Cục Đường bộ ấn định thời hạn đưa ca bin điện tử học lái xe vào sử dụng
Theo đó, Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, thời gian qua, Sở GTVT các tỉnh, thành phố đã có nhiều cố gắng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Tuy nhiên, việc đầu tư ca bin tập lái xe ô tô của các cơ sở đào tạo lái xe còn chậm so với yêu cầu. Việc ứng dụng thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe hoạt động chưa ổn định. Cùng với đó, có hiện tượng một số xe ô tô đào tạo, sát hạch lái xe chưa đảm bảo tiêu chuẩn.
Thiết bị ca bin điện tử là một trong các điều kiện để thực hiện công tác đào tạo lái xe.
Để thực hiện nghiêm quy định đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Sở GTVT thông tin, hướng dẫn các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất ca bin học lái xe ô tô tại địa phương thực hiện các thủ tục và công bố hợp quy theo quy định. Chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe ô tô thực hiện các trình tự, thủ tục đầu tư ca bin học lái xe ô tô đảm bảo lộ trình theo quy định.
Kiểm tra, rà soát đội ngũ giáo viên, xe tập lái, sân tập lái đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định; kiểm tra việc lắp đặt, cung cấp dữ liệu từ thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường (dữ liệu DAT) đảm bảo chính xác, trung thực.
"Các sở GTVT chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe tuyển sinh học lái xe đảm bảo các điều kiện về độ tuổi, sức khỏe và địa điểm đã đăng ký trong giấy phép. Xử lý hoặc báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các trường hợp mạo danh cơ sở đào tạo để tuyển sinh và quảng cáo sai quy định", Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu.
Các sở GTVT cũng có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, xe sát hạch, sân sát hạch, thiết bị sát hạch tại các trung tâm sát hạch lái xe; kiểm tra hệ thống âm thanh, hệ thống camera giám sát trong phòng sát hạch lý thuyết, hệ thống màn hình trong phòng chờ sát hạch lý thuyết, phòng chờ sát hạch lái xe trong hình và trên đường để công khai quá trình, kết quả sát hạch và lưu trữ theo quy định.
Chỉ đạo hội đồng sát hạch, tổ sát hạch thực hiện đủ các nội dung sát hạch theo quy định. Kiểm tra chặt chẽ điều kiện và hồ sơ dự sát hạch, không để học viên mang điện thoại và các thiết bị thu phát vào trong phòng sát hạch lý thuyết và trên xe sát hạch lái xe trong hình.
Đồng thời, thanh tra, kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch theo kế hoạch. Định kỳ hoặc đột xuất tổ chức các đoàn giám sát công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại các kỳ sát hạch để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại.
Đây là các thiết bị mà học viên cần phải được thử thách trước khi lái xe ra đường trường.
Đối với đổi giấy phép lái xe, Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các Sở GTVT chỉ đạo bộ phận tiếp nhận và xử lý hồ sơ đổi giấy phép lái xe tra cứu cơ sở dữ liệu quản lý giấy phép lái xe, dữ liệu tạm giữ, tước quyền sử dụng của lực lượng cảnh sát giao thông để kịp thời phát hiện các trường giấy phép lái xe bị tạm giữ, tước quyền sử dụng nhưng giả khai báo mất để xin cấp lại hoặc các trường hợp sử dụng giấy phép lái xe đã khai báo mất để xin cấp đổi lại.
Theo quy định tại Thông tư 04/2022/TT-BGTVT của Bộ GTVT sửa đổi Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, bắt đầu từ ngày 1/1/2023, các trung tâm đào tạo lái xe ô tô phải áp dụng ca bin điện tử trong đào tạo lái xe.
Học viên muốn có giấy phép lái xe sẽ tập lái mô phỏng trên nhiều loại đường, điều kiện thời tiết, tình huống giao thông khác nhau. Phần học trên cabin thay 3 giờ học thực hành trên xe. Tuy nhiên, ghi nhận đến thời điểm này, nhiều trung tâm vẫn chưa trang bị thiết bị này.