Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt kỷ lục mới, gần 800 tỷ USD
Đây là thông tin được Bộ Công Thương đưa ra tại cuộc Họp báo thường kỳ Quý IV/2024 và gặp mặt báo chí nhân dịp năm mới 2025, được tổ chức chiều 7/1/2025.
Xuất khẩu năm 2024 của khu vực kinh tế trong nước đạt 114,59 tỷ USD, tăng 19,8%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong khi khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 290,94 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,7%); Có 37 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (tăng 02 mặt so với năm 2023), chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; Kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta đều có sự phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng cao.
Năm 2024 là năm thứ 9 liên tiếp, cán cân thương mại ghi nhận xuất siêu ở mức cao (gần 25 tỷ USD), giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.
Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục với IIP tăng 8,4%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 đến nay, trong đó IIP ngành chế biến chế tạo tăng 9,6% (so với mức tăng 1,5% trong năm 2023); Công nghiệp là ngành tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô: giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,32% so với năm trước, là mức tăng gần cao nhất trong giai đoạn 2019-2024 (chỉ thấp hơn mức tăng 8,52% của năm 2022), đóng góp 2,70 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Công tác hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả; khai mở thành công thị trường tiềm năng lớn ở Trung Đông, Châu Phi với việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) trong thời gian đàm phán ngắn kỷ lục (16 tháng), thúc đẩy tiến trình hội nhập thương mại toàn cầu của Việt Nam.
Công tác phòng vệ thương mại đạt kết quả tích cực, vững chắc, xử lý thành công hàng trăm vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại, góp phần quan trọng bảo vệ hàng hóa Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước. Các ngành sản xuất quan trọng của Việt Nam được bảo vệ như: ngành sản xuất thép (14 biện pháp); thực phẩm (5 biện pháp); hóa chất (4 biện pháp); vật liệu xây dựng (2 biện pháp).
Thị trường trong nước tăng trưởng vững chắc với tốc độ 9%, ổn định cung cầu sau 15 năm triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; là trụ đỡ đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng vĩ mô.
Thương mại điện tử vượt mốc doanh thu 25 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2023 và chiếm 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam. Công tác hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về thương mại điện tử được chú trọng; Tiếp tục tăng cường thương mại điện tử xuyên biên giới.
Chủ động, quyết liệt thực hiện sắp xếp bộ máy “tinh, gọn, mạnh” theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương, Bộ đã đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ và tinh gọn mạnh bộ máy hoạt động từ bên trong.
Cũng tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Công Thương cho biết việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân xuống còn 2 tháng mới chỉ dừng ở mức độ ý tưởng. Cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân không phải bây giờ mới đề cập, trước đó đã có Quyết định 24/2017/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân với quy định thời gian tối thiểu được điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 6 tháng. Sau đó, trong tháng 5/2024, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; điều chỉnh chu kỳ điều chỉnh giá từ 6 tháng xuống còn 3 tháng.
Đến hiện nay, Bộ Công Thương tiếp tục giao Cục Điều tiết điện lực xây dựng nghị định về cơ chế điều chỉnh và thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Nghị định mới này sẽ được xây dựng và ban hành đồng thời với thời gian có hiệu lực của Luật Điện lực (sửa đổi), tức là ngày 1/2/2025. Theo đó, dự thảo nghị định đang đề xuất rút ngắn thời gian tối thiểu được điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 3 tháng xuống 2 tháng.
Thông tin thêm về việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân xuống còn 2 tháng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, trước đây chúng ta thực hiện điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng, sau rút xuống còn 3 tháng, đến nay phải theo Luật Điện lực sửa đổi nên phải điều chỉnh, sửa đổi lại. Trong quá trình nghiên cứu, Bộ Công Thương đã tham khảo ý kiến và dự kiến đưa ra lộ trình ngắn hơn. Đây là câu chuyện liên quan đến tính thị trường. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều nội dung nghiên cứu thêm. Bộ đang yêu cầu Cục Điều tiết điện lực phải nghiên cứu, đánh giá tác động về việc rút xuống 2 tháng để có phương án hợp lý nhất.