Phát triển vùng đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2030, tầm nhìn 2045
Thống kê cho thấy, giai đoạn 2005-2020, tăng trưởng kinh tế bình quân vùng đồng bằng Sông Hồng đạt 7,94%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước, chiếm 29,4% GDP toàn quốc. Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đã trở thành tam giác động lực phát triển, trong đó, Thủ đô Hà Nội đóng vai trò trung tâm đầu não chính trị - hành chính, văn hóa, giáo dục, và kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều khó khăn và thách thức. Chuyển dịch kinh tế chậm, tăng trưởng không đồng đều, ngân sách Nhà nước chưa ổn định, và năng suất lao động chậm cải thiện. Đối mặt với những thách thức này, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 30 nhằm mục tiêu chính là phát triển vùng đồng bằng sông Hồng thành vùng phát triển nhanh, bền vững, hiện đại và đa dạng.
Những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng
Chính phủ đã đề ra 21 mục tiêu cụ thể và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đạt được mục tiêu của Nghị quyết số 30. Các nhiệm vụ này bao gồm hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và liên kết vùng, phát triển kinh tế, xây dựng đô thị và hạ tầng hiện đại, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển văn hóa - xã hội, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng - an ninh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Chương trình hành động cũng đề xuất 36 nhiệm vụ cụ thể và 20 dự án kết cấu hạ tầng, đặt ra lộ trình thời gian thực hiện cụ thể. Hoạt động Xúc tiến đầu tư cũng được tổ chức để huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng và sản xuất - kinh doanh trong vùng.Một trong những nhiệm vụ quan trọng là chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, tuần hoàn và chuyển đổi số. Điều này bao gồm phát triển công nghiệp hiện đại, công nghiệp công nghệ cao, và kinh tế số.
Ngoài ra cần chú trọng tập trung phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, và thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như phát triển các ngành dịch vụ và thương mại hiện đại.
Chương trình hành động tập trung vào việc phát triển kinh tế biển vùng Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình và đưa Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển quốc tế. Quy hoạch và phát triển hạ tầng biển được đặc biệt chú trọng, cùng với việc xây dựng các khu du lịch quốc gia và tăng cường liên kết giữa ngành du lịch và các ngành khác.
Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số
Phát triển vùng trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu của cả nước; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng Sông Hồng. Chú trọng nghiên cứu, phát triển công nghệ lõi, công nghệ số; tăng cường tiềm lực khoa học - công nghệ có trình độ tiên tiến ở một số lĩnh vực có thế mạnh đạt trình độ quốc tế, thực sự trở thành động lực để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh. Xây dựng chiến lược đào tạo, phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ cho vùng; có chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài làm việc trong vùng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nâng cao năng lực quản lý các cấp tại địa phương.
Tăng cường các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, phát triển, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh, trong đó chú trọng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ số, công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, du lịch, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và khai thác trực tiếp lợi thế của các địa phương trong vùng; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, xây dựng dữ liệu phục vụ cho hoạt động chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và liên kết vùng.
Phổ cập dịch vụ mạng di động 5G, hướng đến công nghệ 6G. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp, phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số; tạo lập dữ liệu mở, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên thiết bị di động thông minh. Phát triển nhanh doanh nghiệp công nghệ số; tăng nhanh tỉ trọng kinh tế số trong GRDP. Phấn đấu số doanh nghiệp khoa học - công nghệ tăng gấp 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo chiếm 50% tổng số doanh nghiệp hoạt động; tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 50%.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ. Tiếp tục hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ để phát triển các sản phẩm chủ lực, lợi thế của địa phương. Củng cố, xây dựng nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của các tổ chức trong vùng, hình thành mạng lưới các tổ chức có khả năng tiếp nhận, hỗ trợ, chuyển giao các công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại, gắn kết chặt chẽ với giáo dục - đào tạo, sản xuất, kinh doanh. Có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp trích lập, sử dụng hiệu quả Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với các viện, trường đại học, cơ sở nghiên cứu trong vùng.
Xây dựng Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng Sông Hồng gắn với phát triển mạnh các công nghệ mới và kết nối hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ vùng, cả nước và quốc tế. Xây dựng và phát triển các khu, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam…, trong đó Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ với hạt nhân là Khu công nghệ cao Hoà Lạc, các viện nghiên cứu, trường đại học; Hải Phòng trở thành Trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ về biển; phát triển Khu công nghệ cao Hà Nam tập trung vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điện tử - bán dẫn, tự động hóa, công nghệ sinh học và y dược, công nghệ vật liệu mới; hình thành các khu nông nghiệp hiệu quả cao dựa trên ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch tại các tỉnh, thành phố trong vùng, như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định.
Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vùng, thúc đẩy kết nối chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, trong đó các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp công nghệ số giữ vai trò trung tâm dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, cơ quan quản lý nhà nước giữ vai trò kiến tạo môi trường thể chế. Hình thành và phát triển hệ sinh thái khoa học công nghệ cho nghiên cứu, phát triển và sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế thiết yếu. Xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội gắn với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Thành phố Hà Nội và quốc gia.
Bảo đảm chi cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm. Xây dựng cơ chế, chính sách về đầu tư, tài chính, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ, thử nghiệm chính sách mới, thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, phát triển các sản phẩm chủ lực. Hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, huy động vốn đầu tư, các nguồn lực đầu tư cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển và ứng dụng công nghệ số, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, thúc đẩy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện hành lang pháp lý để khuyến khích sử dụng kết quả khoa học - công nghệ, tài sản sở hữu trí tuệ góp vốn thành lập doanh nghiệp.
Bằng những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, Chương trình hành động của Chính phủ nhằm đưa đồng bằng sông Hồng trở thành vùng phát triển mạnh mẽ và bền vững, đồng thời đóng góp tích cực vào cấu trúc kinh tế và mô hình tăng trưởng của cả nước. Việc thực hiện một cách đồng đều và hiệu quả, chương trình này đã mở ra triển vọng lớn cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của đồng bằng sông Hồng trong tương lai.