Giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam trong điều kiện mới
Diễn đàn là sự kiện thường niên quan trọng nhằm góp phần triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế dựa trên nguyên lý “đầu ra của sản phẩm này là đầu vào của sản phẩm khác”. Kinh tế tuần hoàn là một hệ thống kinh tế được phục hồi và tái tạo theo thiết kế, dựa trên ba nguyên tắc chính: Bảo tồn và tăng cường vốn tự nhiên, tối ưu hóa năng suất tài nguyên và thúc đẩy hiệu quả của hệ thống.
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên, vật liệu; kéo dài vòng đời sản phẩm; hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
PGS.TS. Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.
Kinh tế tuần hoàn hoạt động theo một vòng tròn, chất thải của hoạt động này là nguyên liệu của hoạt động mới, tạo ra một vòng lặp lại mang tính khép kín. Nhờ đó, các giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế ở mức độ lâu nhất, nhằm tối thiểu việc sử dụng tài nguyên là nguyên liệu đầu vào và lượng phế thải, mức độ ô nhiễm môi trường và khí thải cũng giảm đi đáng kể.
PGS. TS. Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh: “Kinh tế tuần hoàn có vai trò quan trọng để thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, qua đó đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”. Đảng và Nhà nước ta coi thực hiện kinh tế tuần hoàn là một trong những nội dung quan trọng của định hướng phát triển.
Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021- 2030 đã nêu ra các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội trong đó có phát triển kinh tế tuần hoàn như một mô hình kinh tế để quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việt Nam đã thông qua một số chính sách và văn bản pháp luật quan trọng về kinh tế tuần hoàn, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường, được sửa đổi, bổ sung vào năm 2020 và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành.
Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang được giao dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030.
Như vậy, qua hệ thống chính sách, pháp luật theo hướng xanh hoá đã được ban hành cũng như các chiến lược liên quan đến phát triển kinh tế xã hội gắn với phát triển bền vững trong đó có phát triển kinh tế tuần hoàn ban hành trong thời gian tới đã cho thấy sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước về đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh và bền vững và thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
PGS.TS. Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh, phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng quan trọng trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Xu hướng này không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ra những thách thức lớn cho Việt Nam.
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Văn Thành chia sẻ tại diễn đàn.
Do đó PGS. TS. Nguyễn Đức Minh cho rằng việc xem xét, thảo luận các nội dung, chính sách và triển vọng của kinh tế tuần hoàn cũng như nhận diện những vấn đề, thách thức trong thời gian tới khi thực hiện kinh tế tuần hoàn trên thực tế là rất quan trọng.
Tại Diễn đàn, các bài tham luận của chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách đã cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoàn thiện, bổ sung các giải pháp mang tính then chốt, đặc thù, vượt trội đối với ngành, lĩnh vực và trong tạo động lực, huy động nguồn lực tài chính, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới. Bên cạnh đó, các đại biểu còn tập trung thảo luận những vấn đề còn hạn chế, điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách cần phải tháo gỡ trong việc địa phương hóa các chiến lược, kế hoạch liên quan đến kinh tế tuần hoàn cũng như nhận diện và xác định đúng những nguyên nhân hạn chế, bất cập ở địa phương hiện nay; kiến nghị, đề xuất giải pháp khắc phục những hạn chế, thách thức và tận dụng những lợi thế do bối cảnh mới mang lại để có những chuyển đổi mạnh mẽ, thực chất trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam ở cấp độ chính phủ, địa phương, doanh nghiệp và hộ gia đình.
Trao đổi tại Diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, kinh tế tuần hoàn được xây dựng trên các nguyên tắc giảm thiểu, tái chế và sử dụng bền vững tài nguyên, là xu hướng cần thiết nhằm giải quyết các thách thức môi trường và tiêu dùng hiện nay.
Trong khi nhiều quốc gia như Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể, Việt Nam vẫn đối diện với những khó khăn về nhận thức và thiếu các chính sách hỗ trợ hiệu quả. Dù vậy, những tín hiệu tích cực đã xuất hiện ở một số lĩnh vực như mô hình sản xuất hệ thống nông nghiệp tổng hợp và phát triển năng lượng tái tạo trong công nghiệp.
Diễn đàn có sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Ngân hàng TMCP Công
Thương Việt Nam (VietinBank).
Để hiện thực hóa Kế hoạch hành động Quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, TS. Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, kinh tế tuần hoàn được quốc tế đồng thuận là giải pháp quan trọng để hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Việt Nam đã tích cực lồng ghép kinh tế tuần hoàn vào các chiến lược, chương trình phát triển quốc gia.
Tuy nhiên, phần lớn các mô hình hiện nay vẫn nhỏ lẻ. Đề án và Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn được xây dựng với mục tiêu kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm chất thải và tăng cường đổi mới sáng tạo. 38 nhiệm vụ cụ thể đã được phân công cho các bộ, ngành, địa phương nhằm thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030 và xa hơn.
Đề xuất cơ chế thử nghiệm để thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nêu quan điểm lựa chọn các ngành, lĩnh vực thử nghiệm cần hướng tới bảo đảm không gian rộng nhất cho doanh nghiệp thiết kế các mô hình, dự án kinh tế tuần hoàn.
Theo đó, một số ngành, lĩnh vực tập trung thử nghiệm như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng và vật liệu xây dựng.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đề xuất một số chính sách cần thử nghiệm bao gồm chính sách khu công nghiệp, tín dụng xanh, phân loại xanh, khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, cùng với các chính sách đất đai phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn.