Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 67/NQ-CP ngày 2/5/2023 về đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), theo trình tự, thủ tục rút gọn. Việc giảm 2% VAT là hợp lý, đúng và "hợp lòng dân".
Việc giảm 2% VAT của Chính phủ là một quyết định đúng, trúng và “hợp lòng dân”.
Trước đó, nhiều chuyên gia kinh tế và Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) và Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam (VBA)... từng nhiều lần đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài chính sách giảm 2% thuế VAT tới hết năm 2023 đi kèm một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ… trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh năm nay vẫn gặp nhiều khó khăn.
Được biết, từ ngày 1/2/2022 đến hết năm 2022, thuế VAT được áp dụng giảm từ 10% xuống còn 8% đối với hầu hết nhóm hàng hóa dịch vụ theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Theo ghi nhận, chính sách này đã tác động tích cực và hiệu quả đến nền kinh tế, giúp người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế hưởng lợi từ chính sách thiết thực này.
Với mỗi người dân, khi điều kiện kinh tế khó khăn hơn, thu nhập sụt giảm, việc giảm thuế suất thuế VAT 2% giúp người tiêu dùng cùng một số tiền nhưng mua được nhiều sản phẩm hơn, chất lượng cuộc sống được nâng cao hơn.
Với mỗi doanh nghiệp, giảm thuế cũng là giảm cả giá đầu vào và đầu ra. Giá đầu vào giảm giúp doanh nghiệp trực tiếp tiết giảm được chi phí, có thêm vốn để tái đầu tư, tăng khả năng mở rộng sản xuất. Giá đầu ra giảm tuy doanh nghiệp không được lợi trực tiếp nhưng lại thu lợi gián tiếp nhờ cơ hội gia tăng doanh số.
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, việc giảm thuế suất thuế VAT góp làm giảm giá hàng hóa, giảm áp lực lạm phát. Như vậy, chính sách này có tác động kép, vừa kích thích tăng trưởng sản xuất, vừa ổn định kinh tế vĩ mô.
Cụ thể, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký tờ trình của Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép xây dựng dự thảo nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp vào tháng 5/2023.
Trong bối cảnh có hơn nửa triệu người mất việc làm phải rút bảo hiểm xã hội một lần, gần 600,000 lao động vừa mất việc, bị giãn việc, bớt giờ làm; cùng với đó là tổng cầu khá yếu kéo dài từ quý 4 - 2022 và 4 tháng đầu năm 2023 thì việc giảm 2% VAT của Chính phủ là một quyết định đúng, trúng và “hợp lòng dân”.
Rõ ràng, con số 2% sẽ góp phần quan trọng vào việc kích cầu tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Cụ thể, sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và cân đối kinh phí để vẫn duy trì chất lượng thành phẩm, hàng hóa nhưng với một cơ cấu giá hợp lý hơn để đến được người tiêu dùng. Bản thân người tiêu dùng, khi tích lũy đã cạn, nguồn thu nhập ngày một eo hẹp hơn thì tiết kiệm là ưu tiên hàng đầu, do đó với mức giảm 2% trong thuế, giá cả sẽ hạ về mặt bằng giá có thể chấp nhận được.
Vấn đề là mức giảm trong 6 tháng có vẻ như “lạc quan” so với tình hình tiếp tục khó khăn chung - riêng, từ quốc tế đến quốc nội, cho nên sẽ không dễ để kích cầu đối với người tiêu dùng và phục hồi đối với doanh nghiệp. Việc giảm thuế VAT dự kiến sẽ làm giảm nguồn thu thuế năm nay gần 50 nghìn tỷ đồng và ảnh hưởng đến kế hoạch thu của nhiều địa phương, như TP.HCM dự kiến sẽ giảm từ 8,000 tỷ đến 10 ngàn tỷ đồng. Song, nếu để bù lại khoản hụt thu này thì cần hơn khoảng thời gian 6 tháng cho việc áp dụng giảm 2% VAT. Bởi bước chạy đà phải đủ dài thì mới tạo được lực đẩy mạnh, sức bật cao để “tiếp sức” bền bĩ, tạo kết quả bền vững.
Việc áp dụng 6 tháng giảm 2% VAT, số thu ngân sách giảm khoảng 5,800 tỷ đồng/tháng, ngân sách năm nay ước giảm khoảng 35,000 tỷ đồng - nhưng về lâu dài, sức sản xuất phục hồi, sức mua trở lại.
Trong khi chờ Quốc hội thông qua và có thể tiến hành áp dụng “ngay và luôn” việc giảm 2% VAT từ tháng 6 thì trước đó, những quyết sách của Chính phủ cũng đã cho thấy tinh thần “khoan thư sức dân” với Nghị định 12 về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2023 đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong nhiều ngành kinh tế trọng điểm, thiết yếu (có hiệu lực từ ngày 14/4). Hoặc từ năm 2022, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 15/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội có hiệu lực. Theo đó, giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% đối với nhóm hàng hóa dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%, thời gian đến hết năm 2022.
Buộc phải thừa nhận và chấp nhận sang chấn của đại dịch COVID-19 và tình hình biến động của các cực địa - chính trị - kinh tế toàn cầu để lựa chọn và xác quyết một chủ trương điều hành, chính sách thực thi sát với tình hình thực tiễn. Cụ thể với “sức khỏe” của kinh tế quốc gia hiện nay, một mặt là giải pháp từ phía nhà nước, tức can thiệp - hỗ trợ theo chiều hướng “hy sinh” nguồn tổng thu (trước mắt) bằng nhiều chính sách hỗ trợ cát giảm chi phí, lệ phí, thuế suất; mặt khác, từ người dân và doanh nghiệp sẽ xem đó như một “vốn mồi” để tự thân vận động, tìm cách kích hoạt nội lực “tay làm hàm nhai” có sẵn để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn, khủng hoảng.
Thử lật lại sách sử, dưới thời vua Minh Mạng, năm thứ 6, gặp lúc thiên tai, dịch họa nên vua đã ban lệnh “Gia ơn cho miễn thuế phải nộp năm Minh Mệnh 06 (1825) của hơn 39519 sào ruộng các loại. Phàm lúa tổn thất 4 phần thì miễn giảm thuế 2 phần , tổn thất 5 phần thì miễn giảm 3 phần… tổn thất 8 phần trở lên thì miễn giảm hoàn toàn” (trích bản Thượng dụ ngày mùng 4 tháng 5 năm Minh Mệnh 6 (1825). Hay trong bản Thượng dụ ngày mùng 1 tháng 5 năm Minh Mệnh 06 (1825) đã ghi: “Địa phương Thừa Thiên vụ đông năm ngoái thời tiết ít mưa, công việc nhà nông không được thuận lợi. Tháng 2 năm nay, ruộng bị khô hạn không thể trổ bông được hoặc nếu trổ bông lại gặp gió bấc nên kết hạt không tốt…Nay chuẩn y lời bàn, phàm ruộng lúa bị tổn thất 4 phần mà tô thóc phải nộp 10 phần thì cho giảm 2 phần, tổn thất 5 phần thì cho miễn giảm 3 phần, tổn thất 6 phần thì cho miễn giảm 4 phần, tổn thất 7 phần thì miễn giảm 5 phần, tổn thất 8 phần trở lên thì cho miễn giảm toàn bộ”.
Do đó, xét xưa hay nay, việc một Nhà nước, một Chính phủ biết “khoan thư sức dân”, nhất là trong hoàn cảnh nhiều khó khăn, chọn cái lợi nhiều nhất cho dân, thiệt nhất cho người cầm quyền thì luôn là một lựa chọn khôn ngoan, minh triết. Bởi, nó có thể là cái thiệt trước mắt - cụ thể với việc áp dụng 6 tháng giảm 2% VAT, số thu ngân sách giảm khoảng 5,800 tỷ đồng/tháng, ngân sách năm nay ước giảm khoảng 35,000 tỷ đồng - nhưng lại mang về cái lợi lâu dài, là sức sản xuất phục hồi, sức mua trở lại; là củng cố lòng dân với chính quyền - bài học đầu tiên của chính sách an dân mà người xưa đã đúc kết.
Điểm tích cực của quyết định này là giảm chi phí cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và giảm áp lực tài chính đối với người tiêu dùng. Điều này có thể giúp tăng doanh số bán hàng của các doanh nghiệp, đồng thời giảm giá thành của hàng hóa và dịch vụ, từ đó giúp cải thiện đời sống của người dân.