Trung Quốc chấn chỉnh tình trạng giảm giá tràn lan trong ngành xe điện
![]() |
Gã khổng lồ xe điện Trung Quốc BYD đã giảm giá vào 23/5, khiến các cơ quan quản lý phải lên tiếng. Mặc dù vậy, các nhà phân tích cho rằng khó có thể làm gì được đối với sự cạnh tranh trên thị trường. Giá ô tô xuất khẩu của Trung Quốc giảm và giá xe cũ chưa qua sử dụng là dấu hiệu của tình trạng cung vượt cầu. Ảnh: Getty. |
Trong khi chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực chấn chỉnh tình trạng giảm giá tràn lan trong ngành xe điện, các nhà phân tích và doanh nghiệp lại cho rằng “cuộc chiến giá” mới chỉ là bước khởi đầu của một giai đoạn cạnh tranh khốc liệt hơn.
Nhà chức trách không hài lòng, nhưng doanh nghiệp vẫn giảm giá
Cuối tháng 5, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã công khai chỉ trích làn sóng giảm giá sâu trong ngành ô tô nước này, cảnh báo điều đó đang đẩy thị trường vào vòng xoáy “hoảng loạn” và gây rủi ro về an toàn cũng như lợi nhuận. Mũi nhọn của đợt cảnh báo lần này hướng vào BYD, hãng xe điện hàng đầu Trung Quốc sau khi hãng này bất ngờ hạ giá hơn 30% cho một mẫu xe vào ngày 23/5.
Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng “cuộc chiến giá cả không có người chiến thắng, càng không có tương lai”. Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ siết chặt kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh, phối hợp với các bộ ngành liên quan để đảm bảo môi trường thị trường lành mạnh.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng hành động của BYD chỉ là việc chính thức hóa mức chiết khấu mà người tiêu dùng vốn đã nhận được thông qua chương trình trợ giá đổi xe cũ của chính phủ. Trong bối cảnh cung vượt cầu ngày càng rõ rệt, làn sóng giảm giá được nhận định sẽ còn tiếp diễn.
Từ “nội quy” đến nguy cơ thoái hóa ngành
Giới truyền thông Trung Quốc đã sử dụng một từ khóa đang lan truyền trong xã hội là “nội quy” (involution) để mô tả tình trạng cạnh tranh quá mức, đua nhau giảm giá mà không tạo ra giá trị thực sự. Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thậm chí đã đề cập cụm từ này trong báo cáo công tác tháng 3 vừa qua.
Trong khi BYD chiếm tới gần 30% thị phần nội địa, hãng vẫn chịu áp lực lớn từ các đối thủ khác. Báo cáo của Nomura chỉ ra rằng doanh số của BYD trong tháng gần nhất tăng 14%, đây là mức tăng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (19%), cho thấy tốc độ phát triển đang chững lại.
Zhong Shi, nhà phân tích thuộc Hiệp hội Đại lý ô tô Trung Quốc đã cảnh báo rằng chưa có biện pháp hữu hiệu để dừng lại cuộc đua giảm giá, khi mà cả các thị trường nước ngoài cũng đang theo dõi sát diễn biến tại Trung Quốc nhằm dự đoán tác động đến ngành ô tô toàn cầu.
Theo dữ liệu từ Tổng thư ký Cui Dongshu thuộc Hiệp hội xe du lịch Trung Quốc, giá trung bình của ô tô xuất khẩu từ Trung Quốc đã giảm đáng kể kể từ năm 2023. Chẳng hạn, giá xuất khẩu xe Trung Quốc sang Đức giảm từ 30.000 USD năm ngoái xuống còn 21.000 USD hiện nay. Tuy nhiên, Mexico là ngoại lệ, với giá trung bình tăng từ 12.000 lên 13.000 USD.
Trong nước, theo Nomura, giá xe trung bình tại Trung Quốc đã giảm khoảng 19% trong hai năm, chỉ còn 165.000 nhân dân tệ (tương đương 22.900 USD). Đây là chỉ dấu rõ ràng về tình trạng dư thừa công suất và đua nhau “phá giá”.
Xe mới nhưng được bán lại như xe cũ
Một hiện tượng “lạ đời” cũng đang khiến giới quan sát lo lắng: xe mới đăng ký nhưng lại được bán ngay như xe cũ. Chủ tịch Great Wall Motor, ông Wei Jianjun, cho biết có đến 3.000 – 4.000 người bán đang chào bán các xe “đã qua sử dụng” nhưng chưa chạy một km nào. Điều này khiến số liệu bán hàng bị bóp méo và thị trường trở nên hỗn loạn. Ông kêu gọi cần có cơ chế quản lý chặt hơn với ngành.
Mới chỉ là “món khai vị”
Theo ông He Xiaopeng, CEO của hãng xe Xpeng cho rằng cạnh tranh về giá chỉ là “món khai vị”. “Cuộc chiến thực sự sẽ diễn ra trong 5 năm tới và khốc liệt hơn nhiều”, ông dự báo. Xpeng đặt mục tiêu cạnh tranh bằng công nghệ thay vì giá, tập trung vào hệ thống hỗ trợ người lái và mở rộng ra ngoài Trung Quốc.
Xpeng hiện đang giao hơn 30.000 xe mỗi tháng trong 7 tháng liên tiếp. Tuần qua, hãng đã tung ra phiên bản mới Mona 03 Max với giá chỉ 129.800 nhân dân tệ (18.020 USD), giảm gần 17% so với mức công bố ban đầu hồi tháng 8/2024.
Tuy nhiên, lợi nhuận vẫn là dấu hỏi lớn cho toàn ngành. Quý I năm nay, Xpeng báo lỗ 90 triệu USD, còn Nio lỗ gần 950 triệu USD. Trong khi đó, Xiaomi, hãng điện thoại vừa bước chân vào lĩnh vực xe điện lại tuyên bố kỳ vọng có lãi trong nửa cuối năm nay với mẫu sedan SU7. Hãng cũng đang chuẩn bị tung mẫu SUV YU7 để đối đầu với Tesla Model Y.
Chờ một cuộc "tái cấu trúc" thực sự
Nomura nhận định: “Giai đoạn cạnh tranh gay gắt nhất vẫn chưa đến. Phải tới khi thị trường thực sự hợp nhất và cơ cấu lại, mới có thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn giảm giá – đốt tiền – thua lỗ”.
Với dấu hiệu cung vượt cầu ngày càng rõ rệt, cùng những rối loạn trong kênh phân phối, thị trường ô tô Trung Quốc có thể đang đứng trước ngã ba đường: hoặc lún sâu vào thoái hóa, hoặc buộc phải tiến hóa thông qua đổi mới công nghệ và cải cách quản lý.
Có thể bạn quan tâm


Keysight và NIO tiên phong trong lĩnh vực xe điện thông minh thế hệ mới
Doanh nghiệp số
CarPlay iOS 26 ra mắt: Giao diện mới, widget thông minh và trải nghiệm lái xe an toàn hơn
Xe 365
Sắp ra mắt Zeekr 9X với khả năng sạc siêu tốc 9 phút, thách thức Tesla bằng chip AI mạnh gấp đôi
Xe và phương tiện