'Kì công diệu nghệ': Trí tuệ Việt xưa qua góc nhìn khoa học
Cuốn sách giới thiệu 30 phát minh độc đáo phản ánh trí tuệ và tay nghề điêu luyện của người Việt xưa trong các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, hàng hải, quân sự và đời sống.
Cuốn sách do nhóm tác giả Đông Nguyễn, chuyên gia nghiên cứu lịch sử cổ truyền và họa sĩ Kaovjets Ngujens người Latvia gốc Việt thực hiện. Đây là một công trình được khảo cứu kỹ lưỡng từ thư tịch cổ, kết hợp với hàng trăm hình vẽ minh họa sống động giúp bạn đọc hình dung rõ nét các kỹ thuật cổ xưa, từ chế tạo tơ chuối mịn như lụa đến sáng chế xe cứu hỏa từ thời vua Minh Mạng.
![]() |
Tọa đàm ra mắt sách "Kì công diệu nghệ - Một số kĩ thuật và công nghệ trên dải đất hình chữ S trước thế kỉ XX". |
Một điểm nhấn gây ấn tượng trong sách là phát kiến thuyền đáy đan nan, loại thuyền độc đáo không có ở Trung Hoa hay Đông Nam Á. Giữa thế kỷ XX, các sĩ quan hải quân Mỹ đã mô tả loại thuyền dài 12-15 mét này có khả năng chở hàng chục tấn, đáy làm từ tre đan nên nhẹ, bền, chống hà tốt và dễ sửa chữa với chi phí chỉ bằng một nửa so với thuyền đáy gỗ.
Tác giả Đông Nguyễn chia sẻ: “Có quan điểm cho rằng người Việt không có truyền thống biển, yếu kém về kỹ thuật hàng hải nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Chúng tôi đã tìm thấy rất nhiều dẫn chứng, cho thấy kỹ thuật đi biển của người Việt khiến cả những nền hàng hải lớn như Trung Quốc hay Hoa Kỳ phải nể phục”.
Anh dẫn chứng, ngay trong thập niên 1960-1970, các sĩ quan hải quân Hoa Kỳ đã bày tỏ sự thán phục trước loại thuyền đáy nan tre của Việt Nam.
![]() |
“Thoạt nhìn, chúng giống như những chiếc thúng khổng lồ, nhưng thực tế có thể chở tới 50 tấn hàng, vượt sóng gió ra tận Đài Loan (Trung Quốc). Giá thành lại rẻ, bền chắc và dễ sửa chữa - đó là sự kết hợp hiếm có giữa trí tuệ dân gian và tính ứng dụng cao”, tác giả Đông Nguyễn nói.
Cuốn sách cũng hé lộ nhiều sự thật thú vị: từ thế kỷ XVIII, đã có người Việt sang tận Hà Lan học làm đồng hồ cơ và kính viễn vọng.
Hay như Việt Nam là đất nước Á Đông duy nhất “cập nhật” kĩ thuật xây thành dạng sao kiểu Italia, để tạo nên thành Bát Quái xây năm 1790 ở Gia Định. Thành có mặt bằng như bông hoa sen chứ không phải kiểu chữ nhật truyền thống, xóa bỏ những “góc chết” vốn có, vừa phòng thủ vừa tấn công mạnh mẽ.
Các nước khác, chẳng hạn như Trung Quốc, Nhật Bản… chỉ có một vài thành dạng sao xây ở cuối thế kỉ XIX sau khi đã canh tân theo phương Tây, hoặc do các thế lực thực dân phương Tây xây dựng để bảo vệ tô giới, nhượng địa.
Họa sĩ Kaovjets Ngujens bày tỏ sự ngạc nhiên: “Lúc đầu tôi không tin người Việt từng làm chủ kỹ thuật chế tác đồng hồ sớm như vậy. Nhưng càng nghiên cứu, càng thấy rõ dân tộc ta tiếp thu tri thức nhân loại rất nhanh và sáng tạo linh hoạt theo cách riêng".
![]() |
Cuốn sách Kì công diệu nghệ gồm 5 phần, tái hiện các kỹ thuật được ứng dụng thực tiễn bởi người Kinh, Chăm và nhiều cộng đồng dân cư trên mảnh đất hình chữ S đã ứng dụng vào đời sống trước thế kỉ XX.
Nội dung được thẩm định bởi các chuyên gia uy tín như Đỗ Thái Bình, Trần Trọng Dương, Phạm Lê Huy, Trần Quang Đức..., với phần hiệu đính, góp ý từ nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng.
Theo Nhà xuất bản Kim Đồng, ấn phẩm được kỳ vọng sẽ thắp lửa đam mê khám phá khoa học, công nghệ và truyền cảm hứng về tinh thần đổi mới sáng tạo đến bạn đọc trẻ.
Sách chính thức phát hành toàn quốc từ ngày 23/5/2025 dưới thương hiệu Wings Books - Thương hiệu sách trẻ của Nhà xuất bản Kim Đồng.
Có thể bạn quan tâm


Nhà mạng phải báo cáo việc chặn Telegram tại Việt Nam trước ngày 2/6/2025
Chuyển động số
Tại sao Make in India không đảm bảo thành công mặc dù Hoa Kỳ áp thuế cao với Trung Quốc?
Kinh tế số
Chính quyền Trump cấm Harvard tuyển sinh sinh viên quốc tế
Cuộc sống số