Đào tạo và sát hạch giấy phép lái xe đường bộ cần được đồng bộ với công nghệ
Theo đó, xác định đây là nhiệm vụ trong tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện và sâu rộng về đổi mới, tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng và phòng, chống tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
Cần chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông .
Các mô hình đào tạo đã được sử dụng trước đây cần phải sửa đổi theo mô hình ứng dụng công nghệ.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; tổ chức kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất công tác quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ; trong đó, lưu ý kiểm tra nội dung đào tạo, thực hành lái xe trên đường đảm bảo quản lý chặt chẽ thời gian và quãng đường học thực hành lái xe; kiên quyết xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe vi phạm nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan.
Ông Ngô Đức Thành, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Ninh cho biết, việc đào tạo và sát hạch lái xe được xã hội quan tâm, do đó việc đưa ra các giải pháp, các quy định với mục đích nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước, đối với lĩnh vực đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe luôn được Chính phủ và các bộ ngành quan tâm chỉ đạo, vừa qua Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT áp dụng nhiều thiết bị máy móc vào quản lý giám sát, bên cạnh những hiệu quả đạt được thì vẫn còn một số hạn chế.
Chẳng hạn như: "Thiết bị giám sát quảng đường học lái xe DAT vẫn còn xảy hiện tượng chưa ổn định, nhiều các lỗ phát sinh ảnh hưởng đến đến quá trình học tập của người học, phát sinh chi phí đào tạo, các phiên học không hợp lệ do lỗi thiết bị, việc truyền dữ liệu từ thiết bị DAT trên xe tập lái đến máy chủ của trung tâm đào tạo nhiều lúc bị dán đoạn".
Còn theo ông Bùi Quốc Thịnh, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Trung ương I cho rằng, hình thức đào tạo sử dụng cả học trực tiếp và tự học nên để học viên lựa chọn hình thức học và đăng ký với cơ sở đào tạo, vì tuyệt đại đa số người học trong độ tuổi lao động hiện đang làm việc tại các cơ quan công sở, doanh nghiệp và trường học, quỹ thời gian rất eo hẹp. Đào tạo từ xa, online, tự học là xu thế của thời đại khoa học công nghệ.
Các mô hình đào tạo bằng cabin điện tử đang ngày càng được mở rộng tại những trung tâm đào tạo và sát hạch giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, theo quy định tại Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, phần lý thuyết lái xe có 5 môn học; trong đó môn cấu tạo và sửa chữa thông thường (18 giờ). Mục đích học lái xe là để thành thục kỹ năng điều khiển phương tiện, không cần thiết phải nghiên cứu sâu về cấu tạo xe.
Hoặc như môn pháp luật giao thông đường bộ (90 giờ): Thời lượng nhiều, hình thức bắt buộc học trên lớp, điểm danh bằng vân tay, thẻ từ, nhận diện khuôn mặt… không phù hợp với thời đại của khoa học công nghệ và đối tượng người học.
"Thực tế đa số học viên tự học vì đã có rất nhiều tài liệu và điều kiện tự học. Các cơ sở đào tạo chủ yếu hướng dẫn trên lớp (hoặc học viên tự học) là hoàn toàn nắm được kiến thức pháp luật, đáp ứng yêu cầu khi thi sát hạch và tham gia giao thông", ông Nguyễn Văn Quyền chia sẻ thêm.