Giải pháp phát triển mô hình các tạp chí khoa học thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam
Lời tòa soạn: Tạp chí khoa học hiện đại đóng một vai trò then chốt, rất quan trọng trong việc phát triển khoa học kỹ thuật. Phát triển mô hình chung cho các tạp chí khoa học thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam là một vấn đề không đơn giản. Việc phát triển mô hình thế nào? để tạo thương hiệu, mở rộng đối tượng bạn đọc, tăng nguồn thu cho tòa soạn là một bài toán khiến nhiều Lãnh đạo cơ quan báo chí thuộc các cơ quan báo chí Liên hiệp Hội Việt Nam trăn trở từ nhiều năm nay. Với tính cấp thiết đó, Điện tử và Ứng dụng trân trọng giới thiệu đến bạn đọc chia sẻ của PGS. TS Nguyễn Tất Viễn, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý, Chủ tịch HĐKH Tạp chí Việt Nam hội nhập về vấn đề này.
Phát triển mô hình chung cho các tạp chí khoa học thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam là một vấn đề không đơn giản. Bởi các tạp chí không có được sự đồng nhất về đặc thù, điều kiện trong quá trình hoạt động và phát triển (các loại hình tạp chí khoa học gồm: Tạp chí khoa học thông tin lý luận; Tạp chí khoa học chuyên ngành đặc thù và Tạp chí khoa học ứng dụng mang tính xã hội, đại chúng). Cho nên, Tham luận này chủ yếu xuất phát từ tình hình thực tế và yêu cầu phát triển chung của các tạp chí khoa học thuộc hệ thống LHH nhằm đưa ra những giải pháp để các cơ quan Tạp chí khoa học lưu tâm, nghiên cứu và vận dụng sao cho phù hợp với Tạp chí của đơn vị; từ đó tạo nên sự phát triển nhanh và bền vững.
Quy mô và tính chất của các tạp chí khoa học thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam
Với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận của Liên hiệp Hội Việt Nam nơi quy tụ hàng trăm các đơn vị hội ngành, các tổ chức khoa học công nghệ trong nước, các nhà khoa học hàng đầu của cả nước, các cơ quan báo chí trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam có sứ mệnh truyền bá chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, truyền tải kiến thức về khoa học, công nghệ, văn hóa cũng như mọi mặt của đời sống xã hội, các thông tin hoạt động của cơ quan Liên hiệp Hội Việt Nam đến đông đảo người dân và đội ngũ trí thức.
Trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam hiện nay có 01 cơ quan báo chí trực thuộc trực tiếp Liên hiệp Hội, 21 cơ quan báo chí trực thuộc trực tiếp các Viện, 47 cơ quan báo chí trực thuộc trực tiếp các hội ngành, tổng cộng là 69 cơ quan báo chí trong hệ thống Liên hiệp Hội. Nếu tính đến cả số tạp chí chuyên ngành trực thuộc các chi hội của ngành toàn quốc thì tổng số gần 90 cơ quan báo chí, chưa kể đến trang tin điện tử, bản tin nội bộ của các đơn vị trong toàn hệ thống. Với quy mô như vậy, Liên hiệp Hội Việt Nam là đơn vị có lực lượng cơ quan báo chí lớn và hùng hậu bậc nhất cả nước. Đó đều là các tạp chí khoa học.
Về khái niệm, Tạp chí khoa học là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ để công bố kết quả nghiên cứu khoa học, thông tin về hoạt động khoa học chuyên ngành, đăng tải các nội dung học thuật thuộc một lĩnh vực hàn lâm, khoa học (Theo khoản 16 Điều 3 Luật Báo chí 2016). Đó là một diễn đàn ổn định, thường xuyên và minh bạch để trình bày, thảo luận về các kết quả nghiên cứu, các nội dung học thuật; cũng như một số nội dung khác theo tôn chỉ mục đích riêng có của mỗi tạp chí. Tạp chí khoa học cũng được coi là nguyên liệu đầu vào cho hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ bởi không có hoạt động nghiên cứu KH&CN nào được tiến hành mà không có sự tham khảo các công trình nghiên cứu được đăng tải trên các tạp chí khoa học trước đó... Cho nên không có gì lạ khi nói rằng, các tạp chí khoa học nói chung, được xem là đại diện tiêu biểu nhất phản ánh nền khoa học ở mỗi quốc gia.
Nhà báo Đặng Đình Chấn, đại diện Tạp chí Việt Nam Hội nhập chia sẻ. Ảnh: Hùng Cường
Thực trạng phát triển của các tạp chí khoa học thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam
Hiện hầu hết các Tạp chí khoa học của Liên hiệp Hội Việt Nam đều thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính. Đây là một khó khăn và thách thức lớn, đòi hỏi năng lực và kinh nghiệm điều hành của người đứng đầu cơ quan tạp chí (Tổng biên tập) để có thể duy trì và phát triển. Trong bối cảnh đó, thời gian qua lãnh đạo các tạp chí trong hệ thống đã tích cực đa dạng hóa các hoạt động, tạo thương hiệu, mở rộng đối tượng bạn đọc, tăng nguồn thu cho tòa soạn. Kinh tế báo chí (KTBC) có tầm quan trọng sống còn và là điều kiện quan trọng bậc nhất (sau yếu tố con người) đối với sự phát triển của tạp chí; nhất là trong giai đoạn hiện nay khi các tạp chí nói chung, các tạp chí thuộc LHH nói riêng đang phải chịu sự tác động không nhỏ của truyền thông trên mạng xã hội (MXH) như facebook, zalo, tiktok... Chính vì vậy, để tạo nguồn thu, các tạp chí đều tăng cường lập kế hoạch kinh doanh trên cơ sở pháp luật cho phép, mặc dù đây là việc làm không dễ trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay.
Một đặc điểm rất quan trọng ở nước ta, báo chí là sản phẩm văn hóa, cũng là sản phẩm chính trị. Các cơ quan báo chí đều thực thi nhiệm vụ kép, dù cơ quan báo chí là đơn vị tự chủ hoàn toàn thì nhiệm vụ quan trọng hàng đầu vẫn là thực hiện nhiệm vụ chính trị theo tôn chỉ, mục đích của tờ báo. Cho nên, tôn chỉ mục đích xác định vị trí, chức năng... của cơ quan báo chí đó.
Nhìn chung, hoạt động của các tạp chí khoa học thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam trong thời gian qua tuân thủ các quy định pháp luật trong quản lý kinh tế báo chí, trong đó đặc biệt là Luật Báo chí 2016, Luật Quảng cáo 2012, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập cùng các quy định về chính sách thuế doanh nghiệp... Nhưng điều đó không có nghĩa là các tạp chí trong hệ thống Lien hiệp Hội Việt Nam không gặp khó khăn; vấn đề kinh tế để đảm bảo duy trì hoạt động tạp chí nhằm đáp ứng yêu cầu công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, vẫn là thách thức lớn và không dễ giải quyết đối với các tạp chí khoa học trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam hiện nay.
Mặt khác, chất lượng nhiều tạp chí chuyên ngành chưa cao cũng là một thực trạng, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như: quy trình quản lý xuất bản chưa chặt chẽ; nhiều tạp chí chưa xây dựng được một quy trình kiểm soát chất lượng đảm bảo tính khách quan, minh bạch theo những chuẩn mực tiên tiến; rất ít tạp chí thiết lập được hệ thống thu nhận, xử lý, phản biện và xuất bản trực tuyến đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Một nguyên nhân khác khiến chất lượng xuất bản khoa học chưa cao là việc xây dựng đội ngũ chuyên gia phản biện chưa được làm tốt; chưa ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quy trình quản lý xuất bản. Những tòa soạn thành công một phần là nhờ dung hòa được các yếu tố từ phiên bản điện tử (sự lan tỏa, số lượng bạn đọc, thương hiệu tờ báo) và phiên bản báo in (có nguồn thu cao hơn).
Ảnh minh họa
Giải pháp phát triển tạp chí khoa học trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam
Tạp chí khoa học có vai trò rất quan trọng trong công tác phổ biến kiến thức. Nhưng tạp chí khoa học cũng rất cần đáp ứng được yêu cầu các thông tin liên quan phải nhanh nhạy, kịp thời, cập nhật, nếu không thông tin sẽ trở nên lỗi thời, không còn tính hấp dẫn và sự đón nhận của độc giả nữa.
Trong Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 đã xác định giải pháp quan trọng để phát triển hệ thống tạp chí khoa học và công nghệ trong nước đạt trình độ quốc tế là: “Đầu tư thỏa đáng đối với hệ thống tạp chí trong nước trên cơ sở cân đối giữa các lĩnh vực khoa học và công nghệ, các đối tượng phục vụ, khuyến khích áp dụng công nghệ số, liên kết với các nhà xuất bản, tạp chí có uy tín trên thế giới. Nâng cao trình độ của đội ngũ biên tập, tăng tính đa dạng quốc tế của hội đồng biên tập; thu hút, khuyến khích các nhà khoa học trong và ngoài nước đăng tải các bài báo có chất lượng ở tạp chí trong nước. Có các quy định bắt buộc các đề tài từ ngân sách nhà nước phải có công bố trên các tạp chí trong nước”.
Những nội dung đề cập sau đây chính là những giải pháp được cụ thể hóa từ Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ, cần được lưu tâm, nghiên cứu áp dụng nhằm khắc phục khó khăn đưa các tạp chí khoa học trong Hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Cụ thể:
1. Để phát huy được vai trò chính trong phổ biến kiến thức, tạp chí khoa học cần một đội ngũ vừa có nghiệp vụ báo chí cao của người làm báo, vừa cần có kiến thức khoa học và công nghệ của một nhà khoa học; khi kết hợp được cả 2 yếu tố trên trong một người làm báo thì sẽ nâng cao được vai trò của Tạp chí, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay. Cho nên, đây là vấn để cần có sự đầu tư nghiêm túc, bài bản, mang tính chất lâu dài.
2. Để nâng cao chất lượng của tạp chí khoa học, cần xây dựng và duy trì các chuyên mục phù hợp với loại hình tạp chí một cách chất lượng; thể hiện rõ trong các chủ đề: giới thiệu chủ trương, đường lối, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật; phản ánh các công trình nghiên cứu; cập nhật, trao đổi các kiến thức mới khách quan, thực tiễn trong và ngoài nước; thực hiện giải đáp, tư vấn khoa học, phản biện khoa học trên Tạp chí...
3. Vấn đề rất quan trọng nữa là phải đáp ứng và hoàn thiện một số tiêu chí cơ bản, như : Quan tâm đầu tư, xây dựng, hoàn thiện một bộ máy lãnh đạo giỏi và tận tâm với nghề (nhất là người đứng đầu) để vận hành tạp chí một cách hiệu quả và chuẩn chỉ - Đây là yếu tố quan trọng bậc nhất; Có định hướng sát thực nhằm tạo lập một nguồn tài chính ổn định; có quy trình chặt chẽ trong việc kiểm duyệt để đăng bài; có tỷ lệ phù hợp các bài viết phân tích chuyên sâu trên mỗi số tạp chí (ít nhất là 1/3) trên cơ sở huy động hiệu quả mạng lưới cộng tác viên là các chuyên gia, nhà khoa học; có các thống kê về chỉ số được trích dẫn của các bài báo đăng trên Tạp chí đó thông qua chỉ số ảnh hưởng; có đội ngũ phóng viên, nhà báo đủ trình độ chuyên môn, chủ động thực hiện vai trò cầu nối của quá trình xây dựng thực hiện chính sách, cũng như trong tiếp cận các vấn đề kinh tế - xã hội giữa các nhà khoa học và các cơ quan hoạch định chính sách...
4. Bên cạnh tính căn cốt về nội dung, Tạp chí khoa học cần nỗ lực đầu tư về công nghệ nhằm tạo các lực đẩy nội dung lên đa nền tảng để đến với bạn đọc, công chúng nhiều và nhanh hơn. Nếu không tổ chức đầu tư công nghệ thì sẽ tụt hậu trong hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kéo theo sự tụt hậu cả về tạo nguồn lực kinh tế để phát triển... Trong đó, thực hiện quản trị số và ứng dụng công nghệ số là một yêu cầu rất quan trọng cần hướng tới.
5. Ở một góc nhìn xa và rộng hơn (nhưng cũng rất cần thiết), một tạp chí khoa học chuyên sâu phải vươn tầm quốc tế, được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận. Muốn vậy, phải xác lập cho mình bản sắc riêng trong cộng đồng khoa học toàn cầu và tất cả cần được thực hiện trên nền tảng tạp chí khoa học trực tuyến - VJOL.
6. Việc cấp định danh cho đối tượng số - gọi tắt là DOI (Digital Object Identifier) là một vấn đề được các tạp chí khoa học trên thế giới rất quan tâm. Hầu hết các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới đều đã áp dụng cấp mã định danh DOI cho các bài đăng trên tạp chí của mình. DOI rất quan trọng trong trích dẫn học thuật vì chúng có đặc tính duy trì bền vững lâu dài, đảm bảo rằng người đọc có thể định vị nguồn một cách đáng tin cậy. Cấu trúc của một mã định danh DOI đã được quy định trong Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12198:2018 (ISO 26324:2012). Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay việc cấp mã DOI cho bài báo khoa học trên tạp chí còn rất hạn chế (Tạp chí Việt Nam hội nhập nằm trong số tạp chí Việt Nam đã được cấp mã số DOI đó). Tạp chí khoa học cần chú trọng phát triển theo chuẩn mực và thông lệ chung của quốc tế, trong đó chú trọng xuất bản cả bằng tiếng Anh; cần định dạng bài báo theo thông lệ chung; đa dạng hóa thành viên hội đồng biên tập, bao gồm cả từ nước ngoài; hướng tới số hóa và xuất bản trực tuyến...
7. Chủ đề hội thảo này là nhằm hướng tới phát triển các tạp chí trong hệ thống, nhưng điều quan trọng trước tiên phải ổn định định về Luật và Chính sách dành cho các tạp chí trong hệ thống thì mới yên tâm đầu tư cho phát triển các tạp chí. Theo như dự thảo đề nghị sửa đổi Luật Báo chí 2016 dự kiến không còn các tạp chí thuộc các Viện Nghiên cứu ngoài công lập cũng như một số vấn đề trong Dự thảo đã và đang ảnh hưởng tới tâm thế phát triển của các cơ quan tạp chí trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam:
- Phân biệt đối tượng thành lập cơ quan báo chí công lập và ngoài công lập trong khi mọi tổ chức, công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Điều này đã được ghi rõ trong Điều 16 Hiến pháp 2013: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Bình đẳng trước pháp luật là một trong những dâyền, đành bản, được thể chế hóa trong nhiều văn kiện quốc gia. Đưa những nguyên tắơng lập ra khỏi đối tượng thành lập cơ quan báo chí là đi ngược lại với Điều 48 Chương 5 Luật Khoa học Công nghệ về truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ: Nhà nước đầu tư, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển công tác truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ... Điều này đã đi ngược lại chủ trương huy động xã hội hóa nguồn lực khoa học và công nghệ của Đảng và Nhà nước đã khẳng định qua nhiều Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng gần đây.
- Chỉ căn cứ vào một số tạp chí yếu kém, vi phạm pháp luật mà cho dừng hoạt động tất cả các tạp chí khoa học ngoài công lập là không thỏa đáng. Trong đó có những cơ quan tạp chí đã và đang là một trong những cơ quan tạp chí mạnh của Việt Nam sau bao nỗ lực của nhiều thế hệ để có các thành tựu về các chỉ số nghiên cứu khoa học, hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, mã số định danh DOI.
- Để giúp cho các tạp chí phát triển, cần tạo điều kiện cho nhân tố tốt phát triển và triệt tiêu những tiêu cực không đáng có, cần tăng cường chế tài xử lý sai phạm đủ nghiêm minh nhằm ngăn chặn tận gốc sai phạm trong lĩnh vực báo chí thay bằng xóa bỏ các tạp chí khoa học ngoài công lập như hiện nay. Bên cạnh đó, nâng cao các yêu cầu và điều kiện thành lập tạp chí cũng như việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo cơ quan tạp chí phải có đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ.
- Thực tế có một đội ngũ nhà báo khoa học - công nghệ trong đội hình nhà báo Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam, đóng góp vào công cuộc truyền thông làm thay đổi tư duy trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đội ngũ nhà báo Việt Nam không thể thiếu các nhà báo công tác tại các cơ quan báo, tạp chí khoa học. Bởi khoa học luôn gắn liền với thực tiễn cuộc sống. Việc đề nghị xóa bỏ việc không cấp Thẻ nhà báo cho các nhà báo công tác tại các tạp chí khoa học là không thỏa đáng, không thuyết phục. Thay cho việc này có thể xét cấp hạn chế và xét từng tạp chí khoa học cụ thể.
Có được một chính sách quản lý như vậy thì mới tạo nên những hiệu quả phát triển mang tính bền vững, lành mạnh, hiệu quả cho các tạp chí trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay.