Người làm báo và văn hóa báo chí

Người làm báo và văn hóa báo chí

Năm 2022, Hội Nhà báo Việt Nam đã phát động phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”. Sau 1 năm, đội ngũ những người làm báo đã cho thấy những thay đổi trong nhận thức và hành động, đặc biệt khi khoa học công nghệ ngày càng phát triển. Tuy nhiên, văn hóa báo chí luôn là vấn đề thời sự.

Báo chí tiên phong truyền cảm hứng và lan tỏa văn hóa

Báo chí là một bộ phận của văn hóa. Mỗi tác phẩm báo chí là một sản phẩm văn hóa, mỗi nhà báo là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Mỗi nhà báo phải nỗ lực nâng cao chất lượng từng tác phẩm của mình, để xây dựng một nền báo chí vừa giàu tính chiến đấu vừa giàu tính nhân văn. Báo chí văn hóa theo nghĩa đó chính là báo chí vì con người, lấy con người làm trung tâm và vì lợi ích của con người. PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng: “Người làm báo bản chất là người làm văn hóa, phải là người lan tỏa các giá trị văn hóa, bảo vệ và gìn giữ phát huy những giá trị văn hóa địa phương, của khối, của đất nước. Góc nhìn một nhà báo cũng là góc nhìn của một nhà văn hóa”.

Ảnh minh họa.

Nền báo chí cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị, tinh thông nghề nghiệp và có đạo đức trong sáng, nhân văn. Những phẩm chất cao quý kết tinh thành giá trị văn hóa, luôn được giữ gìn, trao truyền, trở thành niềm tự hào của những người làm báo cách mạng. Văn hóa trong báo chí còn thể hiện ở tính tiên phong và góp phần khơi dậy khát vọng Việt Nam, lan tỏa năng lượng tích cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu và củng cố niềm tin xã hội. Những năm qua, nhiều tờ báo, nhiều chương trình, chuyên mục... đã góp phần tuyên truyền, cổ động các cuộc vận động xây dựng văn hóa ứng xử; phát hiện, cổ vũ cách làm hay, những gương người tốt, việc tốt điển hình, góp phần xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử tốt đẹp.

Văn hóa trong báo chí không phải là điều gì đó cao siêu, trừu tượng. Mỗi tờ báo dù có tôn chỉ, mục đích khác nhau song đều có chung nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người làm báo được Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng, yêu mến bởi sở hữu “lòng trong, bút sắc”, vậy nên cần giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, luôn tôn trọng sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải, thấm đẫm tính nhân văn, luôn vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Giữ gìn những phẩm chất cao quý kể trên chính là báo chí tỏa sáng giá trị văn hóa quý báu.

Thích ứng trên cơ sở văn hóa báo chí

Câu chuyện thời sự đang được giới báo chí quan tâm là sự ra đời của ngày càng nhiều ứng dụng AI, điển hình là ChatGPT, sẽ tác động thế nào đến cách sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản báo chí. Cơ hội của việc sử dụng AI trong báo chí-truyền thông rất lớn bởi nó có thể tạo ra những văn bản phức tạp chỉ từ những câu lệnh đơn giản. Tuy nhiên, việc sử dụng AI cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả, đặc biệt khi nhà báo sử dụng AI mà không bằng phông văn hóa báo chí nhất định. Vì thế, ứng dụng AI cần mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo đều phải thích ứng trên cơ sở văn hóa báo chí, gắn với lợi ích thiết thực là phục vụ độc giả.

“Nếu chúng ta không làm chủ được công nghệ, để tin giả lấn lướt cả những bài viết hay thì chúng ta đang không hoàn thành được sứ mệnh của mình. Không giữ được trận địa thông tin thì chúng ta sẽ thua ngay trên sở trường của mình”..

PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng

 

Pháp luật dù có chi tiết đến đâu cũng không thể quy định từng trường hợp cụ thể. Cho nên các cơ quan báo chí, mỗi người làm báo phải cân nhắc trước khi xuất bản sản phẩm báo chí, dù không vi phạm pháp luật nhưng liệu có vi phạm đạo đức, lương tâm nghề nghiệp hay không? Yếu tố văn hóa, nhân văn cũng không phải là điều gì khó thực hiện, chỉ cần mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo có ý thức trách nhiệm vì mục đích tận hiến với nghề nghiệp, cân nhắc tác động đến xã hội và công chúng thì sẽ cho ra đời những sản phẩm báo chí chất lượng, đồng thời lan tỏa giá trị nhân văn, văn hóa.

Không chỉ viết cho hay, cho đúng, cho hấp dẫn mà còn phải giữ được lương tâm trong sáng của mình. Nhà báo Hồ Quang Lợi trăn trở: “Khi viết, chúng ta đã tôn trọng con người chưa? Chúng ta đã quan tâm đến số phận của những con người phía sau trang giấy chưa? Chúng ta có làm tổn thương họ không? Đó là giá trị văn hóa sâu sắc khi chúng ta cầm bút. Là người cầm bút chúng ta phải hiểu ngòi bút chúng ta phục vụ ai? Để chúng ta biết nên viết như thế nào? Giá trị của một bài báo nằm ở giá trị xã hội của nó. Từ những sản phẩm báo chí mang tính nhân đạo cao cả, báo chí tôn vinh con người, trân trọng con người, vì con người, khi chúng ta viết để phục vụ con người thì khi đó giá trị văn hóa đang được đề cao”.

Thời gian qua, tình hình thế giới, trong nước có nhiều biến động phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới bị tác động tiêu cực do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, hoạt động báo chí đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng theo nhận định của nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: “Trong khó khăn, thử thách mới, đội ngũ những người làm báo cả nước càng thể hiện tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, vì một nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.