FTX phá sản tạo nên làn sóng quan ngại về các quy định trong quản lý tài sản ảo
Điều này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với Hong Kong trong việc phát triển tài sản ảo và nhiều rủi ro. Việc quản lý giám sát tài sản ảo thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Tài sản ảo có thể giao dịch và chuyển nhượng thông qua môi trường số, đồng thời có thể được sử dụng để thể hiện giá trị số cho mục đích thanh toán hoặc đầu tư, bao gồm thể hiện giá trị số dưới dạng phương tiện trao đổi, đơn vị tài khoản và lưu trữ giá trị…
Quản lý tài sản ảo vốn luôn được đặt ra tại các quốc gia nhưng giới lập pháp vẫn chưa thể tìm ra phương án hữu hiệu nhất.
Nhìn chung, tài sản ảo có thể phân thành ba loại: Một là token thanh toán, trao đổi, bao gồm tiền ảo như bitcoin và litecoin…; Hai là token đầu tư, chứng khoán và ba là công cụ tiện ích để truy cập ứng dụng hoặc dịch vụ.
Xét từ hình thức tồn tại của tài sản ảo có thể thấy rằng có thể có các nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) khác nhau, VASP chủ yếu đại diện cho một thể nhân hoặc pháp nhân khác để thực hiện các hoạt động như trao đổi giữa tài sản ảo và tiền tệ pháp định; trao đổi giữa một hoặc nhiều loại tài sản ảo; chuyển nhượng tài sản ảo; công cụ quản lý tài sản ảo hoặc kiểm soát tài sản ảo; tham gia và cung cấp các dịch vụ tài chính liên quan đến việc phát hành, bán tài sản ảo.
Trên thực tế, tài sản ảo vừa không phải do ngân hàng trung ương hoặc tổ chức công phát hành, vừa không phải do tổ chức công bảo đảm, đồng thời cũng không cấu thành nghĩa vụ đối với ngân hàng trung ương. Chúng luôn có sự khác biệt về bản chất với tiền tệ pháp định.
Mặc dù một số ngân hàng trung ương đã nghiên cứu tiền điện tử do ngân hàng trung ương phát hành, nhưng không thể ngăn chặn các phần tử tội phạm lợi dụng tính ẩn danh của khóa riêng và khóa chung của tài sản ảo, khiến các rủi ro liên tục xuất hiện.
Do đó, cần tiến hành các giám sát và đánh giá cần thiết đối với loại hình, quy mô rủi ro mọi nơi, mọi lúc. Ngoài ra, do tài sản ảo không phân biệt quốc gia, thiếu phương pháp giám sát và quản lý thống nhất ở cấp độ quốc tế nên đã làm gia tăng rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố. Vì vậy, cần phải xây dựng một khung quản lý giám sát mang tính toàn cầu để hạ thấp rủi ro một cách hiệu quả.
Hiện nay, về nguyên tắc các nhà cung cấp tài sản ảo và dịch vụ tài sản chịu sự ràng buộc của Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính quốc tế (FATF). FATF yêu cầu các thành viên phải có năng lực nhận biết, đánh giá và hiểu biết rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố liên quan đến các hoạt động của tài sản ảo, cần tăng cường thẩm tra đối với các loại tiền ảo có thể chuyển đổi và phi tập trung có rủi ro cao.
Sàn giao dịch FTX đang tạo ra những hiệu ứng xấu đối với niềm tin của nhà đầu tư.
Do đó, các thành viên cần phải sử dụng phương thức tiếp cận dựa trên cơ sở rủi ro (RBA) để áp dụng các biện pháp chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố tương ứng với những rủi ro đã xác định.
Để bảo đảm việc quản lý giám sát đầy đủ và hiệu quả đối với các nhà cung ứng dịch vụ tài sản ảo, hạ thấp rủi ro liên quan đến tài sản ảo, FATF cần có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, bắt buộc cung cấp thông tin, cũng như thực hiện một loạt biện pháp kỷ luật và trừng phạt tài chính, bao gồm quyền thu hồi, hạn chế hoặc đình chỉ giấy phép, đăng ký của VASP.
Tuy nhiên, môi trường pháp lý chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố không được ngăn cản sự đổi mới sáng tạo của các công ty, cung cấp dịch vụ tài chính ngày càng nhiều và thúc đẩy ngành tài chính phát triển đa dạng hóa.
Xét từ góc độ môi trường hoạt động của tài sản ảo, hầu hết các khu vực pháp lý vẫn chưa đưa ra các biện pháp liên quan đối với hoạt động của tài sản ảo, đặc biệt là trong lĩnh vực chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, nên không thể quản lý giám sát các hoạt động này cũng như những rủi ro phát sinh.
Việc quản lý giám sát hoạt động của tài sản ảo là một nhiệm vụ phức tạp liên quan đến nhiều bên lợi ích, vì vậy cần phải xây dựng một nhóm biện pháp mang tính toàn cầu thống nhất trong khuôn khổ FATF để giảm thiểu hoặc hạ thấp các rủi ro liên quan đến tài sản ảo.