Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam Cao Xuân Thu Vân khẳng định, Diễn đàn “Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản” là một sự kiện ý nghĩa, khẳng định những nỗ lực góp phần thúc đẩy phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Nhằm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022) và Luật Hợp tác xã số 17/2023/QH15 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, thông qua Diễn đàn hôm nay, Liên minh HTX Việt Nam mong muốn được tiếp thu, đúc kết những ý kiến đóng góp, kiến nghị, thảo luận từ đại diện các Bộ ngành liên quan, các chuyên gia, cộng đồng HTX và các doanh nghiệp để cùng nhau xây dựng chuỗi giá trị nông sản ngày càng hiệu quả hơn nữa.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh: Diễn đàn lần này cũng nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 của Chính phủ về phát triển HTX nông nghiệp trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, là diễn đàn để các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm các giải pháp phát triển kinh tế tập thể, HTX, tạo điều kiện để các cơ quan quản lý nhà nước, HTX, chuyên gia cùng nhau tìm ra con đường phát triển bền vững cho chuỗi giá trị nông sản.
Trong gần 8 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất nông, lâm, nghiệp và thủy sản trong cả nước tiếp tục có nhiều điểm sáng, là yếu tố quan trọng tạo ra tăng trưởng của ngành nông nghiệp và khẳng định vai trò nền tảng của nền kinh tế. Nhất là duy trì tăng trưởng ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.
“Điều này phần nào khẳng định việc tái cơ cấu nông nghiệp đang đi vào đúng quỹ đạo, trong đó có sự đóng góp cực kỳ quan trọng của khu vực kinh tế hợp tác với hơn 20.000 HTX nông nghiệp và hàng chục ngàn tổ hợp tác nông nghiệp, cùng với trên 3,8 triệu thành viên HTX là nông dân”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam đánh giá.
Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước đang có trên 4.000 HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị (chiếm gần 13% tổng số HTX) với các hình thức liên kết chuỗi giá trị phát triển đa dạng theo các công đoạn trong chuỗi giá trị nông sản.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh: “Có thể nói, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản một cách tốt nhất và nâng cao giá trị cho nông sản Việt thì việc phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp. Điều này nhằm đáp ứng cho thị trường quốc tế đang tiếp tục mở rộng cho Việt Nam với gần 20 FTA đã ký kết và đàm phán, cũng như đáp ứng nhu cầu cho thị trường trong nước với quy mô hơn 100 triệu dân”.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cần nhìn nhận một thực tế là vẫn còn nhiều mặt hạn chế và thách thức nhất định cho việc phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản. Và một trong những hạn chế lớn nhất hiện nay là mối liên kết giữa các tác nhân trong cùng một khâu (liên kết ngang), cũng như giữa các khâu (liên kết dọc) trong chuỗi giá trị còn lỏng lẻo.
Do đó, trong các giải pháp phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững và hiệu quả, không thể thiếu vai trò nòng cốt của các HTX nông nghiệp. Thời gian tới, các HTX nông nghiệp cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động theo định hướng phát triển bền vững; ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Thứ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại diễn đàn.
Ngoài ra,trước xu hướng tiêu dùng nông sản xanh của thị trường trong và ngoài nước, việc "xanh hóa" nền nông nghiệp không phải gánh nặng mà là cơ hội. Do đó, các chủ thể trong chuỗi phải hướng tới áp dụng các tiêu chuẩn mới và điều chỉnh hoạt động chuỗi cho phù hợp.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định: tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính bền vững trong chuỗi giá trị nông sản là một vấn đề lớn, một chủ đề quan trọng đối với tăng trưởng, phát triền bền vững của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Nông nghiệp đạt được những thành tựu to lớn, là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam, không chỉ đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, mà còn đóng góp lớn vào xuất khẩu thu ngoại tệ cho đất nước. Mặc dù vậy, phát triển nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại và thách thức, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cạnh tranh ngày càng cao cùng với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Do vậy, tiếp tục cơ cấu lại và phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản là một nhiệm vụ cấp bách và cần thiết.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp thực hiện chủ trương tái cơ cấu và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, to lớn, tăng trưởng duy trì ở mức cao (năm 2023 tăng 3,83%, cao hơn mức Chính phủ giao).
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng 3.38%, nhiều chuỗi giá trị ngành hàng được hình thành, phát triển mạnh mẽ, nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đã có mặt tại các thị trường quốc tế (kể cả thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản). Sản lượng các loại cây trồng và vật nuôi chủ lực như lúa, cà phê, cao su, trái cây, thủy sản ngày càng tăng.
Các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được phát triển phù hợp với điều kiện sản xuất của vùng, tiểu vùng và từng địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm; nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp đã được hình thành, phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cho cả doanh nghiệp và nông dân.
Đặc biệt, thông qua liên kết, nhiều doanh nghiệp đã xác lập mối quan hệ bền vững giữa sản xuất và chế biến, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định; nhiều loại nông sản chính liên kết gắn với yêu cầu bảo đảm tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu hàng hóa.
Nhiều chuỗi giá trị ngành hàng được hình thành, phát triển mạnh mẽ. Thị trường nông sản không ngừng được mở rộng, xuất khẩu nông sản chuyển mạnh sang chính ngạch và đã có mặt ở hơn 196 quốc gia, vùng lãnh thổ (đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới). Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021 - 2023 trên 155 tỷ USD, năm 2024 dự kiến đạt 55 - 56 tỷ USD. Trong đó, có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên, 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, bên cạnh những thành tựu là chủ yếu, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, thách thức, đó là: Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chưa hợp lý; năng suất và chất lượng nhiều nông sản chưa cao trong khi xu hướng tiêu dùng xanh và đòi hỏi ngày càng cao của thị trường; bảo vệ môi trường; phương thức sản xuất còn lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Hệ thống logistics và chuỗi cung ứng còn yếu kém, dẫn đến tình trạng thất thoát sau thu hoạch và chi phí sản xuất cao.
“Đặc biệt, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, gây ra nhiều hiện tượng thiên tai như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, đất đai và nước ngọt ngày càng khan hiếm và bị suy thoái. Việc sử dụng quá mức và không bền vững tài nguyên đất và nước đã ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp”, ông Tiến nhấn mạnh.
Từ những khó khăn trên, ở góc độ quản lý nhà nước, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng thời gian tới, để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, cần tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp thực chất, hiệu quả theo hướng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tập trung vào các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống cây trồng và vật nuôi; sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học; ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa trong quản lý và sản xuất.
Tại diễn đàn, một số giải pháp được đề xuất bao gồm việc ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp, cải tiến giống cây trồng và vật nuôi, tối ưu hóa quy trình sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua việc đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Các đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam.