Chuyển đổi sản xuất xanh cho phát triển bền vững
Diễn đàn có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới nền kinh tế xanh, phát triển bền vững và cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo tuyên bố tại Hội nghị COP26.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết: Trong bối cảnh Việt Nam chịu áp lực từ biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và yêu cầu hội nhập xanh, việc hợp tác xã chuyển đổi theo hướng sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ, truy xuất nguồn gốc và tham gia thị trường tín chỉ carbon trở thành yêu cầu tất yếu.
![]() |
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân phát biểu khai mạc diễn đàn |
Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, thực tiễn cho thấy, ở đâu có sản xuất, có nhu cầu phát triển kinh tế thì ở đó có tổ hợp tác, hợp tác xã. Nếu được phát triển hiệu quả, các tổ hợp tác, hợp tác xã không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn thúc đẩy tăng trưởng GDP, giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bền vững. Đặc biệt, Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long đặt ra yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ cho hơn 20.000 hợp tác xã nông nghiệp tại khu vực này.
Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể, Bộ Tài chính cho rằng, để chuyển đổi xanh thành công, cần có một khung chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã tiếp cận công nghệ, tài chính, đào tạo và mở rộng thị trường.
Luật Hợp tác xã năm 2023 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã góp phần đưa chính sách hỗ trợ vào thực tiễn, tạo động lực cho khu vực kinh tế tập thể phát triển. Luật thể chế hóa 8 nhóm chính sách trọng tâm; trong đó, nhấn mạnh ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng, bảo hiểm, khoa học công nghệ… cho các tổ chức kinh tế tập thể gắn với kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
![]() |
Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể, Bộ Tài chính |
Một điểm nổi bật là quy định miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành gắn với kinh tế xanh, tuần hoàn và tri thức. Đồng thời, Nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng, trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh bền vững và đổi mới sáng tạo nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
Đặc biệt, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp ngoài việc thụ hưởng chính sách chung còn được ưu tiên tiếp cận vốn, giống, công nghệ khi chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ, sản xuất bền vững.
Ông Bùi Anh Tuấn cho biết: Để đẩy mạnh chuyển đổi xanh, các bộ ngành cần khẩn trương triển khai Luật Hợp tác xã năm 2023, đồng thời rà soát, điều chỉnh các chính sách chưa phù hợp, đảm bảo đồng bộ với quy định mới.
Các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã cần chủ động nghiên cứu, triển khai Luật Hợp tác xã năm 2023 và các văn bản hướng dẫn, đồng thời đề xuất nhu cầu hỗ trợ, nhất là về đầu tư hạ tầng, trang thiết bị từ nguồn vốn đầu tư công.
Ông Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh, khu vực kinh tế tập thể cần mạnh dạn vượt qua rào cản cố hữu, đổi mới tư duy và hành động theo hướng chủ động, sáng tạo, không trông chờ vào hỗ trợ Nhà nước. Cùng với đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng dụng khoa học – công nghệ, phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, nông nghiệp hữu cơ và chuỗi giá trị.
Các chính sách mới được kỳ vọng sẽ tiếp thêm động lực cho khu vực kinh tế tập thể thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực cạnh tranh, phù hợp với định hướng phát triển nhanh, bền vững mà Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021–2030 đã đề ra.
![]() |
Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực |
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, hiện nay, phát triển kinh tế xanh là mục tiêu hàng đầu. Các trụ cột bao gồm: sử dụng tài nguyên hiệu quả, tiếp cận dịch vụ và tài chính xanh, đầu tư và thương mại xanh, việc làm xanh, đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng môi trường. 5 lĩnh vực ưu tiên gồm: nông nghiệp công nghệ cao, đô thị và vận tải bền vững, chuyển đổi năng lượng sạch, kinh tế tuần hoàn và bảo vệ đại dương.
Theo TS. Cấn Văn Lực, để hợp tác xã phát triển và đóng góp từ 4 - 5% GDP vào năm 2030, cần tích hợp chiến lược phát triển xanh vào quy hoạch kinh tế - xã hội quốc gia, địa phương và từng hợp tác xã. Một giải pháp quan trọng là sớm ban hành Danh mục phân loại xanh, xác định ngành nghề ưu tiên và giao tổ chức độc lập xác nhận tiêu chí xanh. Đồng thời, cần xây dựng tiêu chí đánh giá tác động môi trường, điều chỉnh hành vi tiêu dùng, hỗ trợ tài chính qua ưu đãi thuế, phí, lãi suất; thành lập Quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh và phát triển mô hình tín dụng hợp tác.
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cần thay đổi tư duy, xem chuyển đổi xanh là một khoản đầu tư chiến lược vào con người, công nghệ và thương hiệu. Cùng với việc thực thi hiệu quả Luật Hợp tác xã năm 2023 và Luật Đất đai năm 2024, cần sớm triển khai mô hình hợp tác xã kiểu mới, nâng cao năng lực cán bộ, tăng khả năng thu hút vốn và mở rộng liên kết với các thành phần kinh tế khác.
Có thể bạn quan tâm


KTO Việt Nam mang trải nghiệm văn hóa truyền thống Hàn Quốc tới Hội chợ VITM 2025
Cuộc sống số
Ranh giới mong manh của tự do ngôn luận trên mạng xã hội
Chuyển động số
Quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội tại Hội chợ VITM Hà Nội 2025
Chuyển động số