Thị trường IPO trầm lắng
Các thị trường chứng khoán trên toàn cầu bật dậy vào đầu năm 2023 với sự lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc sau khi từ bỏ chính sách “zero Covid” và các đợt tăng lãi suất nhỏ hơn. Nhưng kể từ đó, những cảnh báo tăng lãi suất cao hơn dự kiến của các ngân hàng trung ương ở phương Tây và khủng hoảng ngân hàng đã làm tiêu tan hy vọng thị trường IPO sẽ hồi sinh.
Các vấn đề trong lĩnh vực ngân hàng sau cú sụp đổ của một số ngân hàng khu vực ở Mỹ và vụ giải cứu ngân hàng Credit Suisse ở Thụy Sĩ càng làm tăng thêm tình trạng không chắc chắn xung quanh lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Cơ quan quản lý tiền tệ này đang nỗ lực kiềm chế lạm phát nhưng đồng thời tránh gây thêm khó khăn cho ngành ngân hàng.
Udhay Furtado, đồng Giám đốc bộ phận Thị trường vốn cổ phần khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng Citigroup, nói: “Lãi suất là vấn đề đang được quan tâm số một. Mọi người đang tranh luận xung quanh việc giới ngân hàng trung ương sẽ kéo dài thắt chặt tiền tệ trong bao lâu hoặc thay đổi tốc độ tăng lãi suất ra sao. Có nhiều thứ mà mọi người cần quan sát gồm hướng đi của ngân hàng trung ương để xem xét nên tiến hành IPO trong quí 2, quí 3 hay quí 4. Tại thời điểm này, dường như họ chỉ xem xét tiến hành IPO vào quí cuối năm”.
Sự ổn định của thị trường chứng khoán, điều mà các công ty cần có để thực hiện thương vụ IPO thành công, đang thiếu trầm trọng sau cú sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB).
Có những dấu hiệu cho thấy sóng gió trong lĩnh vực ngân hàng đang ảnh hưởng đến kế hoạch IPO của các công ty.
Oldenburgische Landesbank, một ngân hàng ở Đức, đã tạm dừng kế hoạch IPO dự kiến diễn ra vào đầu tháng 5 vì các nhà đầu tư lo ngại về sức khỏe của hệ thống ngân hàng toàn cầu.
Stephanie Niven, giám đốc danh mục đầu tư ở Công ty quản lý đầu tư Ninety One, nhận định: “Vẫn còn rất nhiều điều không chắc chắn về những gì sẽ xảy ra vào cuối năm nay, vì vậy, giới nhà đầu tư vẫn đang khá lo lắng. Đây là khoảng thời gian không thoải mái khi rót vốn vào các doanh nghiệp ít tên tuổi”.
Một điểm sáng trong hoạt động thị trường vốn cổ phần là hoạt động bán cổ phần của các công ty niêm yết. Dữ liệu cho thấy các thương vụ phát hành thêm cổ phiếu trên toàn cầu thu về 76 tỉ đô la trong những tháng đầu năm nay, tăng 48% so với một năm trước. Ngân hàng Bưu điện Nhật Bản (Japan Post Bank) đang lên kế huy động 1,3 nghìn tỉ yen (9,9 tỉ đô la) trong đợt phát hành cổ phiếu thứ hai.
Trên thị trường chứng khoán, các cổ đông và công ty đã nhanh chóng bán cổ phiếu để tận dụng đợt tăng giá vào đầu năm nhằm đảm bảo nguồn vốn trong một môi trường lãi suất cao. Chi phí nợ cao hơn cũng có nghĩa là một số công ty ngừng nắm giữ cổ phần chéo để giải phóng vốn và trả nợ hoặc đáp ứng các nhu cầu chi tiêu khác.
Các công ty cũng đã chuyển sang huy động vốn bằng trái phiếu chuyển đổi, cho phép họ vay với chi phí rẻ hơn. Các công ty từ công ty giao đồ ăn Delivery Hero của Đức đến nền tảng video trực tuyến iQIYI của Trung Quốc và hãng sản xuất xe điện Rivian Automotive của Mỹ đều tiến hành các thương vụ bán trái phiếu chuyển đổi. Khoảng 6,4 tỉ đô la đã được huy động dưới dạng trái phiếu chuyển đổi trên toàn cầu trong năm nay, theo dữ liệu của Bloomberg.
Ngay cả với cơn biến động thị trường tài chính hiện nay, các ngân hàng vẫn lạc quan dự báo hoạt động của thị trường vốn cổ phần sẽ trỗi dậy khi có cơ hội, trong khi đó, trái phiếu phiếu chuyển đổi vẫn là một công cụ huy động vốn hấp dẫn.
Lawrence Jamieson, người đứng đầu thị trường vốn cổ phần của khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi ở ngân hàng Barclays, nói: “Chúng tôi vẫn lạc quan một cách thận trọng về triển vọng của hoạt động phát hành cổ phiếu. Tình trạng lây lan rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng sau cú sụp đổ của SVB dường như chỉ là biểu thị của cú sốc niềm tin hơn là cú sốc tín dụng”.