất động sản gặp khó, tốc độ tăng trưởng chậm của kinh tế toàn cầu, lạm phát cao... lãnh đạo Eximbank lại tiếp tục có những đề xuất thay đổi lớn.
Cụ thể, dự kiến tháng 11, nhà băng này sẽ tổ chức cuộc họp cổ đông bất thường, nhằm thông qua việc thay đổi trụ sở chính. Đây là lần đầu ngân hàng này họp cổ đông bất thường tại Hà Nội, thay vì tại TPHCM như trước đây.
Bản thân ngân hàng cũng đang trong giai đoạn vướng "bão" tin đồn, khi thị trường mới đây lan truyền văn bản "kiến nghị và phản ánh khẩn cấp về rủi ro nghiêm trọng dẫn đến mất an toàn hoạt động và nguy cơ sụp đổ hệ thống Eximbank". Ngân hàng cho biết tài liệu không xuất phát từ ngân hàng và chưa được xác thực song cũng không khẳng định tài liệu là sai.
Hồi tháng 4, ngân hàng cũng vướng lùm xùm. Một khách hàng ở Quảng Ninh cho rằng bản thân không tiêu thẻ tín dụng nên không thanh toán và sau 11 năm, nợ xấu từ 8,5 triệu đồng lên thành 8,84 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - khi đó là quyền Tổng giám đốc tại ĐHĐCĐ nói khoản nợ thẻ tín dụng 8,8 tỷ đồng gây hoang mang dư luận là bài học lớn của nhà băng, sẽ không để tình trạng này lặp lại. Ngân hàng cũng không thu khoản nợ 8,8 tỷ đồng mà làm việc lại với khách hàng để thống nhất cách xử lý hợp tình và hài hòa lợi ích đôi bên.
Mới nhất, bà Trần Thị Thanh Nhã - vợ của ông Ngo Tony - Trưởng Ban kiểm soát Eximbank - đã đăng ký bán hết 123.298 cổ phiếu, chiếm 0,006% vốn ngân hàng từ ngày 30/10 đến ngày 8/11.
Phương thức giao dịch là theo phương thức khớp lệnh. Nếu giao dịch thành công bà Nhã sẽ không còn là cổ đông của EIB. Bà Nhã sẽ thu về khoảng 2,5 tỷ đồng nếu giao dịch thành công. Trong khi đó, ông Ngo Tony không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu EIB nào.
Hiện tại, Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex là cổ đông lớn nhất tại Eximbank khi sở hữu 10% vốn. Vietcombank là cổ đông lớn thứ 2, sở hữu 4,51% vốn. Công ty cổ phần Chứng khoán VIX sở hữu 3,58% vốn. Có 2 cá nhân là bà Lương Thị Cẩm Tú (Phó chủ tịch Eximbank) và Lê Thị Mai Loan giữ lần lượt 1,12% và 1,03% vốn.
XEM THÊM: Eximbank lên tiếng về tài liệu 'rủi ro nghiêm trọng' lan truyền trên mạng
Theo Dân Trí