EVNFinance: Áp lực hay động lực từ việc tăng vốn điều lệ?
Theo đó, EVNFinance được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ tối đa thêm 563,3 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và tăng vốn điều lệ tối đa thêm 75 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên theo chương trình ESOP, tổng số vốn điều lệ tăng thêm là 638,3 tỷ đồng.
Phương án tăng vốn điều lệ này đã được Đại hội đồng cổ đông của EVNFinance thông qua tại kỳ đại hội thường niên ngày 15/3/2024.
Hiện, EVNFinance đang trong giai đoạn hoàn tất các thủ tục với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để triển khai việc phát hành tăng vốn này. Dự kiến đến cuối năm 2024, vốn điều lệ của EVNFinance sẽ tăng từ 7.042,4 tỷ đồng lên mức hơn 7.680 tỷ đồng, tương đương quy mô vốn của một số ngân hàng thương mại.
Như vậy, với việc tiếp tục tăng quy mô vốn điều lệ của EVNFinance, các cổ đông sẽ tạo áp lực lớn đến Hội đồng Quản trị và Ban Điều hành EVNFinance khi phải sử dụng nguồn vốn thật hiệu quả để tăng EPS và tăng ROE cho cổ đông.
Tuy nhiên, đây cũng chính là động lực để Hội đồng Quản trị và Ban Điều hành EVNFinance chắt lọc những cơ hội kinh doanh và lựa chọn khách hàng phù hợp nhằm đảm bảo vừa phát triển ổn định, bền vững, vừa hoạt động an toàn, hiệu quả và tuân thủ pháp luật.
Theo chỉ thị số 01/CT-NHNN của NHNN ngày 15/01/2024, các tổ chức tín dụng được khuyến khích chi trả cổ tức cho các cổ đông bằng cổ phiếu nhằm nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.
Nguồn vốn sử dụng trả cổ tức bằng cổ phiếu của EVNFinance từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2023 sau khi trích lập các quỹ và lợi nhuận để lại từ các năm trước, tổng số tiền sử dụng để trả cổ tức là 570,8 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu 8%.
Về phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên theo chương trình ESOP, trong năm 2023, EVNFinance đã thực hiện một đợt phát hành. Cổ phiếu ESOP này theo quy định pháp luật bị hạn chế giao dịch trong vòng 01 năm kể từ ngày phát hành.