Chính thức trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Ảnh: GIA HÂN.
Sáng 5-5, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội đọc tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Tạo cơ sở hiến định cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy
Về sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung, ông Định cho biết Hiến pháp năm 2013 quy định cụ thể về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định các đơn vị hành chính ở địa phương của nước ta với tên gọi của từng loại đơn vị hành chính ở 3 cấp: cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định của Hiến pháp và pháp luật liên quan đến Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước.
Một số chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa được phát huy đầy đủ, vẫn còn có sự trùng lặp, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ, trùng lặp về đối tượng vận động tập hợp ở một số tổ chức thành viên của mặt trận, có lúc, có nơi chưa thực sự sâu sát cơ sở, nắm tình hình nhân dân chưa kịp thời.
Mô hình chính quyền địa phương 3 cấp đã bộc lộ sự cồng kềnh, chồng chéo, trùng lặp về nhiệm vụ, quyền hạn, phát sinh nhiều thủ tục hành chính, chưa phát huy được tối đa việc ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Việc tồn tại nhiều đơn vị hành chính quy mô nhỏ làm phân tán nguồn lực, không phát huy được lợi thế, tiềm năng của địa phương cho phát triển kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho công tác quy hoạch, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trước bối cảnh nêu trên, Đảng đã chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm yêu cầu tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết 60 của hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất định hướng xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Đồng thời sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Vì vậy việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp trong thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết, tạo cơ sở hiến định cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Có cơ chế bảo đảm sự tham gia của các giới và lấy ý kiến nhân dân
Định hướng nội dung sửa đổi, bổ sung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với trọng tâm là 2 nhóm nội dung sau đây:
- Các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội.
- Các quy định tại chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; đồng thời có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.
Do định hướng phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này mang tính giới hạn, dự kiến chỉ liên quan đến khoảng 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nên đề nghị Quốc hội xác định hình thức văn bản để sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này là nghị quyết của Quốc hội.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho hay mục đích, yêu cầu của việc sửa đổi Hiến pháp nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Cùng với đó, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; nội dung sửa đổi, bổ sung phải căn cứ vào chủ trương, định hướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
"Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc hệ trọng, cần được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả; có cơ chế bảo đảm sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và lấy ý kiến nhân dân", ông Định nêu.
Thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 gồm 15 thành viên do Chủ tịch Quốc hội làm chủ tịch với thành phần gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan, tổ chức ở trung ương. Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng hồ sơ dự án nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp để trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến. Xác định nội dung và ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp; tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của nhân dân, các ngành, các cấp, ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo nghị quyết và trình Quốc hội xem xét, thông qua ngay tại kỳ họp thứ 9. |
Có thể bạn quan tâm


Quốc hội khóa XV khai mạc Kỳ họp thứ 9 với nhiều nội dung quan trọng
Chuyển động số
Techcombank cảnh báo chiêu trò lừa đảo thẻ ngân hàng ngày càng tinh vi
Bảo mật
Công bố Khánh thành tổng thể Đền thờ anh hùng liệt sỹ tại hồ Kẻ Gỗ
Cuộc sống số