Tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới vươn mình
Tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội sẽ xem xét Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương mở ra không gian, động lực của một đô thị phát triển đa dạng. Ảnh: Hoàng Hải
Tạo lập khung khổ pháp lý thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ
Tại các hội nghị TXCT trước Kỳ họp thứ Tám, cử tri và nhân dân cả nước phấn khởi trước những kết quả tích cực về kinh tế - xã hội trên tất cả các lĩnh vực; tình hình chính trị - xã hội được giữ vững ổn định; an ninh, quốc phòng được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng… Cử tri, nhân dân cả nước đánh giá cao Quốc hội tiếp tục có nhiều sáng tạo, cải tiến; đồng hành với Chính phủ kịp thời tháo gỡ khó khăn, ách tắc, thúc đẩy các công trình trọng điểm quốc gia; chú trọng tới việc xem xét giải quyết các kiến nghị, phản ánh của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp.
Theo đánh giá của cử tri, bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm của một kỳ họp thường lệ cuối năm là xem xét toàn diện kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tăng tốc, bứt phá “về đích” các mục tiêu của cả giai đoạn, Kỳ họp thứ Tám còn thực hiện khối lượng lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Theo đó, dự kiến có 31 dự án luật, dự thảo nghị quyết được thảo luận. Trong đó, Quốc hội xem xét, phấn đấu thông qua 18 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác.
Cử tri kỳ vọng, các dự án luật, dự thảo Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sẽ bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, góp phần đồng bộ hệ thống pháp luật, tạo lập khung khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.
Từ góc độ doanh nghiệp, cử tri đánh giá đây là kỳ họp mang rất nhiều kỳ vọng bởi khối lượng nội dung các dự án luật, dự thảo nghị quyết dự kiến được xem xét liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết. Trong đó, có nhiều nội dung liên quan đến đầu tư, kinh doanh, sửa đổi các quy định về thuế… Trước đó, tại hội nghị giữa Ban Cán sự đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội về chuẩn bị cho kỳ họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nhấn mạnh: "Chúng ta xác định "khó đến đâu gỡ đến đó, tắc đến đâu thông đến đó", phải làm đến nơi đến chốn để kịp thời phục vụ cho nhiệm vụ quý IV.2024 và năm 2025".
Cử tri Nguyễn Thành Đạt, Giám đốc Công ty Go Global Travel (TP. Đà Nẵng) cho biết, ấn tượng của anh là trong thời gian ngắn, có những nội dung đã được Chính phủ, Quốc hội nhanh chóng bổ sung chương trình xây dựng luật và trình dự thảo; thể hiện quyết tâm lớn trong tháo gỡ các "điểm nghẽn", khó khăn xuất phát từ thực tiễn. “Cũng cần nhắc lại là chỉ mấy tháng trước, Quốc hội cũng đã có một quyết nghị chưa từng có tiền lệ khi đưa vào cuộc sống Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản từ 1.8.2024 (sớm hơn 4 tháng so với kế hoạch) với duy nhất một quyết tâm là kiến tạo sự đột phá, để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển”, cử tri Nguyễn Thành Đạt bày tỏ.
Kỳ vọng những quyết sách lịch sử
Với cử tri cả nước, Kỳ họp thứ Tám cũng đánh dấu bước cụ thể hóa đầu tiên đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, với việc Quốc hội cho ý kiến vào chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Nhấn mạnh khi được triển khai, đây sẽ là công trình biểu tượng, giúp thay đổi mạnh mẽ diện mạo của hệ thống giao thông quốc gia và khẳng định vị thế mới cho đất nước, cử tri Đinh Quang Thái (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) mong muốn, các ĐBQH tập trung trí tuệ thảo luận thật kỹ lưỡng chủ trương này.
Tại Thừa Thiên Huế những ngày qua, có lẽ chưa bao giờ cử tri lại mong chờ ngày khai mạc một Kỳ họp Quốc hội đến thế. Với nhiều cử tri Cố đô, câu chuyện đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã được nhắc đến nhiều lần nhưng vì nhiều điều kiện khách quan nên có những thời điểm phải tạm thời “gác lại”. Việc Quốc hội đưa vào chương trình kỳ họp nội dung này nghĩa là “đích đến” không còn xa. Việc Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tạo ra sự ảnh hưởng và sức bật mới không chỉ cho riêng thành phố mà còn đóng góp thiết thực cho miền Trung, cho đất nước.
Cũng dành sự quan tâm đến định hướng phát triển lâu dài của địa phương, Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 là nội dung được cử tri TP. Hà Nội dành rất nhiều kỳ vọng. Trước đó, ghi nhận tại các buổi tiếp xúc với ĐBQH thành phố, cử tri các địa phương trên địa bàn đều mong muốn, Quốc hội tiếp tục có ý kiến để Chính phủ hoàn thiện, phê duyệt và triển khai thực hiện Quy hoạch. Quá trình xây dựng Đồ án, các bộ, ban, ngành cần đánh giá các yếu tố, điều kiện đặc thù phát triển Thủ đô; hiện trạng về hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông, tình trạng úng ngập, tình trạng ùn tắc giao thông, các giá trị văn hóa...
Hướng đến mục tiêu cao nhất là bảo đảm đời sống nhân dân
Đối với các vấn đề cụ thể trong đời sống, cử tri nhiều địa phương phản ánh những bất cập trong cuộc sống, đặc biệt là về an sinh xã hội đến Quốc hội. Đơn cử như mong muốn có quy định cứng về bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động, tránh trường hợp người sử dụng lao động đóng mức thấp hơn, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ; đồng thời, quy định rõ các trường hợp đặc biệt để Chính phủ điều chỉnh mức đóng này… Bên cạnh đó, là kiến nghị mở rộng phạm vi chi trả cho các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, như: mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế; cải tiến, đổi mới cơ chế quản lý, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ số trong việc liên thông các tuyến phục vụ công tác chuyển viện, khai thác thông tin y tế liên quan đến người bệnh…
Sau 79 năm giành độc lập, gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới và chủ trương lớn của Đảng ta là không để ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nhấn mạnh điều này, cử tri Nguyễn Trường Sơn (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) cho biết: vừa qua, Chính phủ đã phát động Phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025" đã nhận được sự đồng thuận rất cao của toàn xã hội. "Để không ai bị bỏ lại phía sau, không còn nhà tạm, nhà dột nát, Đảng, Nhà nước có nhiều hơn những chính sách hỗ trợ người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, cần có các hình thức thiết thực để tiếp tục huy động sự chung tay, chung sức, đồng lòng của cả xã hội thực hiện mục tiêu này bằng tinh thần dân tộc, nghĩa đồng bào, "tương thân, tương ái", cử tri Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Trong phiên khai mạc sáng qua, 21.10, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các ĐBQH đã nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp. Có những trăn trở về nhiều vấn đề vĩ mô của đất nước song cũng không ít lo lắng liên quan đến đời sống dân sinh. Có những việc đã được các cơ quan chức năng vào cuộc, giải quyết rốt ráo song cũng có những việc cử tri thấy chưa thực sự yên tâm.
Với tất cả kỳ vọng, cử tri cả nước mong muốn, Chính phủ thực hiện tốt các giải pháp chỉ đạo, điều hành bằng quyết tâm cao độ; các cấp, các ngành không chủ quan, tập trung mọi nỗ lực để vượt qua khó khăn, thách thức; kiên định các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đồng thời, tập trung huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy hơn nữa tiềm năng, sức mạnh của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch trong năm và cả giai đoạn. Thực sự là dấu mốc thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới vươn mình phát triển, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc...
Theo Daibieunhandan