Trung Quốc công bố kế hoạch hành động AI toàn cầu
![]() |
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Trí tuệ nhân tạo thế giới tại Thượng Hải vào thứ Bảy ngày 26/7. Ảnh Getty. |
Động thái này không chỉ phản ánh tham vọng công nghệ của Bắc Kinh mà còn cho thấy cuộc đua định hình trật tự AI thế giới đang bước vào giai đoạn gay gắt.
Kế hoạch của Trung Quốc được công bố hôm thứ Bảy tại Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới (WAIC) thường niên ở Thượng Hải, với sự tham dự và phát biểu khai mạc của Thủ tướng Lý Cường. Trong bài phát biểu, ông Lý nhấn mạnh việc Trung Quốc đề xuất thành lập một tổ chức hợp tác quốc tế về AI – một nỗ lực nhằm thúc đẩy cách tiếp cận đa phương trong phát triển và quản trị công nghệ này.
Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng hợp tác với các quốc gia khác, đặc biệt ở khu vực Nam Bán cầu, một thuật ngữ thường dùng để chỉ các nền kinh tế đang phát triển nhằm chia sẻ công nghệ và hỗ trợ chuyển giao tri thức. Thủ tướng Lý cũng nhắc lại chiến lược “AI cộng” (AI Plus), đó là kế hoạch tích hợp AI vào các ngành công nghiệp cốt lõi như sản xuất, y tế, giáo dục và tài chính để thúc đẩy tăng trưởng và hiện đại hóa.
Mỹ muốn dẫn đầu trong khi Trung Quốc kêu gọi đi cùng nhau
Chỉ vài ngày trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố kế hoạch hành động mới của Hoa Kỳ về AI, trong đó nhấn mạnh việc “giảm bớt sự thiên vị tỉnh thức (woke bias)” trong các mô hình AI và thúc đẩy xuất khẩu công nghệ AI của Mỹ ra toàn cầu. Washington xem đây là một phần trong chiến lược bảo vệ lợi thế công nghệ và giá trị phương Tây trước sự trỗi dậy của các mô hình AI mang màu sắc khác biệt từ Trung Quốc và các quốc gia đang phát triển.
George Chen – đối tác tại Asia Group và đồng chủ tịch phụ trách mảng kỹ thuật số – nhận định: “Hai phe hiện đang được hình thành. Rõ ràng Trung Quốc muốn theo đuổi một cách tiếp cận đa phương, còn Mỹ thì chọn xây dựng một khối riêng biệt nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh trong lĩnh vực AI”.
Theo ông Chen, Trung Quốc có thể mở rộng ảnh hưởng thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường, vốn đã thu hút nhiều quốc gia đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Ngược lại, Mỹ nhiều khả năng sẽ nhận được sự ủng hộ của các đồng minh truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc – những nước cũng đang tăng cường đầu tư vào AI để không bị tụt lại phía sau.
Chạy đua cả về công nghệ lẫn tư tưởng
Không chỉ là cuộc đua về chip, thuật toán hay dữ liệu, cạnh tranh AI Mỹ – Trung còn là cuộc chiến về mô hình quản trị công nghệ. Trong khi Mỹ đề cao nguyên tắc tự do ngôn luận, dân chủ và minh bạch thuật toán, Trung Quốc lại nhấn mạnh đến tính ổn định xã hội, chủ quyền số và kiểm soát nội dung.
Từ năm 2022, Mỹ đã siết chặt kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc, khiến các công ty như Huawei, Baidu hay Alibaba phải tìm hướng đi riêng. Dù vậy, Trung Quốc vẫn đang tăng tốc phát triển các giải pháp thay thế nội địa. Gần đây, CEO của Nvidia – ông Jensen Huang – khi đến Trung Quốc lần thứ ba trong năm nay, đã thừa nhận rằng các mô hình và công nghệ AI bản địa của Trung Quốc đang trở nên “đáng gờm”.
Đầu tháng này, Nvidia cho biết đã được phép nối lại việc xuất khẩu chip H20, đây là phiên bản bị hạn chế sang Trung Quốc, sau 3 tháng tạm dừng. Tuy nhiên, việc này không làm giảm quyết tâm tự lực của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ lõi.
Một diễn biến đáng chú ý khác là việc Eric Schmidt – cựu CEO của Google đã xuất hiện tại Thượng Hải trước thềm hội nghị WAIC và gặp Bí thư Thành ủy Thượng Hải Trần Tế Ninh. Tuy đại diện của ông Schmidt từ chối bình luận, nhưng sự hiện diện của ông, một nhân vật chủ chốt trong các chính sách AI của Mỹ cũng phản ánh tầm vóc toàn cầu và tính chất địa chính trị ngày càng rõ rệt của công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Có thể bạn quan tâm


Từ lỗ hổng bảo mật camera an ninh đến chợ đen clip nhạy cảm
Cuộc sống số
Tăng cường cảnh giác và phòng ngừa tội phạm lừa đảo sử dụng công nghệ cao
Chuyển động số
Ấn Độ nối lại việc cấp thị thực du lịch cho công dân Trung Quốc sau 5 năm
Cuộc sống số