Mới đây, tại Hội nghị cấp cao về công nghiệp bán dẫn, mạng lưới bán dẫn Việt Nam chính thức ra mắt. Đây được xem là bước tiến quan trọng đối với sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Khi mạng lưới Bán dẫn Việt Nam đi vào hoạt động, dự kiến sẽ từng bước thúc đẩy việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, góp phần đưa Việt Nam trở thành một đối tác đáng tin cậy trong hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn cầu. Điều này sẽ nâng tầm vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và đóng góp vào việc hiện đại hóa nền kinh tế.
Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - khẳng định rằng Việt Nam cam kết đóng góp tích cực vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới, không chỉ đối với Việt Nam mà còn với toàn cầu.
“Việt Nam đã lập đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50 nghìn kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030. Ngoài ra, chúng tôi đã tạo ra nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn cho các công ty, tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn. Các dự án đầu tư ngành bán dẫn thuộc lĩnh vực công nghệ cao đều được áp dụng những ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam”, ông Dũng chia sẻ.
Theo bà Linda Tan từ Hiệp hội Công nghệ bán dẫn Đông Nam Á (Semi SEA), mô hình trung tâm đào tạo và ươm tạo về thiết kế vi mạch bán dẫn tại Việt Nam và việc hình thành chương trình đào tạo và nghiên cứu ngành công nghiệp bán dẫn tại các trường đại học Việt Nam đang nhận được sự đánh giá cao.
Đáng lưu ý, hiện nay, Việt Nam phụ thuộc 100% vào nguồn cung chip bán dẫn từ nước ngoài. Các công ty trong nước chỉ có Tổng Công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (VHT) và FPT tham gia vào giai đoạn thiết kế chip. Còn các công ty trong nước có vốn đầu tư từ nước ngoài chủ yếu thực hiện các công đoạn gia công thiết kế vi mạch, lắp ráp và kiểm định.