Bí ẩn về Ong vò vẽ phương Đông: 'Bậc thầy' tiêu thụ rượu vô hạn
Chân dung "sâu rượu" ong vò vẽ
Tiêu thụ rượu như vậy nhưng ong vò vẽ không hề gặp phải những tác động tiêu cực đến sức khỏe hay tuổi thọ.
Rượu thường được sản xuất thông qua quá trình phân giải đường bởi nấm men và vi khuẩn, chủ yếu có trong trái cây chín và mật hoa. Mặc dù rượu chứa gần gấp đôi năng lượng so với đường, nhưng lại độc hại đối với hầu hết động vật và con người, đặc biệt khi sử dụng lâu dài.
Tuy nhiên, theo báo cáo nghiên cứu được công bố trong tạp chí Proceedings of the U.S. National Academy of Sciences ngày 27-10, ong vò vẽ phương Đông không chỉ sống sót mà còn phát triển bình thường ngay cả khi chúng chỉ tiêu thụ rượu trong suốt 3 tháng.
Các nhà nghiên cứu đã đánh dấu rượu mà ong tiêu thụ bằng đồng vị carbon nặng và phát hiện ra rằng chúng chuyển hóa rượu thành CO2 với tốc độ ấn tượng và theo đó thải bỏ độc tố một cách nhanh chóng.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ngay cả khi tiêu thụ nồng độ cao của rượu, không có tác động đáng chú ý nào đối với hành vi của ong vò vẽ, chứng minh rằng chúng không bị say xỉn.
Ngoài ra, không có sự khác biệt nào trong tuổi thọ của những con ong chỉ tiêu thụ rượu trong suốt 3 tháng, so với những con ong ăn nước đường.
Thú vị hơn, ong vò vẽ sở hữu nhiều bản sao của gene sản xuất enzyme phân giải rượu, cho thấy sự thích nghi di truyền độc đáo của chúng với môi trường sống và nguồn thức ăn có chứa rượu.
Các nhà nghiên cứu cho rằng việc lưu trữ nấm men trong hệ tiêu hóa của ong vò vẽ cho phép nấm men phát triển và được chuyển đến trái cây, đã dẫn đến sự phát triển của sự thích nghi di truyền này.
Theo giới khoa học, phát hiện nói trên không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách tiêu thụ rượu của ong vò vẽ mà còn có thể mở ra hướng đi mới trong nghiên cứu chứng nghiện rượu và cơ chế chuyển hóa rượu ở con người.
Với khả năng xử lý rượu hiệu quả, ong vò vẽ phương Đông có thể trở thành mô hình lý tưởng cho những nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này.