Ứng dụng blockchain trong truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại
Hội thảo thu hút gần 200 đại biểu từ các đơn vị, tổ chức xúc tiến thương mại, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Phát biểu khai mạc tại sự kiện, Ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho biết: Sau 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, kinh tế nước ta đã phục hồi khá rõ nét trên nhiều lĩnh vực, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn và duy trì được mức tăng trưởng cao. Chúng ta đã triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới hiện có rất nhiều bất ổn, những yếu tố bất định đan xen với tình hình địa chính trị căng thẳng và tình hình lạm phát của thế giới vẫn là thách thức lớn cho kinh tế của đất nước.
Ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại phát biểu tại hội thảo.
Năm 2023 là năm bản lề trong việc thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, trong đó mục tiêu số hoá các hoạt động xúc tiến thương mại đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác xúc tiến là một nội dung quan trọng trong chủ trương xây dựng chính phủ số, kinh tế và xã hội số, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh đã được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là giải pháp, xu hướng tất yếu để các đơn vị sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, hồi phục sau đại dịch và phát triển.
Ứng dụng nền tảng số được xác định là một trong những khâu đột phá, tạo tiền đề cho việc triển khai cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp, thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản, hướng tới các tiêu chuẩn xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong bối cảnh kinh tế thị trường, truy xuất nguồn gốc (đảm bảo chất lượng, an toàn và sự minh bạch của sản phẩm, hàng hóa) lại càng được quan tâm nhiều hơn và là quy định bắt buộc ở nhiều quốc gia trên thế giới Nói một cách khác, đó chính là truy xuất nguồn gốc và hoạt động này góp phần tạo nền tảng cho việc sản xuất và lưu thông hàng hoá trong nền kinh tế số, giúp doanh nghiệp đáp ứng quy định của quốc tế và quốc gia nhập khẩu, từ đó giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp.
Theo Ông Oemar Idoe, Điều phối viên Nhóm Môi trường, Biến đổi khí hậu và Nông nghiệp của tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam. “Xuất khẩu Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng 6% năm 2023, mở ra kì vọng kinh doanh mới cho doanh nghiệp. Tuy nhiên nền kinh tế Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều thách thức khó khăn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có các bước chuẩn bị tương ứng, trong đó Sản xuất xanh và minh bạch thông tin giúp khách hàng có thể đánh giá chất lượng và tính bền vững của sản phẩm, gia tăng sự tin tưởng và sự ủng hộ của khách hàng đối với sản phẩm và doanh nghiệp.
Thực tế, việc truy xuất nguồn gốc đảm bảo quy trình sản xuất và sản phẩm được công khai, giúp khách hàng và cộng đồng có thể đánh giá chính xác việc sản xuất của doanh nghiệp và đảm bảo trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội, từ đó nâng cao được giá trị của sản phẩm góp phần xây dựng hình ảnh và nâng cao nhận biết từ phía khách hàng đối với sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam.