Ra mắt sách 'Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông'
Đây là cuốn sách thực chiến, được tích luỹ qua hàng loạt những dự án quản trị khủng hoảng đã thực hiện trong hàng chục năm qua, nhưng cũng đúc kết thành những nguyên lý mang tính căn bản, giúp người đọc định hình lại bản chất của khủng hoảng và cách đối xử với những tình huống leo thang nguy hiểm nhằm tránh những tác động tiêu cực đến doanh nghiệp, tổ chức và cả cá nhân.
Tác giả Lê Quốc Vinh.
Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông là cuốn sách đầu tay của tác giả Lê Quốc Vinh - nhà báo, Chủ tịch HĐQT Công ty Le Bros, đồng sáng lập Elite PR School, đơn vị đào tạo PR thực hành, hợp tác với RIO Book và do Nhà xuất bản Dân Trí ấn hành.
Với gần 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực truyền thông và báo chí, tác giả đã trực tiếp đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong nước và nước ngoài trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng lan truyền trên truyền thông. Toàn bộ những tri thức, bài học quý báu trong hành trình ấy đã được đúc kết trong cuốn sách này.
Thông qua 3 phần nội dung, cuốn sách mở ra một loạt các phương pháp quản trị khủng hoảng, nhấn mạnh vào ba yếu tố chính: giải quyết sự cố triệt để, kiểm soát thông tin một cách khách quan và hành động nhân văn: Phần 1 - Cốt lõi của khủng hoảng; Phần 2 - Phòng ngừa khủng hoảng; Phần 3 - Tác chiến trong khủng hoảng.
Ngay khi mới ra mắt, cuốn sách đã gây được chú ý khi lựa chọn khai thác vấn đề vốn là “nỗi đau” của nhiều doanh nghiệp và cũng là bài toán nan giải cho những người thực hành truyền thông.
Chia sẻ về dự án sách đã ấp ủ suốt 2 năm, Doanh nhân, Nhà báo Lê Quốc Vinh cho biết: “Chúng ta vẫn quen với thuật ngữ “khủng hoảng truyền thông” rồi. Nhưng, với tôi, nếu hiểu khủng hoảng chỉ ở trên các phương tiện truyền thông thôi thì sẽ dẫn đến phương pháp xử lý sai lầm. Rất nhiều doanh nghiệp chỉ cần gỡ bỏ hoặc khoả lấp thông tin tiêu cực, ngỡ rằng đã xử lý xong. Nhưng không phải thế, những hành vi hoặc thái độ gây nên khủng hoảng vẫn nằm đâu đó trong trí não công chúng, thậm chí lan truyền như cơn sóng ngầm, phá nát uy tín doanh nghiệp. Chưa hết, cái cách xử lý khủng hoảng như vậy sẽ gây ra rất nhiều hệ luỵ về sau, tiêu huỷ niềm tin từ công chúng, cộng đồng”. Cuốn sách là triết lý khác về xử lý khủng hoảng, làm nền tảng cho hoạt động quản trị thương hiệu.
Lễ ra mắt sách “Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông”.
Theo tác giả những phương pháp xử lý khủng hoảng bằng cách ngăn chặn thông tin tiêu cực xuất hiện trên báo chí và truyền thông, không những không mang lại kết quả tích cực cho doanh nghiệp, mà còn chứa đựng nhiều hệ lụy dài lâu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự và cả niềm tin của công chúng. Nguyên nhân cơ bản của sai lầm này đến từ nhận thức sai lệch về PR – quan hệ công chúng, với tư duy rằng PR là tạo ra vầng hào quang lấp lánh cho doanh nghiệp và cá nhân trên các phương tiện truyền thông, trong khi bản chất của nó chính là quản trị mối quan hệ tích cực giữa thương hiệu và các nhóm đối tượng liên quan.
Cách hiểu phiến diện về vai trò của PR khiến người ta nghĩ đơn giản rằng, xử lý khủng hoảng nghĩa là chỉ cần không xuất hiện thông tin tiêu cực về thương hiệu trên báo chí, truyền thông là đủ. Với sự phát triển của truyền thông số và những mạng xã hội quyền lực, những kênh truyền thông mới, những ứng dụng OTT len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, nếu vấn đề không được giải quyết tận gốc, đó có thể là mầm mống của một cuộc khủng hoảng lớn hơn.
Về vai trò của người làm truyền thông, tác giả Lê Quốc Vinh nhấn mạnh mục tiêu tối thượng của những người xử lý khủng hoảng truyền thông là mang đến cho báo chí những thông tin trung thực nhất, đúng đắn nhất để có cái nhìn đa chiều và khách quan. “Người làm truyền thông cũng như luật sư vậy. Công việc của anh ta không phải là biến không thành có, đổi trắng thay đen, mà là giúp cho những người cầm cân nảy mực có đầy đủ thông tin khách quan nhất để đưa ra kết luận cuối cùng, không làm trầm trọng hơn thực tế lỗi của doanh nghiệp, càng không thể để doanh nghiệp bị hàm oan vì những cáo buộc không đúng”, ông Lê Quốc Vinh nói.
Bất kể sự chậm trễ, thiên kiến hay lừa dối nào từ người xử lý khủng hoảng cũng có khả năng khiến khủng hoảng tồi tệ hơn, nạn nhân không chỉ là công chúng mà còn chính doanh nghiệp đó.